Bộ Y tế: Xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng dịch đau mắt đỏ để tăng giá thuốc điều trị

author 14:12 25/09/2023

(VietQ.vn) - Trước tình trạng đau mắt đỏ đang lan rộng tại nhiều địa phương, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch đau mắt đỏ để tăng giá thuốc điều trị.

Theo tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), đơn vị này đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế; cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ.

Theo Cục Quản lý Dược, hiện nay, tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Để bảo đảm việc cung ứng thuốc và kiểm soát giá các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ theo hình thức phù hợp.

Cục Quản lý Dược nêu rõ, mục tiêu là bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, tuân thủ quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh. Đối với cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ và tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.

Trước tình trạng dịch đau mắt đỏ đang gia tăng, Bộ Y tế ra công văn cần xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch đau mắt đỏ để tăng giá thuốc điều trị. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn bán thuốc theo đơn và chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân khi mua thuốc, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng của thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và xử lý nghiêm vi phạm (nếu phát hiện), đặc biệt là các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.

Cùng với đó, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị các bệnh viện, viện khẩn trương, chủ động thực hiện mua sắm các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ, bảo đảm sẵn sàng cung ứng kịp thời thuốc phục vụ điều trị. Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, kinh doanh thuốc cần chủ động triển khai kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc.

Trước đó, cuối tuần qua, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống đau mắt đỏ. Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn. Các đơn vị phải chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện.

Theo ghi nhận từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận khoảng 2.300 ca bệnh đau mắt đỏ (bệnh viêm kết mạc), tăng 58% so với cùng kỳ, riêng tháng 8 ghi nhận 405 ca. Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh, bệnh đau mắt đỏ đang có nguy cơ bùng phát thành dịch tại địa phương này.

Tại Bình Phước, bệnh đau mắt đỏ cũng đang diễn biến phức tạp. Từ ngày 8/9, trên địa bàn có 11/41 trường mầm non, tiểu học với 260 em bị đau mắt đỏ. Đến ngày 11/9, có 27/41 trường học, với 1.401 học sinh mắc bệnh này. Đến trưa 12/9, toàn thành phố Đồng Xoài đã ghi nhận 38/41 trường học với 554 lớp và 2.450 học sinh bị đau mắt đỏ. Số trường học trên địa bàn thành phố Đồng Xoài có ca bệnh đau mắt đỏ chiếm hơn 90%. Số học sinh tiểu học mắc bệnh chiếm hơn 70%.

Tại Hà Nội và TP.HCM, từ tháng 8/2023 đến nay, dịch bệnh đau mắt đỏ tăng nhanh. Thời gian gần đây, Bệnh viện Mắt trung ương ghi nhận trung bình khoảng 700 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám mỗi tuần. So với tháng 6/2023, số bệnh nhân đến khám trong tháng 8 và đầu tháng 9/2023 tăng gấp gần 2 lần. Tại TP.HCM, đầu tháng 9/2023, trên địa bàn thành phố cũng ghi nhận khoảng 4.000 ca bệnh/ngày. Trong 20 ngày gần đây, tỉnh Quảng Nam cũng ghi nhận tới 42.000 ca đau mắt đỏ…

Sở Y tế Đà Nẵng cho biết từ đầu năm đến nay có hơn 22.000 trường hợp viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng. Trong đó có gần 11.600 trẻ em, chiếm hơn 50%. Riêng từ ngày 1/9 - 11/9, bệnh viện khám và điều trị 1.335 trường hợp, trong đó có 767 trẻ em, chiếm tỷ lệ 57,5%. Số lượng trẻ em khám ngoại trú tăng đột biến, trong đó trên 80% trẻ em được chẩn đoán mắc viêm kết mạc.

Dịch đau mắt đỏ (viêm kết mạc) năm 2023 chủ yếu do Coxsackievirus A24, human Adenovirus 54 và 37 gây ra. 

Bệnh đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng mô trong suốt lót bề mặt bên trong mí mắt và lớp phủ bên ngoài mắt bị viêm đỏ. Người bệnh có thể bị đau mắt đỏ ở một hoặc cả hai mắt do virus, vi khuẩn, chất gây dị ứng và nhiều nguyên nhân khác gây ra.

Khi bị bệnh đau mắt đỏ, phần tròng trắng (bề mặt nhãn cầu) của người bệnh có màu hồng nhạt hoặc hơi đỏ, mí mắt sưng húp và rủ xuống. Mắt bị viêm có chất lỏng chảy ra hoặc đóng vảy trên lông mi hoặc mí mặt.

Đau mắt đỏ xảy ra ở mọi đối tượng gồm trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh này xảy ra quanh năm, rất dễ lây và lan rộng thành dịch nhất vào khoảng thời gian chuyển từ mùa hè sang mùa thu.

Để phòng ngừa, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm Anh, cần hạn chế dùng tay chạm vào mắt: dùng tay chạm hoặc dụi mắt bị nhiễm trùng; dùng khăn giấy lau nhẹ bên ngoài.

Rửa tay thường xuyên: thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng và nước ấm, đặc biệt trước khi ăn và dụi mắt.

Sử dụng khăn sạch và không dùng chung khăn: giữ khăn tắm, khăn lau tách biệt với những người khác, đặc biệt người đau mắt đỏ. Ngoài ra, cần giặt khăn của người bệnh đau mắt đỏ với chất tẩy rửa và nước ấm để diệt khuẩn.

Thường xuyên giặt sạch ga trải giường, vỏ gối của người bệnh đau mắt đỏ bằng nước nóng và chất tẩy rửa. Tách biệt gối người bệnh đau mắt đỏ với những người khác.

Nếu bạn từng đau mắt đỏ, mỹ phẩm mắt cũ có thể là nơi trú ẩn của các tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ mà mắt thường không phát hiện được. Vì vậy, người bệnh sau khi điều trị khỏi, hãy bỏ hết mỹ phẩm mắt cũ. 

Vi khuẩn trú ngụ trên bề mặt của mỹ phẩm. Việc không dùng chung mỹ phẩm giúp người bệnh hạn chế tình trạng lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang