Bẫy đầu tư tài chính online: Thủ đoạn lừa đảo nhắm vào tâm lý sinh lời tự động cao

author 18:41 27/11/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay, nhiều đối tượng xấu đã lập ra các sàn giao dịch, trang web giả mạo và các loại tiền ảo để lôi kéo nhà đầu tư dẫn đến nguy cơ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cao. Do đó, người dân cần cẩn trọng và cảnh giác để không trở thành nạn nhân của những thủ đoạn tinh vi này.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Thời gian vừa qua, đã có rất nhiều người dân bị lừa số tiền từ vài tỷ đồng cho đến hàng chục tỷ đồng, vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng. Tuy phương thức này không mới, nhưng lại biến hóa tinh vi và núp bóng dưới nhiều hình thức, đánh vào tâm lý ham lợi nhuận khủng từ các nhà đầu tư. Các nhóm đối tượng trong nước lập ra các sàn, trang web đầu tư tài chính giả mạo sàn quốc tế, sàn vàng online.

Người dân cần cảnh giác và nâng cao kỹ năng phòng chống tội phạm, nhận biết các hình thức lừa đảo, tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính. Theo Trung tá Nguyễn Thành Chung - Phó Trưởng Phòng 4 Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an cho biết, lừa đảo tài chính là loại lừa đảo quy mô nhất trong các loại lừa đảo vì độ phức tập cũng như độ hiểu biết Pháp luật của các đối tượng. Nhiều người bị lừa nhưng vẫn không biết mình bị lừa như thế nào, đã xảy ra nhiều vụ việc, vụ án liên quan đến lừa đảo đầu tư tài chính trên không gian mạng, cũng như các vụ việc, vụ án liên quan đến tiền ảo, tiền mã hóa gây thiệt hại rất lớn về tài sản, gây bức sức trong dư luận nhân dân, có thể kể đến một số phương thức, thủ đoạn phổ biến:

Kinh doanh đa cấp tiền ảo, tiền mã hóa biến tướng trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo thông qua hoạt động của các sàn giao dịch ngoại hối, quyền chọn nhị phân (hình thức đầu tư mà người tham gia sẽ kiếm tiền bằng cách dự đoán xu hướng của một loại tài sản là tăng hay giảm trong một thời gian xác định)…

Hiện nay, nhiều đối tượng xấu đã lập ra các sàn giao dịch, trang web giả mạo và các loại tiền ảo để lôi kéo nhà đầu tư dẫn đến nguy cơ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cao. Ảnh minh họa

Đáng lưu ý trong các giai đoạn giá của một số đồng tiền mã hóa, tiền ảo tăng cũng là thời điểm các đối tượng phạm tội tăng cường hoạt động quảng cáo, lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động kinh doanh, giao dịch, mua bán tiền ảo, tiền mã hóa trên không gian mạng thông qua các sàn giao dịch. Các website mà các đối tượng đưa ra nhằm mục đích cuối cùng chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. Các chỉ số giá trên các sàn giao dịch cũng như các trang web giao dịch do đối tượng thiết lập, thì các đối tượng hoàn toàn có thể điều chỉnh chỉ số giá theo hướng có lợi cho các đối tượng mà mục đích cuối cùng là chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Hiện nay có tình trạng nhiều nhóm đối tượng trong nước lập ra các sàn, các trang web giả mạo các sàn của quốc tế, hoặc tự cho ra đời các loại tiền ảo để lôi kéo nhà đầu tư dẫn đến nguy cơ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là rất cao, đây là dấu hiệu để các nhà đầu tư nhận biết các thủ đoạn lừa đảo này.

Một số đặc điểm nhận biết đối tượng lừa đảo trên sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số

Thực tế ở Việt Nam khung pháp lý để điều chỉnh quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tiền mã hóa chưa cụ thể, chưa rõ ràng và người dân vẫn có thể tham gia giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa công khai trên không gian mạng và qua các sàn giao dịch quốc tế cũng như các sàn giao dịch trong nước hoặc thông qua các ứng dụng OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet), trên các hội nhóm, diễn đàn trên không gian mạng. Trên thực tế cũng có một số dấu hiệu để nhận biết, như:

Đối tượng thiết lập các sàn giao dịch, các trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế sao đó giao cho đội ngũ nhân viên Telesales gọi điện, mời chào nhà đầu tư tham gia vào các nhóm tư vấn, trao đổi qua zalo, Telegram. Sau khi tham gia vào nhóm trên không gian mạng thì đối tượng và các thành viên trong nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện để thuyết phục nhà đầu tư tham gia vào các giao dịch đầu tư tài chính, cũng như mua bán tiền ảo, tiền mã hóa trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư tham gia.

Phương thức tiếp cận của đối tượng nhiều, thường vào vai cha/mẹ đơn thân có điều kiện kinh tế, doanh nhân thành đạt độc thân…để kết bạn làm quen, trò chuyện tình cảm trong thời gian dài, dần dần lôi kéo đầu tư.

Đối tượng lạ chủ động tiếp cận để giới thiệu, quảng cáo về trang web hoặc sàn giao dịch mà mình đang đầu tư và thu được lợi nhuận cao từ các sàn này.

Người dân thường được đưa vào các nhóm chat trên mạng xã hội, có "Chuyên gia trợ giúp đầu tư", nhiều tài khoản khác đóng vai người đầu tư (tài khoản chim mồi), thường xuyên đăng tin chuyển tiền thành công hoặc đã nhận được lợi nhuận lớn từ sàn đầu tư để kích thích bị hại.

Đối tượng kêu gọi đầu tư thường né tránh không gặp mặt nạn nhân (kể cả né tránh cuộc gọi video call), đưa ra nhiều lý do như: đang họp, hội nghị, lái xe, đi công tác... giả mạo định vị để tạo lòng tin. Luôn đóng vai là người tử tế, cùng đồng hành với nạn nhân, khiến nạn nhân dù nghi ngờ bị lừa đảo nhưng vẫn tin tưởng để tiếp tục chuyển tiền.

Đối với tiền ảo, vào ngày 23/2/2024, Chính phủ ban hành Quyết định 194/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền (PCRT), tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tại quyết định này, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo. Dó đó, tiền ảo hiện nay chưa có khung pháp lý quản lý và được hiểu gồm 02 dạng:

- Tiền kỹ thuật số là tiền được mã hóa từ những bí số, không phụ thuộc hay bị điều khiển bởi bất kỳ ai hay bất kỳ Nhà nước nào trên thế giới, được tạo ra bằng cách "đào" và sử dụng các mật mã để lưu trữ giao dịch, sử dụng công nghệ blockchain để quản lý, ví dụ như: Bitcoin, Binance coin (BNB), Pi Network, Ethereum (ETH), USDT…

- Tiền ảo do các tổ chức, cá nhân tạo ra bằng thuật toán (không phải do Ngân hàng nhà nước phát hành), được thừa nhận sử dụng trong cộng đồng nhất định. Hiểu đơn giản gồm: xu Shopee, đồng tốt (Chợ tốt), xu Lazada, xu trong các game, coin trong game…, dùng để đổi thưởng, thanh toán dịch vụ trong ứng dụng, trò chơi.

Như vậy, cơ quan chức năng cho biết, hiện nay chỉ có tiền điện tử có sự bảo đảm từ Nhà nước, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành, còn tiền kỹ thuật số, tiền ảo không được bảo đảm như vậy, thậm chí hoàn toàn không được bảo đảm từ bất kỳ tổ chức nào. Việt Nam đang xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tiền ảo.

Khánh Mai 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang