Bé trai 6 tuổi bị sốc phản vệ nghi do thuốc kháng sinh

author 11:11 30/01/2023

(VietQ.vn) - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết, đơn vị vùa điều trị cho một bệnh nhi 6 tuổi bị sốc phản vệ nguy kịch nghi do thuốc kháng sinh.

Theo đại diện Bệnh viện Nhi Đồng 2, trước đó bé S. bị bệnh viêm phổi và nhập viện tại bệnh viện tuyến dưới. Trong quá trình điều trị, bé bị sốc phản vệ nghi do thuốc kháng sinh. Ngay sau đó bé được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng sốc phản vệ nặng, tổn thương đa cơ quan.

Nhận thấy tình hình nguy kịch, bé được các bác sĩ khoa cấp cứu và hồi sức chỉ định và thực hiện chạy ECMO (tim phổi nhân tạo thông qua tuần hoàn ngoài cơ thể). Qua nhiều phiên điều trị với sức sống mãnh liệt, bé đã không làm phụ lòng các y bác sĩ và dần cai được ECMO, hồi phục gần như bình thường.

Liên quan đến việc trẻ bị sốc phản vệ, BS.CK1 Nguyễn Hiền, khoa Ngoại tổng hợp cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ nặng, tổn thương đa cơ quan. Đây là một kiểu phản ứng dị ứng cấp tính nặng và đe dọa trực tiếp tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

"Công nghệ chạy ECMO thường được áp dụng để điều trị các ca bệnh trong giai đoạn cuối, suy tim hay suy hô hấp nghiêm trọng, đây cũng là biện pháp cuối cùng để cứu bệnh nhi", bác sĩ Nguyễn Hiền, khoa Ngoại tổng hợp cho biết.

Bé 6 tuổi bị sốc phản vệ nghi do thuốc kháng sinh. Ảnh: Nguyễn Tâm/BV Nhi Đồng 2 

Theo các bác sĩ, sốc phản vệ ở trẻ là một phản ứng dị ứng cấp tính nặng, đe dọa trực tiếp tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Tình trạng này xảy ra sau khi con người tiếp xúc với các chất dị ứng (dị nguyên) như thuốc, nhựa mủ, nọc độc, ong chích, kiến đốt..., hoặc những thực phẩm hàng ngày không phù hợp với cơ thể mỗi người như cá ngừ, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, khoai tây, đậu phộng, đậu nành.

Đối với các trường hợp sốc phản vệ như bệnh nhi nói trên, các dấu hiệu có thể nhận biết bao gồm: cảm giác chóng mặt, xây xẩm đứng không vững do hạ huyết áp; tay chân lạnh; vã mồ hôi; mạch nhanh nhẹ khó bắt; phát ban trên da; buồn nôn và nôn.

"Bệnh nhân cần được phát hiện sớm, xử trí đúng, kịp thời, nếu phát hiện trễ hoặc xử trí không đúng có thể gây nguy hiểm", bác sĩ Hiền khuyến cáo.

Liên quan tới vấn đề sốc phản vệ do thuốc kháng sinh, các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec cũng chia sẻ, những lợi ích của kháng sinh vốn rất rõ ràng khi có thể phòng ngừa bệnh, bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên trong quá trình tiêm kháng sinh cũng cần đề phòng sốc phản vệ. Mọi thuốc sử dụng đều có nguy cơ gây ra sốc phản vệ, tuy nhiên, kháng sinh là nhóm thuốc sử dụng phổ biến và nguy cơ gây phản vệ cao hơn các nhóm thuốc khác.

Theo tổ chức Dị ứng Thế giới thì kháng sinh nhóm beta-lactam và sulfamid là hai trong số các nhóm thuốc có nguy cơ cao gây dị ứng. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra ngay lần đầu tiên nhưng cũng có thể ở những lần dùng thuốc sau đó.

Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, với người bệnh không có tiền sử dị ứng thuốc thì không bắt buộc phải thử test trước khi tiêm kháng sinh. Tuy nhiên, cần phải tiến hành test da trước khi sử dụng thuốc nếu người bệnh có tiền sử dị ứng với thuốc hoặc dị nguyên có liên quan (thuốc, dị nguyên cùng nhóm hoặc có phản ứng chéo) hoặc nếu người bệnh có tiền sử phản vệ với nhiều dị nguyên khác nhau. Bác sĩ dị ứng – miễn dịch lâm sàng sẽ tư vấn về các loại thuốc test và quy trình test cho bạn.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang