Bắt lô hàng 'khủng' ở Lào Cai: Có thể xử lý hình sự nếu buôn bán hàng giả
Kho hàng lậu giữa Lào Cai: Doanh thu mỗi tháng 10 tỷ đồng?
Bắt giữ kho hàng lậu cực lớn 10.000m2 giữa trung tâm thành phố Lào Cai
Từ sản phẩm thương hiệu cao cấp đến những mặt hàng tiêu dùng bình dân đều có thể bị làm giả tinh vi rồi trà trộn, bán cho người tiêu dùng. Đặc biệt, khi người dân mua hàng trên mạng xã hội dễ mua phải hàng giả, hàng nhái vì không được kiểm tra trực tiếp. Vậy những hành vi này bị xử lý như thế nào, PV/VOV trao đổi với Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật TNHH Hừng Đông để làm rõ hơn về vấn đề này.
PV: Luật sư đánh giá như thế nào về hành vi bán hàng giả, hành kém chất lượng trên mạng xã hội?
Luật sư Nguyễn Hữu Toại: Vấn nạn hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường thời gian qua rất đáng báo động và ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý mua sắm của người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với ngành hàng tiêu dùng thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm. Theo đó, hàng giả mạo, không chỉ không đảm bảo chất lượng mà còn đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.
Theo tôi, đây là một vấn nạn cần được các cơ quan chức năng làm rõ và đấu tranh quyết liệt. Bởi, vấn đề này làm cho người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng hóa đảm bảo chất lượng. Người tiêu dùng sẽ nghĩ rằng, hàng nào cũng giống hàng nào. Nguyên nhân của thực trạng này, một phần do cơ quan quản lý không đủ quyết liệt, đủ mạnh tay để xử lý. Cùng với đó, một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý thích sử dụng những sản phẩm của hãng nổi tiếng, nhưng có giá cả phải chăng. Chính những điều này đánh vào tâm lý của họ và những kẻ trục lợi sẵn sàng làm hàng giả.
PV: Trong xu thế công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc mua bán hàng hóa qua mạng xã hội là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, nhiều đối tượng đã lợi dụng tình hình này để bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Vừa qua, cơ quan chức năng đã kiểm tra kho hàng ở Lào Cai và đã phát hiện lượng hàng khủng của các thương hiệu với giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. Theo luật sư, với hành vi thế này bị xử phạt thế nào?
Luật sư Nguyễn Hữu Toại: Nếu các cơ quan chức năng xác định được lô hàng trên là giả và có giá trị hàng chục tỷ đồng thì có đủ yếu tố cấu thành tội phạm và chủ lô hàng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 192 BLHS năm 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả với khung hình phạt từ 1-15 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20-50 triệu đồng. Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, cầm làm các công việc nhất định trong thời gian từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Như vậy, khung hình phạt đối với hành vi này tương đối cao và có sức răn đe.
Còn trường hợp không chứng minh được có yếu tố hình sự thì chủ lô hàng bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 185 và Nghị định 124.
Trường hợp vi phạm không rõ về nguồn gốc xuất xứ, và có vi phạm khác bị phạt tiền từ 500.000 đồng cho đến 80 triệu đồng. Sau đó tịch thu phương tiện, thu hồi hàng hóa và trục xuất hàng hóa khỏi lãnh thổ Việt Nam.
PV: Ngoài việc xử lý đối tượng vi phạm pháp luật như luật sư vừa nêu, có quy định gì về buôn lậu hàng hóa qua biên giới mà không có hóa đơn chứng từ.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại: Việc buôn bán hàng hóa qua biên giới mà không có chứng từ theo BLHS năm 2015 có quy định tại điều 188 về buôn lậu. Theo đó, được hiểu là, người nào buôn bán qua biên giới, hoặc từ khu vực phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái quy định của pháp luật thì tùy tính chất, mức độ và giá trị hàng hóa có thể bị xử phạt.
Nếu như người đó bị xử phạt hành chính hoặc có các hình thức xử phạt khác nhau thì có thể bị xử lý theo quy định tại điều 188 của BLHS. Theo đó, có thể bị phạt tù từ 6 tháng tới 20 năm tùy tính chất, mức độ, giá trị hàng hóa mà người đó buôn lậu qua biên giới.
PV: Làm việc tại kho có các nhân viên bán hàng qua mạng. Vậy theo luật sư các nhân viên này có bị xử lý gì không khi họ biết đây là hàng giả?
Luật sư Nguyễn Hữu Toại: Nếu những nhân viên này biết đấy là hàng giả, hàng nhái mà họ vẫn bán cho người tiêu dùng thì thì họ có vai trò là đồng phạm của vụ việc. Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự với vai trò là đồng phạm, người giúp sức tùy vào vị trí của họ trong vụ việc mà có hình phạt tương ứng.
Tuy nhiên, cũng còn phải xét đến yếu tố tùy theo cách nhìn của người này. Nếu họ không biết đây là hàng nhái, hàng giả thì trách nhiệm của họ bị loại trừ.
Đối với xử lý hình sự thì căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và vai trò, vị trí của người thực hiện hành vi của người phạm tội. Chúng ta cũng phải xét đến yếu tố họ có tích cực hay không, có vai trò là chủ mưu, cầm đầu, hay chỉ là người giúp sức hay đồng phạm. Vì vậy, chúng ta phải cá thể hóa vai trò, trách nhiệm của người đó tuỳ vào vai trò của người đó tham gia vào vụ việc đến đâu. Nếu như vài trò mờ nhạt sẽ xử lý thấp, còn nếu tích cực, chủ động,... xử lý nghiêm khắc.
PV: Nếu trong trường hợp xét hỏi, giả sử người bán buôn hàng nói với các đại lý là hành giả, thì những người mua buôn đó có bị xử lý không?
Luật sư Nguyễn Hữu Toại: Chúng ta phải đặt ra hai trường hợp. Thứ nhất, những người mua buôn này có biết đó là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng hay không? Nếu như người đó không biết thì khó bị xử lý.
Nhưng trường hợp này, theo nhận định chủ quan của cá nhân tôi thì họ phải biết đó là hàng giả. Bởi, một sản phẩm là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng thì giá cả, chất lượng sẽ khác với hàng thật.
Vì vậy, khi buôn về họ phải biết đó hàng giả. Nếu họ biết đây là hàng giả mà vẫn mua và bán lại cho người tiêu dùng thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của họ. Và cũng tùy mức độ, có thể họ bị xử phạt hành chính, cũng có thể bị xử phạt hình sự thông qua lượng hàng mua bao nhiêu, và thời gian bao lâu, bán ra thị trường bao nhiêu. Nếu cơ quan chức năng họ chứng minh được điều đó, thì họ sẽ xác định được mức xử lý phù hợp./.
PV: Xin cảm ơn luật sư!
Theo VOV