Bọc răng sứ có thể gặp biến chứng nang xương hàm nguy hiểm

author 16:20 20/06/2023

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, khi bọc răng có thể gặp một số rủi ro không mong muốn và nguy hiểm nhất là nang xương hàm.

Bọc răng thẩm mỹ ngày càng trở nên phổ biến như một phương pháp phục hồi răng hiệu quả như mão răng, cầu răng và cấy ghép nhờ độ bền, tạo vẻ đẹp tự nhiên. Bên cạnh những ưu điểm thì phương pháp này cũng có một số hạn chế và biến chứng nguy hiểm.

Mới đây, các bác sĩ khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, cho biết đã tiếp nhận nữ bệnh nhân N.H. (36 tuổi, trú tại Lạng Giang, Bắc Giang), đi khám do có khối sưng cục không đau ở vùng răng cửa hàm trên.

Sau khi được thăm khám và chụp X-quang, kết quả phát hiện vùng răng cửa hàm trên có khối phồng kích thước 3x2 cm, sờ căng tức, có dấu hiệu bóng nhựa, răng giả từ răng 14-24 (8 chiếc răng). Ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được bác sĩ phẫu thuật cắt nang răng vùng cửa hàm trên.

Bọc răng sứ có thể gặp biến chứng nang xương hàm nguy hiểm. Ảnh: Zing 

Theo bác sĩ CKI Lê Thị Hà, Trưởng khoa Răng Hàm Mặt, cho biết nang là một hốc bệnh lý trong xương hàm có chứa dịch loãng, nửa loãng hoặc khí, được lót bằng lớp tế bào biểu mô nhưng không phải luôn luôn có. Đây là bệnh lý phổ biến, thường gặp nhất trên lâm sàng.

Bác sĩ Hà cho hay bọc răng sứ là phương pháp hiện nay được ưa chuộng do chỉ với thời gian ngắn đã có hàm răng đẹp theo ý muốn. Tuy nhiên, không cẩn thận có thể gặp một số rủi ro không mong muốn như: Hôi miệng, viêm tủy không hồi phục, viêm quanh cuống cấp, nguy hiểm nhất là nang xương hàm.

Vị chuyên gia khuyến cáo khi quyết định làm răng sứ thẩm mỹ chỉ nên thực hiện ở những vùng không có nhiều sai lệch xương. Răng nhiễm Tetra nặng, đã điều trị tủy hoặc tổn thương nhiều tổ chức cứng thì nên thực hiện ở những cơ sở uy tín, có kinh nghiệm.

"Khi thấy có dấu hiệu bất thường ở vùng xương hàm mặt, người bệnh cần thăm khám bác sĩ kịp thời để phát hiện sớm khối u hàm mặt. Việc này giúp tránh tình trạng để u nang hàm phát triển, gây ra những triệu chứng nặng và biến dạng khuôn mặt", bác sĩ Hà nói.

Những trường hợp tuyệt đối không nên bọc răng sứ

Khớp cắn sai lệch nghiêm trọng

Tình trạng này không nên thực hiện bọc răng sứ thẩm mỹ bởi phương pháp này chỉ thực hiện để khắc phục tình trạng sai lệch khớp cắn nhẹ. Trường hợp răng bị hô, móm, khấp khểnh, chen chúc, xô lệch nhẹ thì có thể thực hiện được. Tuy nhiên, với trường hợp quá nặng thì bắt buộc cần tiến hành niềng răng trước khi bọc sứ. Vì việc mài răng nhiều sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe răng toàn cơ thể.

Răng bị hô, vổ, vẩu, móm do xương hàm

Với những tình trạng này thì chắc chắn bọc răng sứ thẩm mỹ sẽ không mang tới kết quả khả quan. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật, can thiệp tác động trực tiếp tới xương hàm bằng cách phẫu thuật, điều chỉnh xương hàm về vị trí chuẩn, cố định chắc chắn lại.

Răng bị sâu hỏng nghiêm trọng, chân răng quá yếu

Bọc răng sứ cho răng sâu là phương pháp bảo tồn răng gốc, khôi phục lại răng bởi hậu quả do răng sâu mang lại. Nhưng với trường hợp răng bị sâu hỏng nghiêm trọng, răng đã chết tủy, chân răng quá yếu, lỗ hổng lớn hay khoảng sinh học có vấn đề nghiêm trọng… thì sẽ cần phải nhổ bỏ răng, tái tạo lại khoảng sinh học khỏe mạnh và phục hình cố định bằng phương pháp cấy ghép implant thay vì bọc sứ để có kết quả tốt nhất.

Răng bị gãy vỡ chỉ còn chân răng

Với trường hợp này thì không thể thực hiện bọc răng sứ vì mô răng không còn đủ để làm trụ chống đỡ cho mão sứ. Phương pháp thích hợp lúc này là làm cầu răng sứ hay cấy ghép implant.

Răng quá nhạy cảm

Nếu răng thường xuyên bị đau nhức – ê buốt khi có kích thích từ môi trường như khi ăn nhai, chải răng… thì cũng không nên bọc răng sứ. Vì, bọc răng sứ sẽ phải thực hiện thao tác mài cùi răng khiến bệnh lý thêm nghiêm trọng hơn. Bởi vậy cần cân nhắc kỹ lưỡng và trang bị các kiến thức về bọc răng sứ để tránh gặp phải tình huống tiền mất tật mang.

Đang mắc các bệnh lý toàn thân

Với trường hợp mắc phải những căn bệnh như động kinh, tim mạch, máu khó đông… thì tuyệt đối không nên bọc sứ. Bởi vì, việc gây thuốc tê và thao tác mài răng thành cùi có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Không nên bọc răng sứ cho trẻ em (dưới 17 tuổi)

Nếu như trẻ em có răng thưa, răng hô vẩu, móm, lệch lạc khá nhiều nhưng còn quá nhỏ, dưới 17 tuổi thì nên tìm hiểu phương pháp niềng răng. Tuyệt đối, không nên bọc răng sứ thẩm mỹ bởi lúc quá trình mài răng sẽ tác động đến buồng tủy và có thể gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của răng.

An Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang