Bệnh nhi nguy kịch vì đắp thuốc lá sau khi bị rắn độc cắn

author 19:16 21/04/2022

(VietQ.vn) - Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM), mới tiếp nhận bé trai N.V. (13 tuổi, ngụ tại tỉnh An Giang) nhập viện trong tình trạng cơ thể nhiễm độc nặng, bàn tay trái bị nhiễm trùng, hoại tử. Kết quả xét nghiệm ghi nhận, trẻ bị rối loạn đông máu.

Gia đình bệnh nhân cho biết, 6 ngày trước khi nhập viện, bé N.V lên rẫy phụ giúp công việc gia đình. Khi đưa tay vịn vào thân cây chuối để chuẩn bị chặt, trẻ đã bị con rắn lục nưa (còn gọi là rắn hổ bướm) – loài rắn cực độc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và rừng núi biên giới Campuchia cắn.

Sau khi tiêu diệt con rắn, người mẹ đã dùng miệng hút nọc độc, garo cánh tay cho con. Tuy nhiên, thay vì đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu, điều trị kịp thời, gia đình lại đưa bệnh nhi đến nhờ thầy lang ở địa phương đắp thuốc.

 Các bác sỹ tích cực điều trị cho bệnh nhi. Ảnh minh họa

Sau 3 ngày băng thuốc, vết thương bị nhiễm trùng, nổi bóng nước lan tỏa. Các vết bầm da trên cơ thể bệnh nhi xuất hiện và lan nhanh ra toàn thân. Bên cạnh đó, trẻ đối mặt với những cơn đau nửa thân người bên trái và đau ê ẩm vùng bụng, lúc này gia đình mới đưa đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu.

Các bác sỹ đã thực hiện cắt lọc hoại tử, xử lý tình trạng nhiễm trùng đồng thời truyền huyết thanh kháng độc tố rắn lục kết hợp với các loại chế phẩm máu để điều trị tình trạng rối loạn máu cho bệnh nhi. Sau nhiều ngày được chăm sóc, điều trị tích cực, hiện bệnh nhi đã vượt qua cơn nguy kịch, sức khỏe bình phục tốt. 

Các bác sỹ cho biết, hiện tại đang là mùa sinh sôi phát triển của rắn. Nhiều bệnh nhân bị rắn cắn, người nhà thường sai lầm trong sơ cứu khi bị rắn cắn là người nhà để bệnh nhân ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian. Nhiều trường hợp bệnh nhân để ở nhà tự điều trị đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp như tím tái, co cơ, khó thở… hoặc sưng nề hoại tử diện rộng thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.

Bác sỹ khuyến cáo, các trường hợp sau khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích hạn chế thấp và chậm nhất sự xâm nhập của nọc độc vào cơ thể. Sau đó, người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện để cấp cứu suy hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để xử lý kịp thời.

Ngoài ra, người dân không sử dụng các biện pháp sau: Cố gắng hút nọc độc của rắn; Chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; Gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn” hay sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; Cố gắng bắt hoặc giết rắn… Tất cả biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh. Các bác sỹ lưu ý, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu.

Các bước sơ cứu đúng khi bị rắn cắn

1. Động viên bệnh nhân bình tĩnh để làm các động tác sơ cứu, tìm cơ sở y tế tốt nhất có thể đến cấp cứu kịp thời.

2. Không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động sẽ làm cho nọc độc xâm nhập vào cơ thể nhanh hơn).

3. Băng ép bất động khi bị một số loại rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường).

4. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động.

5. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang