Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp

author 16:58 22/03/2021

(VietQ.vn) - Trong năm 2020, Bộ Công Thương đã chỉ định 3 tổ chức thử nghiệm, 3 tổ chức chứng nhận và 1 tổ chức giám định. Đến nay, các sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh trên thị trường hầu hết đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy.

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tăng cường hoạt động đánh giá sự phù hợp để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2019, Bộ đã tiếp nhận nhận hơn 100 hồ sơ đăng ký hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và tiến hành cấp 91 giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Số hồ sơ đăng ký bao gồm các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương như: điện, năng lượng, khai khoáng, hóa chất, dệt may, giấy...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ định 10 tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện chứng nhận đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, chủ yếu nằm tại 2 khu vực: Phía Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh), phía Nam (TP. Hồ Chí Minh). Tiếp đó, năm 2020, Vụ Khoa học và Công nghệ tiến hành chỉ định mới 3 tổ chức chứng nhận và 3 tổ chức thử nghiệm đối với các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.

Đến thời điểm hiện nay chưa có ghi nhận về việc các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 có kết quả không phù hợp. Công tác chỉ định, đánh giá, kiểm tra các hoạt động của các tổ chức đánh giá sản phẩm hàng hóa nhóm 2 của Bộ Công Thương luôn tuân thủ quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP và các quy định tại Thông tư số 36/2019/TT-BCT.

Hoạt động đánh giá sự phù hợp giúp các doanh nghiệp kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu. (ảnh minh họa)

Đối với các sản phẩm hàng hóa khác quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật, trong đó, giấy và dệt may là các sản phẩm hàng hóa trong quá trình sử dụng có khả năng tiềm ẩn những lý do mất an toàn hoặc với mục đích bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cụ thể, sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh được thực hiện theo QCVN 09:2015/BCT và Thông tư số 33/2016/TT-BCT, trong năm 2020, Bộ Công Thương đã chỉ định 3 tổ chức thử nghiệm, 3 tổ chức chứng nhận và 1 tổ chức giám định. Đến nay, các sản phẩm khăn giấy và giấy vệ sinh trên thị trường hầu hết đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy.

Về sản phẩm dệt may đang được thực hiện theo QCVN 01:2017/BCT, Bộ Công Thương đã tiến hành chỉ định được 16 tổ chức đánh giá sự phù hợp. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm dệt may trải dài khắp 3 khu vực. Việc giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của các tổ chức đã giúp cơ quan quản lý nắm được hiện trạng chất lượng của mặt hàng dệt may từ đó có các biện pháp quản lý kịp thời. Đối với mặt hàng dệt may, kết quả đánh giá của các tổ chức cho thấy, số lượng lô hàng chứng nhận không phù hợp các quy định của QCVN 01:2017/BCT bao gồm: 8 lô (2019: 7 lô hàng, 2020: 1 lô hàng).

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục TCĐLCL), Việt Nam đã có chính sách đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Nghị định số 107/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp (Nghị định số 107/2016/NĐ-CP), Nghị định số 154/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành (Nghị định số 154/2018/NĐ-CP).

“Hoạt động này đã giúp các doanh nghiệp kịp thời kiểm soát chất lượng sản phẩm trong sản xuất, nhập khẩu, bên cạnh đó, thuận lợi hoá thủ tục đánh giá sự phù hợp thông qua hoạt động thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp được coi là một trong những biện pháp để xây dựng thương hiệu quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh“, bà Hương cho biết.

Hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, giám định, chứng nhận, kiểm định, công nhận) là hạ tầng kỹ thuật cần thiết của mỗi quốc gia, giúp doanh nghiệp khẳng định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đây cũng chính là công cụ giúp các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam vượt qua các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa; giúp doanh nghiệp có cơ sở để cải tiến kỹ thuật, thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và tiết kiệm chi phí trong sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động này cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước, kiểm soát hàng hóa nhập khẩu theo các quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, loại bỏ và xử lý hàng hóa nhập khẩu không đảm bảo an toàn, không đạt chất lượng thâm nhập vào Việt Nam.

Hà My

Thu hồi xe máy cũ nát: Trông chờ vào lộ trình đăng kiểm xe máy định kỳ(VietQ.vn) - Trong dự thảo Luật Giao thông Đường bộ được trình lên Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến sẽ yêu cầu các chủ phương tiện xe môtô, xe gắn máy phải tiến hành đăng kiểm, kiểm tra định kỳ về khí thải phương tiện kèm theo các quy định cụ thể.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang