Bộ Tài chính kiến nghị bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu

author 11:16 01/08/2021

(VietQ.vn) - Trước nguy cơ đứt gãy nguồn cung rình rập, tin đồn thất thiệt gây bất ổn đến giá cả thị trường, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành tiếp tục tăng cường công tác bình ổn giá trên địa bàn.

Bộ Tài chính vừa có công văn số 8227/BTC-QLG ngày 26/7 đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá trên địa bàn trong những tháng cuối năm 2021.

Theo Bộ Tài chính, diễn biến của dịch Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới. Trong thời điểm một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 đã xảy ra hiện tượng tăng giá một số mặt hàng chủ yếu do nguồn cung bị đứt gãy. Nhu cầu mua sắm tích trữ nhu yếu phẩm của người dân tăng cao nên tại một số thời điểm chưa kịp đáp ứng đủ nhu cầu.

Đồng thời, giá của một số mặt hàng quan trọng thiết yếu là nguyên, nhiên, vật liệu trong nước tiếp tục có xu hướng tăng theo giá thế giới. Đặc biệt, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng, tác động đến các ngành sản xuất khác, thực hiện các dự án đầu tư và đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trên địa bàn.

Theo đó, thứ nhất, chú trọng theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là đối với nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; vật tư y tế phòng dịch, sản phẩm nông nghiệp; giá cước vận tải... Từ đó, kịp thời có các giải pháp bình ổn giá thị trường phù hợp.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện công tác kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công....

Chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá thuộc thẩm quyền của địa phương để kịp thời sửa đổi, bổ sung các nội dung có vướng mắc, chồng chéo không phù hợp với thực tiễn để tạo thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn.

Thứ ba, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình giá cả thị trường. Công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; vật tư y tế phòng dịch, sản phẩm nông nghiệp; giá cước vận tải...

Hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân.

Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành tiếp tục tăng cường công tác bình ổn giá trên địa bàn. Ảnh minh họa 

Trước đó, nhằm đối phó với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các hoạt động, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án xử lý các biến động bất thường của thị trường, đồng thời nghiêm túc thực hiện các công việc sau:

Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương có liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Bộ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính đề xuất việc điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu; tính toán, sử dụng quỹ bình ổn giá hợp lý, nhất là trong các thời điểm khi mặt bằng giá xăng dầu thế giới tăng cao để hạn chế tăng giá đột biến trong nước.

Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác; chú trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế, các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu để phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, hợp lý nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong nước ngay cả khi dịch bệnh bùng phát.

Bộ Công Thương yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong tình hình hiện nay.

Phối hợp với Cục Quản lý thị trường tại địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn. Nơi nào để xảy ra các hành vi vi phạm trên thì Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường ở địa phương đó chịu trách nhiệm.

Đồng thời thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch, ưu tiên hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Bảo Linh (Tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang