Bộ trưởng Công Thương: Hết cảnh thiếu xăng dầu cục bộ

author 07:00 27/12/2022

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, hiện nay, nguồn cung xăng dầu đã được đảm bảo, không còn xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, năm 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước, khi giá xăng dầu tăng cao theo giá xăng dầu thế giới, nguồn cung hạn chế, một số thời điểm đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ ở các địa phương.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung. Đến nay, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, không xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, năm 2022, Bộ đã triển khai 2 Đoàn thanh tra chuyên ngành với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; triển khai Đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước trực 24/24 để tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình kinh doanh tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, kịp thời xử lý những biến động bất thường trên thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, góp phần ổn định thị trường kinh doanh xăng dầu, nguồn cung cho thị trường được đảm bảo, hạn chế tối đa tình trạng đầu cơ găm hàng, giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết.

Trong năm, lực lượng thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 2650 vụ, xử lý trên 575 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 18,7 tỷ đồng liên quan đến lĩnh vực xăng dầu.

Bộ trưởng Công Thương: Hết cảnh thiếu xăng dầu cục bộ

 Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Đối với lĩnh vực điện lực, toàn ngành đã đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và sinh hoạt của người dân; tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa 6 dự án có nguồn điện lớn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vận hành.

Ngành dầu khí về đích trước kế hoạch 02 tháng 18 ngày, đưa 05 mỏ và công trình mới vào khai thác, nhiều hơn 01 công trình so với kế hoạch cả năm, nộp ngân sách hoàn thành kế hoạch cả năm trước 6 tháng. Ngành than cũng nỗ lực vượt qua khó khăn cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm 2022.

Năm 2023, toàn ngành đặt mục tiêu tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) năm 2023 dự kiến đạt 83.156 MW, tăng 4,4% so với ước thực hiện năm 2022; tỷ lệ dự phòng công suất nguồn (không bao gồm điện năng lượng tái tạo) dự kiến đạt 18,8% - 20,1%; Điện thương phẩm năm 2023 dự kiến đạt khoảng 259,5-263,6 tỷ kWh, tăng 7,4 - 9,1% so với ước thực hiện năm 2022; Điện sản xuất và nhập khẩu năm 2023 dự kiến đạt khoảng 289,9 - 294,3 tỷ kWh, tăng 8,0-9,7% so với ước thực hiện năm 2022.

Về xuất nhập khẩu, trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 732 tỷ USD, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong đó, xuất khẩu dự kiến tăng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 01 tỷ USD dự kiến đạt 39 mặt hàng (tăng 04 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 09 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (tăng hơn 01 mặt hàng so với năm 2021). Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt.

Kết quả tăng trưởng của xuất khẩu năm 2022 chính là điểm sáng trong phát triển kinh tế đất nước, thể hiện sự nỗ lực của Bộ Công Thương trong thực thi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức sản xuất của doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt cơ hội phục hồi và khan hiếm hàng hóa từ các thị trường nhập khẩu, khai thác hiệu quả các FTA nhanh chóng đẩy mạnh xuất khẩu. 

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang