Bộ Tài chính thông tin về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới

author 06:56 09/12/2021

(VietQ.vn) - Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2021 vừa diễn ra, Bộ Tài chính đã thông tin đến các doanh nghiệp về những giải pháp hỗ trợ trong thời gian tới.

Theo đó, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và điều kiện thực tế; tổng kết, đánh giá hiệu quả các chính sách đã thực hiện để tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, tạo cơ sở để triển khai xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiếp theo.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác: hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trước một số kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, cơ quan chức năng sớm có thêm các gói hỗ trợ để bao phủ rộng hơn đối tượng được hỗ trợ giúp các DN có thêm nguồn lực vượt khó khăn do đại dịch gây ra, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết thêm, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với các ủy ban của Quốc hội trình Quốc hội gói hỗ trợ về kinh tế, trong đó có gói tài khóa và tiền tệ. Sau khi có chủ trương và được giao nhiệm vụ, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương nghiên cứu trình các chính sách hỗ trợ trong đó có các chính sách về thuế.

Bộ Tài chính thông tin về những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới

 Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thời gian qua.

Cũng tại Hội nghị này, thông tin về những nỗ lực của ngành Tài chính trong thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia các năm qua và giai đoạn 2016-2020 cũng như giai đoạn tới 2021-2025, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết Bộ Tài chính đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác, tập trung là hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. “Từ năm 2014 đến nay (07 năm liên tiếp), Bộ Tài chính luôn xếp trong nhóm 03 Bộ đứng đầu về Chỉ số CCHC (Par Index) do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh.

Trong lĩnh vực thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống thuế điện tử với các dịch vụ: khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử với hơn 99,6% tổng số doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử; 98,9% nộp thuế điện tử; 97,6% hoàn thuế điện tử. Đặc biệt với việc chính thức đưa vào hoạt động Hệ thống hóa đơn điện tử tại 6 địa phương (gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ) và thực hiện tại 57 địa phương còn lại trong năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, xã hội.

Bên cạnh đó, ngành Thuế đã hoàn thành việc tích hợp 150 thủ tục hành chính thuế cấp độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công Quốc gia và triển khai kê khai thuế điện tử. Đồng thời, công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế của ngành Thuế cũng có nhiều đổi mới, đa dạng trong thực hiện, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và phục vụ đa dạng các đối tượng người nộp thuế. Việc tuyên truyền được thực hiện đồng bộ từ Tổng cục Thuế đến các Cục, Chi cục thuế thông qua việc vận hành 489 kênh hỗ trợ người nộp thuế.

Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt đã góp phần làm cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng hiện đại hóa, đơn giản, thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã thực hiện nhiều biện pháp triển khai thông quan nhanh hàng hóa; xử lý hàng hóa bị ùn ứ tại các cửa khẩu; đảm bảo an toàn lực lượng, hoạt động thông quan được thông suốt.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cũng cho biết thêm, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình các cấp có thẩm quyền những cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN như Quyết định giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, qua đó giảm nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp, tổ chức khoảng 700 tỷ đồng; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định và hướng dẫn thực hiện các giải pháp về miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Trong số 04 giải pháp mới được ban hành với tổng giá trị hỗ trợ gần 20 nghìn tỷ đồng thì có 03 giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra như: giảm mức thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; miễn thuế phải nộp phát sinh trong quý III và quý IV đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020; ngoài ra, vẫn tiếp tục giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2021 cho doanh nghiệp có doanh thu giảm hơn so với năm trước và không quá 200 tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện năm 2021 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền gần 140 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng phối hợp cùng các Bộ, ngành, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể: Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bố trí kinh phí từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020 với số tiền 14,62 nghìn tỷ đồng và đến hết tháng 10/2021 tổng số trung ương đã chi 35,47 nghìn tỷ đồng để tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Chi từ các quỹ để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động giảm nghĩa vụ đóng góp các quỹ của nhà nước.

“Đặt trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó NSNN vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển và đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... tạo ra thách thức với cân đối NSNN thì việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nêu trên càng thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước, Chính phủ và Bộ Tài chính luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang