Bình Thuận phát hiện cơ sở tái chế nhớt thải trái phép gây ảnh hưởng tới môi trường

author 11:48 28/08/2024

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận vừa phát hiện 1 cơ sở gồm 2 xưởng đang có hàng vi tái chế trái phép hàng chục nghìn lít nhớt thải gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Mới đây, Công an huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) đã kiểm tra và phát hiện một cơ sở tái chế dầu nhớt trái phép tại thôn 2, xã Hàm Liêm. Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã thu giữ 11.000 lít dầu nhớt vừa tái chế xong (xưởng 1), 500 lít nhớt thải chưa tái chế và 7.500 lít nhớt thành phẩm (xưởng 2), cùng máy móc xử lý nhớt và hóa chất các loại phục vụ cho quá trình tái chế nhớt.

Xưởng tái chế hàng chục nghìn lít dầu nhớt thải nằm lộ thiên gây ảnh hưởng tới môi trường. Ảnh: baovephapluat.vn

Để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng đã đặt xưởng tái chế nhớt thải ở khu vực đất trống sát bìa rừng, xa khu dân cư, xung quanh nhà xưởng được dựng tôn đắp đất che chắn. Trong khuôn viên có 2 xưởng tái chế nhớt cách nhau 200m...

Làm việc với cơ quan chức năng, các đối tượng khai nhận, nhớt thải được thu gom, mua lại từ các garage ô tô, trung tâm bảo dưỡng với giá khoảng 4.000-5.000 đồng/lít tập kết về khu vực sản xuất. Sau khi sử dụng các hóa chất để tái chế lại trở thành nhớt thành phẩm, loại nhớt này được bán ra thị trường với giá 12.000 đồng/lít.

Trước đó cũng tại tỉnh Bình Thuận, Công an thị xã La Gi đã thu giữ 28.000 lít dầu nhớt tái chế tại một cơ sở tái chế phế liệu do ông N.Q.Q quản lý. Cơ sở này đã thu mua dầu nhớt thải từ các cửa hàng sửa chữa xe và trung tâm bảo trì ô tô để tái chế, bất chấp việc hoạt động này chưa được cấp phép.

Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở tái chế nhớt thải trái phép thường được bố trí tại những khu vực hẻo lánh, xa khu dân cư nhằm trốn tránh sự giám sát của các cơ quan chức năng. Hoạt động này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, và gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng.

Theo luật gia Nguyễn Minh Phương đến từ Công ty Luật TNHH Trường Sơn, nước ta tiêu thụ hơn 400.000 tấn dầu nhớt mỗi năm, dẫn đến việc thải ra khoảng 300.000 tấn dầu nhớt "bẩn". Tuy nhiên, thay vì được xử lý theo quy trình nghiêm ngặt, phần lớn lượng dầu nhớt thải này lại bị tái chế trái phép, gây ra những tác hại khôn lường đối với môi trường và sức khỏe con người.

Công tác xử lý tái chế dầu nhớt thải thường được thực hiện thủ công, lộ thiên với việc sử dụng các hóa chất độc hại, gây ô nhiễm không khí và thẩm thấu vào đất, tạo ra một lượng lớn chất cặn bã khó phân hủy.

Trên thị trường hiện nay, việc tiêu thụ dầu nhớt tái chế cũng trở nên phổ biến với sự tinh vi trong việc làm giả các sản phẩm dầu nhớt của các thương hiệu lớn như BP, Shell, Petrolimex. Những sản phẩm giả này không chỉ giảm tuổi thọ của máy móc mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn.

Về mặt pháp lý, việc tái chế dầu nhớt không có giấy phép là vi phạm nghiêm trọng các quy định về xử lý chất thải nguy hại. Các cơ sở vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 250 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động từ 6 đến 12 tháng. Ngoài ra, còn có các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị có chức năng xử lý và thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Về hình sự, các hành vi này có thể bị xử phạt lên đến 15 năm tù, cùng với các hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm hành nghề, hoặc tịch thu tài sản.

Dầu nhớt "bẩn" là một loại chất thải nguy hại cần được quản lý chặt chẽ. Để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, việc thu gom và xử lý dầu nhớt thải cần sự tham gia không chỉ của các cơ quan nhà nước mà còn của toàn xã hội.

Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn về dầu nhớt

- QCVN 14:2018/BKHCN về dầu nhờn động cơ đốt trong do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định mức giới hạn đối với các chỉ tiêu kỹ thuật và các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với dầu nhờn dùng cho động cơ đốt trong. Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với dầu nhờn động cơ đốt trong dùng trong mục đích an ninh, quốc phòng. Quy chuẩn kỹ thuật này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc nhập khẩu, sản xuất, pha chế, phân phối và bán lẻ dầu nhờn động cơ đốt trong tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

- Tiêu chuẩn SAE: SAE là tên viết tắt của Hiệp hội Kỹ sư ô tô. Tổ chức này sử dụng cấp độ nhớt (độ đặc loãng) để đánh giá và phân loại dầu bôi trơn. Theo đó, dầu nhớt được phân thành 2 loại lớn là dầu đơn cấp và dầu đa cấp.

- Tiêu chuẩn API: Đây là tiêu chuẩn của Viện Nghiên cứu Dầu Mỏ Mỹ đưa ra để đánh giá về phẩm cấp dầu bôi trơn động cơ.

- Tiêu chuẩn ACEA: Tiêu chuẩn ACEA được quy định bởi Hiệp hội các Nhà sản xuất xe ô tô Châu Âu nhằm phân cấp chất lượng của dầu nhớt ứng với từng loại động cơ riêng biệt.

- Tiêu chuẩn ILSAC: Ủy ban phê duyệt tiêu chuẩn dầu nhờn Quốc tế ILSAC được thành lập năm 1992 giữa AAM (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Mỹ mà đại diện là tập đoàn Daimler Chrysler, tập đoàn Ford Motor, tập đoàn General Motors) và JAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản) để xác định nhu cầu, các thông số, cấp phép và quản lý các thông số kỹ thuật của dầu bôi trơn.

- Tiêu chuẩn JASO: JASO là tiêu chuẩn dầu nhớt dành cho xe gắn máy được quy định bởi Tổ chức tiêu chuẩn ô tô xe máy Nhật Bản. Cấp nhớt JASO thường được ký hiệu là MA, MA2, MB.

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang