Kết nối doanh nhân kiều bào, thu hút đầu tư, quảng bá nông sản Việt

author 22:12 14/02/2022

(VietQ.vn) - Người Việt Nam ở nước ngoài dù đang định cư ở nơi nào trên trái đất, cũng chính là một đại sứ thuyết phục nhất để đưa nông sản Việt Nam đến tay người tiêu dùng toàn cầu. Kiều bào cũng chính là cầu nối quan trọng để truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, góp phần đưa Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp sinh thái.

Cầu nối đưa nông sản Việt vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu

Với mong muốn kiều bào tiếp tục làm cầu nối đưa nông sản Việt vươn cao, vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu, tối 14/2/2022, Diễn đàn “Kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, với sự tham gia của trên 300 kiều bào đang làm ăn, sinh sống, đầu tư trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực, cùng hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...

Theo Bộ NN&PTNT, đây là dịp để bà con Việt Kiều- các thương nhân Việt Nam ở nước ngoài hiểu hơn về đời sống, xã hội, kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới hiện nay; đặc biệt là hiểu hơn về tiềm năng của ngành nông nghiệp nước nhà, chung tay kết nối, đưa nông sản, đặc sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là những sản phẩm mang tính đặc sản, sản phẩm OCOP (Chương trình quốc gia mỗi làng, xã một sản phẩm) của Việt Nam.

Diễn đàn kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức tối 14/2/2022. Ảnh: Báo NNVN 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cho biết: “Đây là Diễn đàn đầu tiên Bộ NN-PTNT tổ chức để kết nối với kiều bào. Khẳng định kiều bào ta dù ở đâu trên toàn thế giới cũng luôn hướng về quê hương, và đã có đóng góp thiết thực cho quá trình xây dựng và đổi mới đất nước; bà con luôn là cầu nối quan trọng để đưa thông tin, tri thức, công nghệ, vốn đầu tư cho phát triển đất nước", Thứ trưởng Nam bày tỏ trân trọng và đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực từ bà con kiều bào.

Dù ở xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước. Từ những trung tâm thương mại lớn của người Việt ở nước ngoài như Incentra ở Moscow, Đồng Xuân ở Berlin, Sapa ở Séc, ASEAN Garden Mall tại Hoa Kỳ, Thanh Bình Jeune tại Pháp, chợ Bến Thành tại Úc đến những cửa hàng, siêu thị, quán ăn, quán cà phê… dù nhỏ hay to của kiều bào ở nước ngoài đều thể hiện tâm của người Việt đưa sản phẩm đi khắp bốn phương.

Đóng góp của kiều bào còn phải kể đến tri thức và kinh nghiệm quý báu đang giúp ngành Nông nghiệp chuyển mình thông qua chia sẻ và đưa công nghệ mới, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm công nghệ cao, phân bón thông minh, bao bì bảo quản nông sản đa lớp.

Diễn đàn cũng mong muốn bà con kiều bào là cầu nối quan trọng để truyền tải tri thức, công nghệ và huy động nguồn lực tài chính, đưa nông nghiệp Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp sinh thái, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tân tiến, xanh, bền vững, thành trung tâm chế biến, logistics trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Theo Bộ NN&PTNT, những năm qua, ngành nông nghiệp liên tục tăng trưởng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Hàng hóa, nông lâm thuỷ sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản liên tục tăng cao, 48,6 tỷ USD vào năm 2021. Việt Nam hiện có 6 nhóm mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD và 10 mặt hàng nông lâm thủy sản có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm. Để đạt được các mục tiêu trên, cần có sự chung tay của bà con kiều bào trên toàn thế giới.

Tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước với doanh nhân kiều bào

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có trên 5 triệu Việt kiều sinh sống và làm việc tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đến nay, đã có khoảng 3.500 dự án, doanh nghiệp do kiều bào thành lập hoặc góp vốn tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký lên đến 11 tỉ USD, trong đó có rất nhiều kiều bào đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh, thời gian qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều hoạt động đóng góp thiết thực trong lĩnh vực nông nghiệp. Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Theo lãnh đạo Bộ Ngoại giao, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước. Ngoài ra, nhiều kiều bào đã về nước đầu tư, kinh doanh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động địa phương; đóng góp vào công cuộc bảo tồn nông sản quý và phát triển các giống cây trồng cho năng suất cao.

Tại diễn đàn, ông Diệp Văn Tỷ- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển đã chia sẻ kinh nghiệm đối với việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu. Theo ông Tỷ, tuy thị trường Bắc Âu không quá lớn nhưng số lượng hàng hóa của Việt Nam được tiêu thụ không hề nhỏ. Thị trường Bắc Âu đòi hỏi điều kiện rất cao về cả mẫu mã, chất lượng và bao bì.

Là một nhà đầu tư vào sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam trong nhiều năm qua, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển cho rằng việc làm nông nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn do quy chế và quy trình phải trải qua quá nhiều khâu trung gian và khi đến được tay người tiêu dùng, giá của sản phẩm đã bị đẩy lên quá cao.

Hiện nay mối liên kết giữa cộng đồng người Việt ở châu Âu với các doanh nghiệp trong nước đang còn lỏng lẻo, dẫn tới việc các doanh nghiệp đang đánh mất rất nhiều cơ hội kinh doanh. Để giải quyết việc này cần phát huy vai trò tổ chức, Hiệp hội ngành nghề… trong nước trong việc tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp người Việt ở châu Âu thông qua các hội thảo, diễn đàn… để trao đổi thông tin.

Về phía các cơ quan quản lý nên tạo một trung tâm dữ liệu chung để các kiều bào và doanh nghiệp có thể truy cập để trao đổi thông tin được chặt chẽ, thuận lợi. Ngoài ra, cần tận dụng tiềm năng trung tâm thương mại của người Việt ở châu Âu để đưa nông sản của Việt Nam vào tiêu thụ.

Hiện đã có hệ thống trung tâm thương mại ở hầu hết các nước Đông Âu, trong các trung tâm thương mại này có chủ là người Việt Nam, 80% doanh nghiệp hoạt động trong đó là người Việt, trong khi hàng hóa Việt Nam được bày bán ở đây chỉ chiếm 10-15%, đây là lợi thế rất lớn mà các doanh nghiệp cần tận dụng.

Thêm vào đó, cần tăng cường kết nối thông tin, đa dạng hóa hoạt động liên doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước; sử dụng các trung tâm thương mại của người Việt như trung tâm xúc tiến thương mại.

Đánh giá cao tiềm năng và đóng góp của bà con kiều bào trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, thế giới không chờ đợi chúng ta, chúng ta phải bán thứ thế giới cần chứ không phải bán thứ chúng ta có, và như vậy, rất cần sự chung tay giúp đỡ của bà con kiều bào trên khắp thế giới.

Bộ trưởng khẳng định, yêu quê hương, yêu nước không phải là những gì to tát, mà từ những điều giản di nhỏ bé, như bán thêm được nông sản cho nông dân, kết nối tri thức về cho đất nước… đó chính là yêu nước. Chúng ta đưa Việt Nam ra thế giới, đồng thời đưa thế giới đến Việt Nam thông qua hệ thống kiều bào trên toàn thế giới, đưa tinh hoa nông sản Việt ra toàn cầu, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển thành một cường quốc nông nghiệp sinh thái, một nền kinh tế nông nghiệp có trách nhiệm- Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang