Big C ‘từ chối’ nhập hàng dệt may Việt: ‘Lật kèo, quay 360 độ’

author 13:43 04/07/2019

(VietQ.vn) - Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội bày tỏ sự bất ngờ và cho hay ông không ngờ Big C được ưu ái mà lại "lật kèo, quay 360 độ" như vậy.

Sự kiện: Kinh doanh

Mới đây, Big C bất ngờ thông báo ngừng nhập mặt hàng dệt may từ doanh nghiệp Việt khiến dư luận xôn xao. Chất lượng Việt Nam Online (Vietq.vn) đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Mới đây, Big C bất ngờ thông báo ngừng nhập các mặt hàng dệt may của Việt Nam. Động thái này khiến doanh nghiệp phản ứng mạnh. Ông bình luận như thế nào về động thái này?

Theo tôi, đây là một việc động trời. Big C đã nhận được rất nhiều sự ưu đãi của cơ quan chức năng khi đầu tư tại Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam đã “trải chiếu hoa” mời Big C vào làm ăn kinh doanh. Bao nhiêu bằng khen, giấy khen cũng đã được trao cho doanh nghiệp này.

 Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội.

Mới đây, tại hội nghị 10 năm, đại diện Big C khẳng định ưu tiên hàng Việt và hứa 90% hàng Việt sẽ có mặt tại chuỗi siêu thị này. Họ nói thế nhưng không làm thế.

Việc đầu tiên Big C làm ngay khi có mặt là đẩy những nhà làm nhãn hàng làm riêng cho Big C. Sau đó, họ đẩy Thế giới Di động ra khỏi hệ thống, tăng chiết khấu đối với nhà cung ứng hàng Việt lên 25 – 30% giá trị. Như vậy, vô hình chung họ đã đẩy hàng Việt ra khỏi hệ thống của mình. Điều đó cho thấy sự không tử tế.

Ông có thể nói rõ hơn về lập luận “không tử tế” của Big C?

Trước đây, khi Big C đặt chân vào Việt Nam, đại diện Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) trấn an doanh nghiệp nội địa rằng, hãy yên tâm là Big C không bỏ rơi hàng Việt cho đến khi hàng Việt mạnh lên. Nhưng các chuyên gia không cho thế. Rất nhiều người đã cảnh báo về khả năng Big C sẽ “trở mặt”.

Các cụ có câu “không ai biết được chữ ngờ”, không ngờ Big C được ưu ái mà lại lật kèo, quay 360 độ như vậy. Nói về đạo đức kinh doanh là không ổn. Big C sống trên đất nước Việt Nam được ưu đãi thuế, bằng khen, giấy khen và chính đơn vị này tuyên bố hùng hồn “mở cửa đón hàng Việt Nam” rồi sau đó lật kèo một cách đột ngột, xét mối quan hệ ứng xử, đạo đức kinh doanh đã không chấp nhận được rồi.

Về góc độ pháp lý, việc Big C ngừng nhập hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam có vi phạm không, thưa ông?

Theo Luật Cạnh tranh, nhà bán lẻ không có quyền từ chối nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng.

Mới đây, Big C cũng giải thích về việc ngừng nhập các mặt hàng dệt may của Việt Nam. Ông bình luận sao về những lập luận của họ?

Big C giải thích việc ngừng nhập hàng dệt may của Việt Nam là do đang cơ cấu lại doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau khi cơ cấu họ có tiếp tục nhập mặt hàng của Việt Nam không hay lại để doanh nghiệp nước ngoài vào rồi nâng chiết khấu?

Thực tế điều này Big C đã có tiền sử rồi! Doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào Big C hưởng chiết khấu 25-30% là giết chết doanh nghiệp Việt.

Theo tôi, ngoài Bộ Công Thương, Hiệp hội Bán lẻ cũng cần vào cuộc. Nhiều chính sách của chúng ta hiện đang quá ưu ái doanh nghiệp nước ngoài mà chưa quan tâm đúng mức đến doanh nghiệp nội địa. Điều này khiến doanh nghiệp Việt thất thủ trên sân nhà. Và chúng ta sẽ trở thành người làm thuê mãi mãi.

Tất cả thị phần, doanh số, hàng trăm tỷ USD, doanh nghiệp nước ngoài sẽ hưởng hết. Hiện tượng chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang diễn ra như hiện nay mà cơ quan chức năng không dễ xử lý.

Từ câu chuyện Big C, liệu làn sóng có lan sang các ngành hàng, hệ thống siêu thị khác không, thưa ông?

Như đã chia sẻ ở trên, trước đó 3 năm, họ đã mời các nhà sản xuất nhãn hàng riêng ra khỏi hệ thống. Thế giới Di động hơn 1 năm trước cũng rời khỏi Big C mà không quay trở lại. Theo báo cáo mới của Big C thì đơn vị này đang tiến hành cơ cấu lại, tuy nhiên cơ cấu như thế nào, ai biết?

Không loại trừ, Big C mời ngành hàng dụng cụ, gia đình, thực phẩm ra ngoài để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước ngoài vào. Như vậy, Big C đang làm trái với cam kết đầu tư. Theo tôi, Bộ Công Thương phải có ý kiến về vấn đề này.

Vậy theo ông, doanh nghiệp Việt cần làm gì để không bị “thua" ngay trên sân nhà?

Chúng ta phải phát triển doanh nghiệp Việt, làm chủ sân nhà, không để doanh nghiệp nước ngoài chiếm 50%. Mất phân phối thì mất sản xuất; là hàng Việt nhưng không có chỗ đứng là doanh nghiệp chúng ta sẽ chết.

Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

Thúy Ngân

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang