Bộ trưởng GD&ĐT: 'Không đổi mới thì còn gì là giáo dục'

author 08:54 05/09/2016

Ngay trước ngày khai giảng năm học mới, chiều 4/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi trao đổi với báo chí về hàng loạt vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

Những lo ngại của dư luận về nguy cơ “biến học sinh thành chuột bạch”, khi nhiều quy định học và thi  đang thay đổi chóng mặt, đã được báo chí thẳng thắn đặt ra với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ: Trong giai đoạn hiện nay nếu bỏ từ đổi mới đi thì còn gì là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo chủ trương nữa! Tôi khẳng định, đổi mới là cả quá trình, chỉ có điều phải đổi mới sao cho hiệu quả, có lộ trình, có tính toán. Khi đổi mới phải tính đến phương án khả thi chứ không phải cứ đổi mới xong không tốt lại làm lại. Các mô hình, dự án mới đều phải triển khai thí điểm, có đánh giá, ra điều kiện kèm theo mới thực hiện một cách thận trọng. Những cụm từ như “chuột bạch”, “thí nghiệm”, “nhồi nhét”… rất xa lạ với giáo dục. Điều này khiến những nhà làm giáo dục hết sức trăn trở. Bị nhận xét như vậy là cú sốc đối với những người làm quản lý giáo dục trong quá trình đổi mới.

  Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016.

Thưa ông, vì sao Bộ đưa ra phương án tiếp tục đổi mới thi và tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm 2017?

Tại thời điểm này chưa phải chính thức, nhưng chủ trương của Bộ là phương án năm nay không phải đổi mới mà tiếp tục thực hiện phương án 2016. Năm nay được đánh giá thi và tuyển sinh ĐH cơ bản thành công, được xã hội đồng tình. Tuy nhiên, phương án nào cũng có những hạn chế. Sau khi xem xét, Bộ nhận thấy có những điểm phải cải thiện để tốt lên như tổ chức thi. Năm 2016 có hai cụm thi địa phương và cụm thi ĐH. Qua thực tế, địa phương hoàn toàn tổ chức được thi và không nhất thiết phải tồn tại hai cụm thi trong một địa phương. Như vậy, năm 2017 chỉ còn một cụm thi. Bản chất vẫn như năm 2016 nhưng gọn nhẹ, thiết thực hơn. 

Về đề thi, năm 2016 được đánh giá là nghiêm túc, nhưng những người làm giáo dục cũng như giáo viên thấy thí sinh vẫn học tủ, học lệch. Trong khi đó, giáo dục phổ thông phải học toàn diện. Do đó, 2017 có cải tiến để đảm bảo tính toàn diện tránh học tủ,  học lệch, sử dụng công nghệ thông tin để tổ chức bài thi tổng hợp theo hướng trắc nghiệm khách quan, gọn nhẹ, bao quát. Mặt khác, năm 2016, mặc dù đề thi được đánh giá tốt nhưng qua phản ánh và thực tế kiểm tra, đâu đó vẫn còn tình trạng thí sinh nhìn được bài nhau trong quá trình thi.

Về chấm thi, giáo viên chấm theo barem nên có sự du di giữa các thầy cô. Trong khi đó, qua phương thức thi của ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy có thể công nghệ trong chấm thi để giải quyết vấn đề này. Do đó sẽ làm bài thi tổng hợp trắc nghiệm đối với nhóm môn Toán, Khoa học xã hội, Khoa học nhân văn, Ngoại ngữ. Thi trên giấy, chấm trên máy nên khắc phục tốt những băn khoăn mà năm 2016 dư luận đặt ra. Đây là những đổi mới có tính chất bổ sung cho hạn chế năm 2016.

Liên quan đến xét tuyển, thi tuyển,  năm 2017 vẫn như năm 2016, một kỳ thi 2 mục đích. Các trường ĐH được quyền tự chủ nhưng trong thực tế, nhiều trường ĐH chưa có kinh nghiệm cũng như chưa có điều kiện để có thể đứng lên tổ chức một kỳ thi. Mặt khác, tự chủ nhưng không có nghĩa muốn làm gì cũng được, Bộ GD&ĐT vẫn phải có trách nhiệm đứng ra quản lý chất lượng vì quyền lợi của người học. Khắc phục điểm bất cập của năm 2016, thí sinh chỉ được 2 trường 4 nguyện vọng, trong quá trình xét tuyển thông tin không được công khai thì năm 2017 sẽ có phần mềm cùng sử dụng, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Nhưng thưa ông, nhiều bạn đọc phản ánh, họ rất sợ cụm từ “đổi mới” của Bộ?

Thứ nhất, phương án thi năm 2017 không phải là hoàn toàn  mới mà là sự kế thừa, cải tiến phương án thi 2016 để tốt hơn. Không phải mỗi năm một phương án mới. Nhân đây, tôi cũng khẳng định, nếu bỏ từ đổi mới đi thì còn gì là Nghị quyết đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Giáo dục có nhiều khía cạnh phải đổi mới. Chuyển từ truyền thụ kiến thức theo kiểu nhồi nhét sang phương thức tiếp cận năng lực. Vì vậy, bỏ đổi mới đi thì còn gì là giáo dục.

Do đó, cách đặt vấn đề của một số phụ huynh, một số cô thầy như thế là không chuẩn. Đổi mới là quá trình, đổi mới là liên tục. Chỉ có điều đổi mới thế nào cho hiệu quả.  Trong giáo dục đào tạo, phải có lộ trình, bước đi vững chắc. Tính bền vững phải thể hiện được tính khả thi và tính lâu dài, tránh tình trạng không đủ cơ sở khoa học để thực hiện, đổi mới xong lại làm lại. Còn nếu đổi mới có lộ trình bước đi thì càng ngày càng có nền tảng. Trong giáo dục đào tạo, không phải hôm nay đổi mới, ngày mai có kết quả. Có những đổi mới chục năm sau mới có kết quả. Có những đổi mới vài năm đã có kết quả.

Thưa Bộ trưởng, bản dự thảo sửa đổi Thông tư 30 với cách đánh giá, phân loại học sinh theo A, B, C nhiều giáo viên lo ngại vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”?

Tinh thần của Thông tư 30 là tốt. Học sinh tiểu học còn nhỏ không nhất thiết phải đánh giá lượng hóa bằng cách chấm điểm, thi đua lẫn nhau tạo ra áp lực và dạy thêm, học thêm. Thông tư có cách đánh giá cả năng lực lẫn phẩm chất của học sinh bằng cách vừa cho điểm vừa nhận xét bằng lời.

Một câu khen cũng là cách đánh giá đâu nhất thiết phải cứ cho 5 hay 10 điểm. Tuy nhiên, Bộ phải rút kinh nghiệm, tính toán làm sao khi đổi mới cũng phải có lộ trình, bước đi phù hợp đảm bảo có sự chuẩn bị, kể cả giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp.

Phương án đánh giá học sinh theo mức A, B, C là cách đánh giá khác căn bản so với cách đánh giá cũ. Không có chuyện “bình mới rượu cũ” bởi chỉ đánh giá bằng lời khó lượng hóa được sự tiến bộ của học sinh. Khi đó, A, B, C là thang bậc của sự tiến bộ. Học sinh được A là sự tiến bộ vượt bậc cả về năng lực lẫn phẩm chất, hay điểm C không phải chê mà các cháu cần cố gắng.

Theo Tiền Phong

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang