BHYT học sinh sinh viên- Bước đi quan trọng trong thực hiện BHYT toàn dân

author 17:09 24/09/2021

(VietQ.vn) - Theo Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), việc thực hiện chính sách BHYT cho mọi người dân, trong đó có một bộ phận chiếm tỷ lệ lớn là học sinh sinh viên đã được quy định thống nhất, mang tính bắt buộc, được xem là nền tảng quan trọng trong thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta.

Chính sách BHYT học sinh sinh viên tiếp tục phát huy hiệu quả 

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam), năm học 2020-2021, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song số HSSV tham gia BHYT là hơn 18 triệu HSSV, tăng 1,6% so với năm học 2019-2020. Trong đó, có hơn 14,5 triệu tham gia theo nhóm HSSV và 3,5 triệu HSSV tham gia theo nhóm khác (như hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân lực lượng vũ trang...). 

Nhiều địa phương HSSV tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao như: Hà Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nam, Tuyên Quang… 

Việc thực hiện hiệu quả chính sách BHYT HSSV không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân HSSV, mà còn thể hiện trách nhiệm của HSSV đối với cộng đồng và đối với xã hội

 

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ HSSV chưa nhận thức được đầy đủ về quyền lợi, tính nhân văn của chính sách BHYT HSSV nên chưa tham gia BHYT (chủ yếu là nhóm HSSV từ năm thứ 2 trở lên của các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề), điều này khiến các em bị thiệt thòi khi không được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe từ chính sách BHYT.

Mặt khác, nếu không may mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo cần chi phí điều trị cao, không có thẻ BHYT, gia đình của các em sẽ đối mặt với những khoản chi phí KCB lớn, ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình cũng như quá trình KCB của các em. 

Thời gian qua, với trách nhiệm tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện tốt việc bảo đảm quyền lợi BHYT cho HSSV; tăng cường cải cách thủ tục tham gia BHYT, sử dụng thẻ BHYT khi đi KCB theo hướng đơn giản, thuận tiện cho HSSV.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2021 đến nay, người tham gia BHYT trong đó có hơn 18 triệu HSSV được thụ hưởng nhiều chính sách mới, theo đó quyền lợi KCB BHYT được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Nổi bật là chính sách thông tuyến tỉnh trong điều trị nội trú đối với KCB BHYT được triển khai trên quy mô toàn quốc từ ngày 01/01/2021, giúp một số trường hợp tham gia BHYT điều trị trái tuyến vẫn được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú như đúng tuyến.

Cùng với quyền lợi BHYT được mở rộng, từ tháng 6/2021, thủ tục KCB BHYT cũng đã có sự cải tiến, mang lại lợi ích cho người tham gia BHYT nói chung, HSSV nói riêng khi có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”, thay cho thẻ BHYT bằng giấy khi đi thủ tục KCB, giúp người tham gia BHYT tiết kiệm thời gian khi đi KCB, đặc biệt không lo mất, hay hỏng thẻ BHYT giấy. 

Chăm sóc sức khỏe và các quyền lợi KCB chính đáng của học sinh sinh viên 

Số HSSV tham gia BHYT không ngừng tăng qua các năm cho thấy, nhận thức của các bậc phụ huynh và HSSV về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT… đã được nâng cao. Đơn cử nếu như trước đây, một số phụ huynh có quan niệm chỉ khi con mắc bệnh nan y, mãn tính, cần điều trị với chi phí KCB lớn mới tham gia BHYT thì hiện nay, phần lớn phụ huynh đã chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi các con đang khỏe mạnh.

Từ quan niệm bị động trong tham gia BHYT, phụ huynh HSSV đã chuyển sang tâm thế chủ động, tham gia BHYT để chăm sóc sức khỏe cho con em khi cần, hoặc xác định rõ trường hợp không cần dùng đến thẻ BHYT thì chi phí tham gia BHYT của các con (chỉ với hơn 560 nghìn đồng một năm) coi như đóng góp vào quỹ BHYT để cùng thực hiện nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT. 

Bên cạnh đó, trong xu thế quyền lợi KCB về BHYT cho người tham gia ngày càng được mở rộng, chất lượng KCB ngày càng được nâng cao, HSSV cũng được thụ hưởng nhiều lợi ích hơn nữa từ quỹ BHYT. Nhìn vào kết quả thực hiện công tác KCB BHYT cho HSSV thời gian qua cho thấy, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là HSSV mắc các bệnh nan y, mạn tính như: suy thận, ung thư, tim mạch,… với chi phí điều trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm 2020 và 7 tháng đầu năm 2021, quỹ BHYT đã thực hiện chi trả kịp thời chi phí KCB BHYT cho nhóm HSSV, cụ thể: năm 2020, chi phí KCB được quỹ BHYT chi trả là 2.296,11 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm 2021, chi phí KCB BHYT là 1.398,31 tỷ đồng.

Từ thực tiễn công tác đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho HSSV, có thể thấy, thẻ BHYT đã ngày một minh chứng rõ nét về vai trò đảm bảo chăm sóc sức khỏe và các quyền lợi KCB chính đáng của HSSV, tiếp thêm niềm tin, sự an tâm và động lực để các gia đình yên tâm điều trị cho con em mình, giúp các em HSSV không may ốm đau, bệnh tật có cơ hội được KCB, được khỏe mạnh và sớm quay trở lại trường học.

Năm học 2021-2022, trong bối cảnh với dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT HSSV tiếp tục được triển khai quyết liệt với mục tiêu phấn đấu để tất cả HSSV tham gia BHYT và được thụ hưởng các quyền lợi và lợi ích chính đáng từ chính sách BHYT. Để đạt mục tiêu đó, BHXH Việt Nam rất cần có sự vào cuộc tích cực, mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, tin tưởng và đồng hành của các bậc phụ huynh và các em HSSV.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang