Triển khai toàn diện nhiều nội dung hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp

author 06:53 06/04/2017

(VietQ.vn) - Đối với Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". Bộ KH&CN đang phối hợp với các đơn vị liên quan để Đề án được triển khai toàn diện trong thời gian tới.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Thông tin về đề án "Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 5/2016. Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ Trần Xuân Đích cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai nhiều nội dung của đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bộ đã xây dựng các thông tư quản lý, hướng dẫn thực hiện dự án và phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng văn bản liên quan đến cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư hay quỹ đầu tư mạo hiểm.

"Chúng tôi tăng cường tuyên truyền về dự án tới cộng đồng, tạo kết nối cho các nhà khởi nghiệp với nhà đầu tư, quỹ khởi nghiệp và tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu, kỳ thi về khởi nghiệp với mục đích phát triển hệ sinh thái bền vững trong tương lai", ông Đích nhấn mạnh.

 Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc thông tin tới báo chí tại Họp báo

Ông Đích cho biết, với những gì đã triển khai, đề án đã có những kết quả bước đầu như số lượng doanh nghiệp, quỹ đầu tư đều tăng nhanh chóng. Ví dụ có 30 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài đang đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Theo số liệu công bố tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ, trong quý I/2017, cả nước có thêm 26.478 doanh nghiệp thành lập mới, con số cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

"Đó là kết quả của tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ mà Chính phủ đã phát động kể từ đầu năm 2016", ông Đích nói và nhận định con số này sẽ còn tăng trong những năm tới.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ Trần Xuân Đích 

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, quan trọng nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là cộng đồng, doanh nghiệp tư nhân và cá nhân. Nhà nước chỉ đóng vai trò dẫn dắt, làm hoạt động hỗ trợ đầu tiên, đặc biệt là trợ giúp đào tạo về năng lực.

“Việc hỗ trợ đào tạo chia ra làm nhiều nhóm. Thứ nhất là hỗ trợ các trường đại học thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp để đào tạo sinh viên về marketing, quản trị doanh nghiệp, giới thiệu và phát triển sản phẩm, có năng lực nhất định trong khởi nghiệp. Thứ hai là hỗ trợ đào tạo các tổ chức thúc đẩy khởi nghiệp, các nhóm đầu tư để họ có nhìn nhận, đánh giá, đưa ra hướng và tổ chức hoạt động đầu tư hợp lý để phát triển doanh nghiệp” – Ông Duy nhấn mạnh.

Cho biết kế hoạch trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Công Tạc thông tin, đối với đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Bộ KH&CN đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cũng như các tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp để Đề án được triển khai toàn diện trong thời gian tới.

Trước mắt, Bộ KH&CN sẽ trung vào xây dựng cơ chế chính sách, các văn bản hướng dẫn lập kế hoạch triển khai, cụ thể: tạo hành lang pháp lý để thu hút dòng vốn tư nhân cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tuyên truyền nâng cao nhận thức đúng và đầy đủ về về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thành tố tạo nên hệ sinh thái.

 Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Ngọc Lâm

Ngoài ra, trong họp báo, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Lê Ngọc Lâm cũng thông tin về sự hợp tác của Cục SHTT với Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) nhân chuyến thăm của Tổng Giám đốc Francis Gurry thời gian vừa qua.

Theo đó, Bộ KH&CN đã ký thỏa thuận với WIPO xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT. WIPO sẽ hỗ trợ Việt Nam các chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn xây dựng chiến lược SHTT quốc gia. Chuyên gia được giới thiệu là cựu tổng giám đốc cơ quan SHTT Singapore – người giàu kinh nghiệm trong quản lý hệ thống SHTT tương thích với Việt Nam.

Chia sẻ về tiến trình xây dựng chiến lược SHTT quốc gia, Phó Cục trưởng Lê Ngọc Lâm tiết lộ rằng Chiến lược sẽ đưa ra giải pháp để đẩy mạnh thương mại hóa tài sản SHTT, giúp doanh nghiệp có thêm giá trị gia tăng thông qua tài sản vô hình. Ngoài ra, sẽ tận dụng các công cụ SHTT của WIPO ở Việt Nam như hệ thống IP Hub để cung cấp cho các viện nghiên cứu, trường đại học, giúp họ thuận tiện hơn trong việc tra cứu các sáng chế, sở hữu công nghiệp.

“Cục SHTT đang nghiên cứu nhu cầu thực tế để đưa ra bản dự thảo và xin ý kiến chuyên gia trước khi gửi bản hoàn chỉnh lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, cơ quan, viện trường…” – Ông Lâm nói.

Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang