Bộ Công Thương chính thức vào cuộc điều tra đường mía Thái Lan lẩn tránh thuế để vào Việt Nam

author 20:40 04/09/2021

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) thu thập dữ liệu, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm đường mía Thái Lan nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Việt Nam.

'Rửa nguồn' nhập vào Việt Nam để né thuế

Thời điểm cuối năm 2020, VSSA kiến nghị Bộ Công Thương mau chóng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước trước tác động bán phá giá của đường nhập khẩu (chủ yếu là đường xuất xứ từ Thái Lan) gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành mía đường. 

VSSA phản ánh, ngay sau khi Việt Nam thực thi cam kết ATIGA xóa bỏ hàng rào hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN ngày 1/1/2020, những tháng đầu năm 2020, một lượng đường nhập khẩu lớn đã tràn vào thị trường Việt Nam. Ước tính trong năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam lên đến hàng triệu tấn, trong đó đường nhập khẩu từ Thái Lan chiếm khoảng 80-90%.

Nguyên nhân sản lượng mía và đường niên vụ 2019/2020 đều sụt giảm mạnh, ngoài các yếu tố do thiên tai, dịch bệnh..., theo VSSA là giá đường xuống thấp do tác động cạnh tranh của các loại đường giá rẻ có nguồn gốc nước ngoài, đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu, kéo theo giá đường trong nước và giá mía nguyên liệu tụt giảm thê thảm.

Thực tế cho thấy, giá đường trong nước sụt giảm, nhiều nhà máy bị tồn kho cao, kinh doanh thua lỗ, dù đã cố gắng để kìm hãm đà tụt giảm giá mua mía nguyên liệu cho người nông dân nhằm duy trì vùng nguyên liệu để hoạt động, nhưng vẫn không ngăn được tình trạng nông dân bỏ cây mía, chuyển đổi sang cây trồng khác, do giá mía không bù đắp được chi phí sản xuất và không có lãi.

 

 8 tháng đầu năm 2020, 860.000 tấn đường mía Thái Lan được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Trong thời gian đó, dựa trên số liệu thống kê của Văn phòng Hội đồng Đường Thái Lan, các loại đường và giá trị xuất khẩu đường của Thái Lan vào Việt Nam chỉ trong 7 tháng đầu năm 2020 đã lên đến 769.117 tấn, kim ngạch khoảng 252,1 triệu USD. Bình quân giá đường Thái Lan xuất khẩu (gồm cả đường thô và đường tinh luyện), chỉ ở mức 327,7 USD/tấn. Giá đường xuất khẩu của Thái Lan thấp hơn cả chi phí mía trong đường, bởi niên vụ 2019/2020, tại Thái Lan, chỉ tiêu chế biến của ngành đường được xác định là 9,13 mía/đường. Thực tế này cho thấy, tính chất phá giá của đường Thái Lan bán vào thị trường Việt Nam là khá rõ.

Theo tìm hiểu, tháng 9/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Bên cạnh đó, tháng 6/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, sau nhiều bằng chứng cho thấy đường mía Thái Lan bán phá giá tại thị trường trong nước, ngày 15/6/20201, Bộ Công thương đã ban hành quyết định 1578, áp dụng biện pháp chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan.

Theo đó, các loại mía đường nhập khẩu thuộc mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.99.10, 1701.99.90, 1702.90.91 sẽ bị áp thuế chống bán phá với giá chính thức là 42,99% và mức thuế chống trợ cấp chính thức là 4,65%. Hai loại thuế này là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với mía đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan. 

Bộ Công Thươg cho biết, quyết định này có thời hạn 5 năm và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 16/6. Thế nhưng, thực tế lại cho thấy những diễn biến phức tạp của đường mía Thái Lan len lỏi, lẩn tránh thuế vào tiêu thị tại thị trường Việt Nam. 

Cụ thể, sau khi Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá 47,64% đối với một số sản phẩm đường từ Thái Lan thời hạn 5 năm (tính từ ngày 16/6/2021), lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110.000 tấn năm 2020, nay chỉ còn khoảng 28.000 tấn (giảm 75%).

Tại thời điểm đó, liên tục xuất hiện tình trạng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN. Đáng chú ý, trong 6 tháng đầy năm, lượng đường nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia vào Việt Nam đạt gần 400 nghìn tấn (tăng gấp 10 lần so cùng kỳ năm ngoái). Trong khi, ngành mía đường tại những quốc gia này hoàn toàn không có năng lực để có thể xuất khẩu vào Việt Nam.

Đứng trược thực trạng trên, VSSA nhận định, đây rõ ràng là động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, khi cả 5 nước trên đều nhập khẩu đường rất lớn từ Thái Lan. Đồng thời, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam từ 5 nước nêu trên đều có liên quan xuất xứ từ Thái Lan. Toàn bộ số lượng đường nhập khẩu chỉ chịu thuế 5% so với mức thuế lẽ ra phải đóng là 33,88% và 48,88% tùy theo loại đường. 

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký VSSA cho biết, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người trồng mía và doanh nghiệp sản xuất đường trong nước, hiện hiệp hội cơ bản đã hoàn thành hồ sơ gửi lên Cục Phòng vệ Thương mại, kiến nghị việc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá từ 5 nước ASEAN là Indonesia, Malaysia, Myanma, Lào và Campuchia. 

Điều tra đường mía Thái Lan lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại

Mới đây, Bộ Công Thương thông báo chính thức về việc tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan của VSSA và đại diện cho 6 doanh nghiệp sản xuất đường mía trong nước. Hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ theo quy định.

Nội dung Hồ sơ nêu rõ, đã có dấu hiệu về hiện tượng các sản phẩm đường mía của Thái Lan bị áp dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) lẩn tránh qua một số các quốc gia ASEAN khác, bao gồm: Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.

 Đường mía Thái Lan đang bị áp thuế phòng vệ thương mại tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Trước sự việc trên, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với VSSA theo dõi tình hình nhập khẩu và tích cực tham vấn, hỗ trợ VSSA cũng như ngành sản xuất đường mía trong nước trong việc thu thập thông tin, số liệu, xây dựng hồ sơ yêu cầu điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm đường mía nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Việt Nam.

Các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thường có tính chất phức tạp, liên quan tới nhiều nội dung, quy định pháp luật và cam kết quốc tế. Các nước cũng có quy định khác nhau về vấn đề này. Trong một số trường hợp, mặc dù hàng hóa đáp ứng đầy đủ các quy định về xuất xứ nhưng vẫn có thể bị coi là lẩn tránh. 

Theo quy định tại Nghị định 10/2018 của Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiến hành thẩm định chi tiết hồ sơ yêu cầu để xem xét khởi xướng điều tra nhằm kịp thời có những biện pháp xử lý, ngăn chặn hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đảm bảo hiệu quả tổng thể của biện pháp cũng như lợi ích của ngành sản xuất đường mía và người nông dân trồng mía.

Ngoài ra, liên quan đến việc Việt Nam quyết định áp thuế để vực dậy ngành mía đường trong nước, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng cho biết, ngành sản xuất đường mía của Việt Nam đã chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các yếu tố như hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, suy giảm sản lượng, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận…

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020 lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Ông Dũng cũng chia sẻ thêm, kể từ khi áp thuế sơ bộ vào tháng 2/2021, việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã tác động tích cực đối với ngành mía đường trong nước.

Lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan đã giảm từ mức 110.000 tấn năm 2020 xuống còn khoảng 28.000 tấn (tức giảm 75%). Giá đường trong nước tăng lên, trong khi giá thu mua mía từ người nông dân tăng từ 100.000 – 200.000 đồng/tấn.

VSSA cho hay, ở nhiều địa phương, người nông dân đã lên kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía cho niên vụ 2021 – 2022 sắp tới.

Khi cung - cầu trên thị trường được ổn định, giá đường trong nước có nhích lên nhưng trong mức độ chấp nhận được và đều nằm trong phương án tính toán. Có thể nói, tất cả mọi yếu tố mục tiêu, chính sách đề ra hiện đều đã đạt được.

Vì vậy, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với VSSA, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình nhập khẩu, tác động của biện pháp này để có biện pháp phù hợp, đảm bảo chống bán phá giá, chống trợ cấp, cũng như đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, quá trình điều tra đã được Bộ thực hiện theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Luật Quản lý Ngoại thương và các quy định liên quan.

Diệu Hương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang