Bến Tre: Phát hiện, tạm giữ lượng lớn gạo Ấn Độ có dấu hiệu nhập lậu

author 08:30 09/10/2022

(VietQ.vn) - Mới đây, hơn 29 tấn gạo Ấn Độ có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu đã bị lực lượng chức năng tỉnh Bến Tre phát hiện, tạm giữ.

Lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Bến Tre cho biết, đơn vị vừa phối hợp lực lượng chức năng trên địa bàn phát hiện, tạm giữ 29,4 tấn gạo Ấn Độ tại một hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu.

Qua công tác quản lý địa bàn, ngày 29/9/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 huyện Mỏ Cày Nam do Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre chủ trì, phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Mỏ Cày Nam tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh gạo do bà T.T.P, sinh năm 1964 làm đại diện, Địa chỉ: xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Qua kiểm tra phát hiện bà T.T.P đang kinh doanh 588 bao gạo loại 50kg/ bao, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài (Product of India), không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là: 296.940.000 đồng.

Qua làm việc bước đầu, bà T.T.P khai nhận số lượng gạo nêu trên bà mua của ông N.M.S, Địa chỉ: thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre nhưng không cung cấp được hồ sơ nhập khẩu, hóa đơn chứng từ liên quan đến việc mua bán và lưu thông hàng hóa. Vụ việc đang được Đoàn kiểm tra tiến hành xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.

 Gạo Ấn Độ nghi nhập lậu bị thu giữ.

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng gạo trong thời gian tới, Đội QLTT số 2 tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Công văn số 477/TCQLTT-NV ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Cục Quản lý thị trường Bến Tre về việc thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường ngày 08 tháng 6 năm 2022 đối với việc nhập khẩu, kinh doanh gạo Ấn Độ. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, thu thập thông tin đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh gạo trên địa bàn, đặc biệt là cơ sở kinh doanh gạo được nhập khẩu từ Ấn Độ; kịp thời phát hiện, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Liên quan tới  hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:

Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng; Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây: Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Đồng thời, nhằm nâng cao chất lượng sản xuất gạo đầu ra, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã công bố bộ tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng của một số loại gạo.

Tiêu chuẩn TCVN 11888:2017: Gạo trắng. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại gạo trắng thuộc loài Oryza sativa L. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho gạo nếp (glutinous rice) và các loại gạo thơm trắng thuộc giống lúa thơm của loài Oryza sativa L và sản phẩm được chế biến từ gạo.

Tiêu chuẩn TCVN 11889:2017: Gạo thơm trắng. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại gạo thơm trắng thuộc loài Oryza sativa L. có hương thơm tự nhiên.

Tiêu chuẩn TCVN 8368:2018: Gạo nếp trắng. Tiêu chuẩn này áp dụng cho gạo nếp trắng thuộc loài Oryza sativa L. glutinosa dùng làm thực phẩm.

Tiêu chuẩn TCVN 8371:2018: Gạo lật. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại gạo lật thuộc loài Oryza sativa L. dùng làm thực phẩm. Tiêu chuẩn này cũng có thể áp dụng cho gạo lật để chế biến tiếp thành gạo trắng.

Tiêu chuẩn TCVN 5643:1999, Gạo – Thuật ngữ và định nghĩa; TCVN 9027:2011 (ISO 24333:2009), Ngũ cốc và sản phẩm ngũ cốc – Lấy mẫu.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang