Bên Mỹ ‘tịch thu phương tiện’ thế nào?

author 20:05 11/03/2015

(VietQ.vn) - Có quyền tạm giữ phương tiện nhưng không phải cảnh sát giao thông là người ra quyết định tịch thu hoặc vi phạm đến lần sau mới tịch thu… là những cách thức ở Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Đề xuất tịch thu phương tiện của người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Ở Hoa Kỳ, Bắc Âu hay nhiều nước nước khác trên thế giới, quy định này đã được thực thi. Nhiều chuyên gia đã nêu những trải nghiệm thực tế ở các nước trên.

Cảnh sát giao thông không có quyền phạt

Ông Trần Hiệu Minh, một Bloger rất nổi tiếng, công tác ở Ngân hàng Thế giới đã từng có 11 năm sống và lái xe ở bang Virginia, Hoa Kỳ chia sẻ những thông tin rất hữu ích về việc tịch thu phương tiện khi vi phạm nồng độ cồn ở Mỹ.

Theo ông Trần Hiệu Minh, ở bang Virginia, trong tình huống này nếu vi phạm giao thông, lái xe sẽ phạt lần đầu phạt 200 USD, trong 7 ngày không được lái xe. Nếu vi phạm lần 2 sẽ bị treo bằng 60 ngày, xe cũng bị tạm giữ không được lái. Lần vi phạm thứ 3, cảnh sát có quyền bắt giữ lái xe mà không cần lệnh của Tòa án và có thể bị ngồi tù từ 1 năm trở lên cộng với mức phạt có thể lên đến hàng ngàn USD và có thể tịch thu tài sản nếu là chủ phương tiện.

Nếu lái xe vi phạm nồng độ cồn mà đang lái xe thuê hoặc mượn sẽ có quy định xử lý khác.

Chia sẻ về quy trình, cách thức xử phạt vi phạm giao thông tại bang Virginia, Hoa Kỳ để giám sát những sai sót, nhũng nhiễu của cảnh sát giao thông, ông Trần Hiệu Minh kể, có lần tôi vượt tốc độ, cảnh sát ra lệnh dừng xe giữa đường. Ngay khi tôi bước xuống khỏi xe, camera cảnh sát được bật lên ghi lại toàn bộ vụ xử lý của cảnh sát gửi về trung tâm điều hành. Vì thế những vụ đánh đập, giết người hay chống người thi hành công vụ được ghi lại hết.

Ở Mỹ có 320 triệu người thì có tới 350 triệu xe, nếu không có hệ thống giao thông và pháp luật giao thông tốt thì tai nạn giao thông sẽ rất nhiều.

Riêng đối với chuyện xử lý lái xe say rượu thì cực kỳ khắc nghiệt. Nếu lái xe bị treo bằng, anh chỉ được lái trong những phạm vi nhỏ là đưa con đi học, đi siêu thị trước 8h tối.

Nếu anh vi phạm nồng độ cồn, lái xe cũng bị treo luôn biển vàng trên xe, người khác nhìn biết luôn anh đang vi phạm luật giao thông.

Đối với việc tịch thu, ông Trần Hiệu Minh cho hay, công an có quyền tạm giữ lúc đó nhưng Tòa án xử rồi mới quyết định có bị tịch thu không. Do đó, việc kiểm soát và giám sát lẫn nhau rất chặt chẽ, cảnh sát rất khó vi phạm, nhũng nhiễu. Khi Tòa án yêu cầu băng xử lý vi phạm, cảnh sát phải cung cấp.

"Một lần tôi bị phạt về tốc độ. Tôi hỏi là anh phạt tôi bao nhiêu, cảnh sát bảo ra tòa hỏi. Tôi phải đợi 2 tháng sau ra tòa, Chánh án gọi từng người vi phạm vào mỗi người có nửa phút và hầu hết bị phạt 160 USD. Đến lượt tôi, tôi nói chưa bao giờ vi phạm trong 10 năm nay, tôi chỉ đi xuống dốc nhưng nhanh quá, tòa bắt tôi giơ tay thề không nói sai rồi hỏi Cảnh sát tình huống vi phạm của tôi có đúng như trình bày không. Cảnh sát chứng thực đúng như thế nên tôi chỉ bị phạt 100 USD, không bị bấm lỗ bằng, là nhẹ hơn tình huống bình thường. Do đó phạt bao nhiêu tiền, tịch thu thế nào là quyền của tòa án, Cảnh sát giao thông chỉ có quyền thực thi”, ông Trần Hiệu Minh nói.

Đề xuất tịch thu phương tiện nếu lái xe vi phạm nông độ cồn đang gặp phải nhiều phản đối của dư luận. Ảnh: antt.vn

Nhiều nước đã áp dụng rất tốt

Tạm giữ và tịch thu được áp dụng nhiều trên thế giới. Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tư pháp cho hay, nếu nhìn vào hệ thống pháp luật ở Bắc Âu, Úc, New Zealand có thể tìm ra hàng loạt các giải pháp cho vấn đề tịch thu phương tiện với người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, từ phạt tiền, bấm lỗ bằng, lao động công ích, tịch thu phương tiện, ngồi tù đều có. Trên thế giới uống rượu bia lái xe phần lớn bị xem là tội phạm, có thể bị xử lý hình sự.

Cũng có quốc gia cấm tuyệt đối như Hungari. Tuy nhiên, số nước này ít bởi có trường hợp có nồng độ cồn trong máu không chỉ từ uống rượu bia mà từ nước súc miệng…vẫn có nên mới có mức độ. Phần lớn là 50mg/ml máu, các nước tiên tiến hơn thì là mức 20mg/ml.

Đầu tiên, các nước áp dụng tịch thu phương tiện khi tái phạm lần 3, 4. Nhưng hiện tại, xu hướng đang thay đổi theo hướng nghiêm khắc hơn với những lỗi như này. 32/50 bang của Mỹ đã áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện khi người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Ông Nguyễn Văn Thạch cũng cho hay, hệ thống xử phạt nên có nhiều giải pháp ở mức độ khác nhau tương ứng với mức độ vi phạm khác nhau. Chẳng hạn, ở Úc năm 2004 thông qua đạo luật Hun phải có chế tài mạnh, cho phép cảnh sát giao thông tạm giữ xe trong 28 ngày. Sau đó, nếu đưa vụ việc lên Tòa án, Tòa án phát hiện lái xe tái phạm thì sẽ bị tịch thu phương tiện.

Kết quả nghiên cứu tại nhiều quốc gia cho thấy, khi áp dụng biện pháp cứng rắn, người vi phạm giảm 65% – 90%.

Nhìn sang Singapo là quốc gia nổi tiếng về nghiêm khắc, công minh của pháp luật, ông Nguyễn Văn Thạch nêu ví dụ, nếu bạn vứt một mẩu rác, cơ quan chức năng không quan tâm bạn là ai đến từ đâu mà chỉ phạt và phạt.

“Cách xử lý vấn đề kiên quyết, triệt để như vậy đã giúp người dân Singapo có ý thức tuân thủ pháp luật tốt nhất thế giới”, ông Nguyễn Văn Thạch nói.

 Ông Nguyễn Phương Nam, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, ý thức thượng tôn Pháp luật của người dân Việt Nam hiện đang rất yếu. Chúng tôi có hỏi việc lái xe uống rượu ở Việt Nam bị cấm hay không thì 80% – 90% trả lời có biết. Nhưng hỏi lại trong thời gian gần đây anh có uống rượu bia rồi lái xe không thì 60% -70% trả lời có.

Trần Hoài

 


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang