Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải vượt lên lời nguyền 'được mùa mất giá', làm giàu từ nông nghiệp

author 15:09 17/02/2022

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Chúng ta phải vượt lên lời nguyền “được mùa mất giá”, phải làm giàu từ nông nghiệp, để nông thôn trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp. Để thực hiện mục tiêu trên, ngành nông nghiệp phải đổi mới tư duy, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Ngày 17/2/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) tổ chức Họp báo Công bố Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chiến lược có nhiều điểm đột phá với tầm nhìn dài hạn

Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược) được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký tại Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm… Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. 

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, với mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang "tích hợp đa giá trị"…

Hướng tới nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

Ngành nông nghiệp sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: quốc gia, cấp tỉnh và địa phương và theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hiệp hội, hội.

Ngành nông nghiệp sẽ chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng. Ưu tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực của các địa phương. Từ các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực phát triển hợp tác xã, giảm các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế biến, thương mại lớn để hình thành chuỗi giá trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, nội dung của Chiến lược là những tư tưởng rất mới. Đây là Chiến lược với tầm nhìn dài hạn, không chỉ mang tính chất giải quyết vấn đề, tiếp cận với xu thế của thời đại, của nền kinh tế toàn cầu, trong đó có xu thế tiêu dùng xanh của thế giới.

Phải vượt lên lời nguyền “được mùa mất giá”

Khẳng định Bộ NN&PTNT rất nghiêm túc trong xây dựng Chiến lược và đưa Chiến lược vào cuộc sống, nhưng Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, ngành nông nghiệp không chỉ đơn thuần là một ngành kinh tế mà liên quan nhiều đến vấn đề an sinh xã hội, bởi hiện trên 65% dân số nước ta là ở nông nghiệp nông thôn. Hơn nữa nông nghiệp có tác động lan tỏa đến nghiều ngành kinh tế khác, tác động đến các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ…

Do vậy, để Chiến lược đi vào cuộc sống, hiện thực hóa chiến lược phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, trước hết phải thống nhất từ nhận thức đến hành động và sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân; đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp. Cùng với đó là cơ chế chính sách phù hợp, ‘đột phá’.

Cũng theo Bộ trưởng, chiến lược cần linh hoạt, thích ứng trong từng thời điểm; việc quan trọng hàng đầu là phải thay đổi tư duy, tổ chức lại sản xuất, sau đó mới là hàng loạt câu chuyện về công nghệ, khai phá thị trường mới.

Về phát triển thị trường, Bộ trưởng cho rằng, đảm bảo đầu ra cho nông sản thì thị trường trong nước sẽ cần đổi mới hệ thống phân phối nông sản; kết nối hệ thống chế biến, phân phối và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản và gắn với các vùng chuyên canh. Hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông sản.

Với thị trường xuất khẩu, ngành chủ động phát huy cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường.

Nói về thực trạng của ngành nông nghiệp hiện nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, dường như nông nghiệp nước ta bị lời nguyền “được mùa mất giá”, đó là do hiện nay, ngành nông nghiệp nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, rủi ro cao.

Bộ trưởng khẳng định, câu chuyện “được mùa mất giá” không phải của riêng ai. Thông tin minh bạch thì cung cầu quyết định giá, còn thông tin bất cân xứng thì không ai có thể can thiệp được. Dù có kế hoạch nhưng tâm lý đám đông của người nông dân cũng sẽ ảnh hưởng đến giá nông sản. Dẫn ví dụ từ những việc doanh nghiệp, nông dân cạnh tranh tự giảm giá xuống, đến việc những thông tin thất thiệt trên truyền thông khiến nông dân lao đao, Bộ trưởng khẳng định: Từ doanh nghiệp, nông dân cho đến truyền thông đều tham gia quyết định giá cả.

Để đạt được mục tiêu của Chiến lược đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp đặt ra yêu cầu nhất định về khả năng tiếp cận, trình độ ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.

Ngành nông nghiệp sẽ phải tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu để từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người nông dân và dân cư nông thôn. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang