Bê bối lạm dụng tình dục vào phim Oscar thế nào?

author 16:01 03/03/2016

Rất nhiều yếu tố có thể giúp lí giải vì sao một phim không quá ồn ào lại trở thành tâm điểm tại lễ trao giải phim Oscar lần thứ 88.

Nhóm nhà báo dũng cảm đưa câu chuyện chấn động ra ánh sáng trong phim hay nhất năm của giải Oscar.

Từ đời đến phim

Ba năm trước, tờ Boston Globe bị bán với giá rất bèo do xu hướng lỗi thời của báo in. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những tòa soạn đáng nể của nước Mỹ. Nhóm Spotlight (Tiêu điểm) có từ những năm 1970, tập hợp nhóm nhà báo điều tra xuất sắc chuyên phanh phui các vụ tiêu cực lớn. Bộ phim Spotlight của đạo diễn Tom McCarthy, Oscar phim hay nhất, một lần nữa tôn vinh tòa soạn này, đặc biệt với thành quả năm 2002 đưa nạn ấu dâm tại nhà thờ ra ánh sáng. Năm 2003, loạt bài này đoạt giải Pulitzer.

Tính chất của vụ việc có thể làm thành bộ phim tài liệu dài, tuy nhiên những người làm phim xử lý toàn bộ câu chuyện điều tra, sự đấu tranh của lẽ phải trong khoảng hai giờ. Nhóm bốn nhà báo đặc biệt gồm Robinson (Michael Keaton), Rezendes (Mark Ruffalo)-nhà báo xuất hiện trong lễ trao giải Oscar- Sacha Pfeiffer (Rachel McAdams) và Carroll (Brian d’Arcy James). Ngoài ra còn có ông sếp mới về Marty Baron (Liev Schreiber) người nhìn ra “câu chuyện rất lớn cho một tờ báo địa phương”.

Đạo diễn chọn cách dẫn dắt từ ý kiến của ông sếp mới, dám đưa ra đề nghị đệ đơn để tòa bỏ niêm phong tài liệu chứng tỏ một hồng y biết chuyện cha xứ lạm dụng hơn 80 đứa trẻ. Nói cách khác đây cũng là vụ kiện lớn, khi dám động tới giáo hội, có sức ảnh hưởng lớn tại địa phương. Chưa kể những luật sư hám tiền, đứng ra lo liệu ém nhẹm các bê bối. Con đường đi đến sự thật quả không đơn giản.

Spotlight nhìn lại cả quá trình hậu trường điều tra để đưa ra ánh sáng vụ lùm xùm này. Không có hình ảnh nào đả động đến các vụ lạm dụng, nó được tái hiện qua những cuộc lục tìm tài liệu, phỏng vấn nạn nhân của nhóm nhà báo. Ám ảnh kinh hoàng, sang chấn tâm lý đằng sau những vụ ấu dâm của hơn 200 linh mục khiến hàng trăm đứa trẻ rơi vào những hoàn cảnh bi đát như nghiện ngập, tự tử.

Giá trị của sự thật nhức nhối

Giải Oscar cho Spotlight có thể khiến những người chưa xem phim hoài nghi. Trước khi các thành viên Viện Hàn lâm bỏ phiếu, các nhà làm phim chiếu cho Vatican xem, nhận được phản hồi tích cực, xua tan lo ngại trước đó.

Không phải là một bộ phim hoàn hảo, thậm chí còn bị so sánh có màu sắc giống bộ phim về nghề báo xuất sắc trước đó All the President’s men (với cặp diễn viên tài năng Dustin Hoffman và Robert Redford) nói về vụ bê bối Watergate khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Spotlight chuyển tải đến người xem câu chuyện nhân văn về nỗ lực, lương tâm của những người làm báo. Công bố câu chuyện chấn động này cũng là cuộc đối đầu đầy thách thức với thế lực “nhân danh Chúa để làm những điều phi đạo đức”. Tinh thần này xuyên suốt bộ phim, có lúc lên đến cao trào khi Rezendes phát khùng vì loạt bài bị ém lại do những áp lực, sự can thiệp từ bên ngoài.

Gần đây, Giáo hoàng Francis lên tiếng thừa nhận tỷ lệ khoảng 2% linh mục, cha xứ dính đến ấu dâm. Ngài nói sẽ tìm giải pháp để đối mặt “tình trạng không thể chấp nhận được”. Điều này cũng là một trong những động lực không nhỏ của ê kíp Spotlight.

Sở dĩ Spotlight chạm tới đỉnh vinh quang bởi tính nhân văn, giá trị của sự thật khiến những người làm báo phải cảm thấy “có trách nhiệm” và coi đó là “lí do làm nghề báo”. Không chỉ đòi công bằng cho những nạn nhân chịu sự lạm dụng, những người đưa câu chuyện ra ánh sáng còn để lấy lại niềm tin, đức tin cho các nạn nhân.

Spotlight thuyết phục người xem bằng giá trị và sức lan tỏa của sự thật. Hình ảnh kết là một trong những khoảng khắc lắng đọng, gây cảm hứng cho những người làm báo trên khắp thế giới: Hàng trăm độc giả gọi về tòa soạn sau khi bài báo đầu tiên được đăng tải, phần lớn là nạn nhân. Dòng chữ chạy sau đó chỉ ra có đến không dưới một nghìn người là nạn nhân của 249 vị cha xứ, linh mục tại Boston.

Spotlight bấm máy tháng 9/2014 tại Boston, quay trong phòng làm việc của Boston Globe tại Dorchester, thư viện công tại Boston, ĐH McMaster, chỉ riêng phòng họp được dựng ở trường quay. Các nhà báo tại tòa soạn Boston Globe giúp đỡ đoàn làm phim về trang phục, kịch bản, diễn viên cũng như bối cảnh tòa soạn. 

Theo Tiền phong


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang