Vì sao nên cộng điểm ưu tiên cho nông thôn, miền núi?

author 05:41 26/07/2013

(VietQ.vn) – Những người phản đối cộng điểm cho các em ở vùng sâu, vùng xa có lên “rừng” làm việc không?

Viết vì...bí đề tài?

Nhân sự kiện Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) rút việc cộng điểm cho Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, rất nhanh, có tờ báo đã đưa ý kiến của một số người phản đối chủ trương cộng điểm cho các đối tượng chính sách.

các em học sinh vùng cao huyện Pác Nặm, Bắc Kạn. Ảnh: Bích Ngọc
Học sinh vùng cao huyện Pác Nặm, Bắc Kạn. Ảnh: Bích Ngọc

Lý do đưa ra là có nhiều em cử tuyển không về địa phương công tác, yêu cầu của nhiều ngành cao mà các em được cộng điểm chưa phù hợp, việc cộng điểm phải là “số ít” chứ không phải “số nhiều”...

Nhưng rất may, những cán bộ liên quan đã rất “vững tay chèo”, tiếp tục ủng hộ chủ trương rất nhân văn của Đảng và Chính phủ với những lý lẽ sắc sảo, như khả năng tiếp cận của học sinh vùng sâu, vùng xa, con cháu thương binh, liệt sĩ...khó có thể bằng được những gia đình bình thường ở thành phố; việc cộng điểm cho các đối tượng chính sách còn thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc... 

Góp ý thay vì... ném đá

Không phải trong giáo dục mà bất cứ lĩnh vực gì ở cuộc sống, việc “ném đá” bao giờ cũng dễ dàng hơn là góp ý.

Các em cử tuyển khó xin việc thì phải trách cơ quan đã cử đi, đã không dự đoán được chính xác nhu cầu nhân lực của địa phương. Vậy những lần sau, khi đưa đi học, các địa phương phải “nhắm” đến chỗ cần việc sau này mà hướng đúng ngành, đúng người.

Việc “thích ở phố, chán ở quê” đâu phải tâm lý của những người trẻ nông thôn? Những người ở thành phố có muốn lên “rừng” để làm việc đâu?

Ở thành phố có cơ hội việc làm cao hơn, được hưởng thụ tương đối đủ đầy về mọi mặt đời sống. Nên dù có chật, nhiều người vẫn coi: phố sống vui hơn quê.

Chất lượng Việt Nam đã nhiều lần phản ánh, những lãng phí về thi công đường phố Thủ đô có thể đủ để nuôi ăn biết bao làng, xã ở quê.

Sao những người trách “quê” được cộng điểm hơn “phố” không đặt câu hỏi: vì điều gì mà nhà nước cứ tổ chức các trận giao hữu quốc tế giữa tuyển Việt Nam và nước bạn ở sân Mỹ Đình (Hà Nội) mà không phải ở các tỉnh khác?

Hãy lên miền núi mà xem...

Những nhà giáo phản đối học sinh miền núi được cộng điểm, hãy mỗi lần đặt chân lên những vùng cao, để thấy đồng nghiệp của mình phải đi hàng ngày đường mới tới các bản làng để dạy chữ.

Các cháu nhỏ có cơm ăn trộn ngô đã là quý, chứ đừng nói được ăn đủ thứ trên đời như học sinh thành phố.

Trong khi nhiều bài thi đều “gài” các “mẹo” giải bài, mà chỉ có đọc các sách tham khảo, các em mới biết được, thì với học sinh trên rẻo cao, có đủ sách giáo khoa để học đã là cố gắng lắm...

Đương nhiên, không vì thế mà có quyền nghĩ, học sinh vùng cao kém thông minh. Bằng chứng là đã có những em người dân tộc thiểu số, xuống học ở những trường chuyên của Hà Nội, đã đi thi và đạt giải Olympic quốc tế.

…và hãy nhìn rộng hơn

Vài điểm cộng rõ ràng chưa thấm vào đâu so với những khó khăn mà các đối tượng chính sách phải chịu đựng. Như một nhà lãnh đạo nổi tiếng của chúng ta đã nói: sự công bằng không phải là ai cũng làm việc như ai, mà là những người lành lặn, khỏe mạnh phải làm việc nhiều hơn những người khuyết tật.

Thế giới này tràn ngập những hành động và cử chỉ đẩy nhân văn, vun đắp cho những người không được may mắn khi sinh ra.

Đó là những vỉa hè, cầu thang dành riêng cho người khuyết tật. Đó là chế độ ưu đãi về thuế đối với xưởng sản xuất của thương binh. Đó những mái nhà ấm cho các bà mẹ có con hy sinh ngoài chiến trường. Đó là những suất ăn trưa miễn phí cho học sinh miền núi của Chính phủ. Đó là những bàn tay lành lặn nâng niu những bàn tay khuyết tật, để bước sang đường, giữa bao xe cộ qua lại...

Vậy tại sao chúng ta lại có những suy nghĩ hẹp hòi, đòi mọi thứ phải “phẳng” trong một thế giới rất “cong” và “lồi lõm”.

Tại sao chúng ta lại nghĩ việc cộng điểm là sự thiếu tôn trọng người được cộng điểm mà không phải là sự sẻ chia, “fair play” của những người không được cộng điểm, do được sinh ra may mắn hơn?

Và cuối cùng, trước áp lực tin bài lúc nào cũng nặng nhọc, tại sao người cầm bút không thử dùng cảm một lần nói “KHÔNG” với yêu cầu viết bài của cấp trên?

Để đầu óc được thư thái, để có thời giờ ngẫm nghĩ sâu hơn về cuộc đời, về số phận và trách nhiệm của những người có sứ mệnh làm cho nó ngày một tốt đẹp và nhân văn hơn.

Hoàng Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang