Bộ trưởng Y tế: Lãnh đạo không nhất thiết phải là Giáo sư, Tiến sĩ

author 17:28 10/10/2014

(VietQ.vn) - Bộ trưởng Y tế cho rằng, lãnh đạo các trường, các bệnh viện và thậm chí là Thứ trưởng, Bộ trưởng không nhất thiết phải là giáo sư, tiến sĩ.

Bộ trưởng không nhất thiết phải là giáo sư, tiến sĩ

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH Y - Dược diễn ra sáng nay 10/10, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ở nước Pháp, lãnh đạo các trường, các viện nghiên cứu không phải là các nhà khoa học, mà là các nhà quản lý.

Bộ trưởng Y tế cho biết, lãnh đạo bệnh viện của nhiều nước là CEO chứ không phải giáo sư, tiến sĩ

Bộ trưởng Y tế cho biết, lãnh đạo bệnh viện của nhiều nước là CEO chứ không phải giáo sư, tiến sĩ

Họ không nhất thiết phải hiểu sâu về chuyên môn y tế, mà phải biết cách tổ chức bộ máy hoạt động tốt, đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Lãnh đạo phải giống như giám đốc điều hành (CEO).

Bà Kim Tiến cho rằng, đào tạo sau ĐH của ngành Y phải chia làm 2 hướng: thực hành và hàn lâm. Đào tạo theo hướng thực hành hướng đến các bệnh viện, cơ sở y tế...thì theo hướng bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II.

Còn đào tạo theo hướng hàn lâm thì sản phẩm là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư...để giảng dạy trong các nhà trường.

Vì vậy, sắp tới Bộ Y tế sẽ xây dựng 2 Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý. Ở đó sẽ không dạy chuyên môn mà dạy các kiến thức và kỹ năng liên quan đến quản lý như: kinh tế y tế, quản lý bệnh viện...Bộ trưởng cũng cho rằng, kể cả Thứ trưởng và Bộ trưởng cũng không nhất thiết phải là giáo sư, tiến sĩ.

Cùng với đó, bằng của sinh viên ngành Y sẽ do các Hiệu trưởng ký, nhưng các chứng chỉ nghề sẽ do lãnh đạo các bệnh viện ký.

Có nơi thừa hệ cử tuyển

Tư lệnh ngành Y cho biết, từ khi lên làm Bộ trưởng, bà đã đi hết 63 tỉnh thành, đã đến các y tế tuyến xã, xem từng sổ khám bệnh...sau đó mới họp ở huyện và tỉnh.

Theo đó, nhiều nơi báo cáo là dư thừa nhân lực ngành y. Nhiều tỉnh từ giờ chỉ tuyển hệ chính quy chứ không tuyển các hệ khác.

Tuy nhiên, cũng có địa phương còn thiếu nhân lực ngành y, nên vẫn phải tiếp tục chính sách cử tuyển.

Bộ trưởng Y tế cũng cảnh báo, với việc mở hàng loạt trường y (trung cấp, cao đẳng, cao đẳng y tế kỹ thuật...) sẽ gây ra nguy cơ thừa nhân lực, dễ dẫn đến thất nghiệp.

Trong khi đó, các trường ĐH khối Y - Dược cho biết, không phải hệ cử tuyển đồng nghĩa với học kém. Ví dụ, trong số hơn 500 em hệ cử tuyển của ĐH Y Dược Cần Thơ thì năm học vừa qua có 24% khá và giỏi, hơn 49% trung bình - khá, 22% đạt trung bình, còn lại là yếu và kém (dưới 20 em).

Tương tự, nhiều trường khác như ĐH Y Dược TP HCM, ĐH Y Thái Bình...cũng cho thấy, không phải đối tượng nào hệ cử tuyển cũng học kém.

Nhưng nhiều trưỡng vẫn mong muốn, phải tìm cách nâng cao chất lượng đầu vào, hạn chế cử tuyển, tăng cường đào tạo y bác sĩ tại chỗ...

Nhật Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang