Bóc trần sự thật sản phẩm quảng cáo điều trị khỏi COVID-19

author 07:23 11/03/2022

(VietQ.vn) - Một số loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe được các tổ chức, cá nhân đăng bán giới thiệu điều trị, phục hồi hậu COVID-19… là những quảng cáo sai sự thật để lừa dối người tiêu dùng.

Quảng cáo như “mật rót vào tai”

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhu cầu về các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm bồi bổ sức khỏe… của người tiêu dùng càng tăng cao. Bên cạnh những sản phẩm an toàn, có chất lượng, vẫn còn nhiều loại TPCN kém chất lượng, nhưng lại được quảng cáo có tác dụng như thuốc chữa bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội… nhằm trà trộn, đánh lừa người tiêu dùng có khả năng chữa được bệnh Covid-19.

Theo tìm hiểu, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên K6F2 Kmuravir® đang được bán “trao tay” với thông tin phòng ngừa, điều trị sau mắc COVID-19. 

Trên hộp sản phẩm này có ghi số tự công bố sản phẩm: 018/2021/CB-KMURA; không ghi tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất; không ghi tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm; công dụng ghi "phòng ngừa các vấn đề về hô hấp do vi khuẩn, virus như viêm đường hô hấp cấp; tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể; giảm ho, giảm đờm, giảm đau rát họng, hỗ trợ lấy lại vị giác".

 Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên K6F2 Kmuravir®.

Đặc biệt, nội dung ghi công dụng sản phẩm như thuốc chữa bệnh, vi phạm khoản 15 Điều 6 của Luật Dược. Theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn một số điều về Luật An toàn thực phẩm thì thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đăng ký bản công bố sản phẩm với Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) trước khi lưu thông trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, sản phẩm này lại thực hiện tự công bố sản phẩm là sai quy định.

Mặt khác, trên hộp sản phẩm có đóng dấu dòng chữ "NOT FOR SALE" – có nghĩa "Không được bán" nhưng lại bán cho người tiêu dùng. Như vậy, việc không đăng ký, việc ghi nhãn, ghi công dụng, bán sản phẩm như trên là vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.

Thậm chí, để bán được sản phẩm, nhiều cá nhân, đại lý đã đăng tải rất nhiều tin nhắn giới thiệu là phản hồi của khách hàng (chưa được kiểm chứng) để nói về công dụng của sản phẩm này như thuốc, điều trị những bệnh nhân dương tính COVID-19 trở về âm tính trong thời gian ngắn.

Quả thực, với những lời quảng cáo, những dòng tin nhắn nêu trên ngọt như “mật rót vào tai”, thì số đông người tiêu dùng muốn thoát cũng khó, do đó, đã sẵn sàng chi tiền mua các sản phẩm trên về để phòng và điều trị COVID-19 đúng như “có bệnh thì vái tứ phương”.

Cần có biện pháp xử lý nghiêm

Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn gửi tới các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tại địa phương (Công an, Quản lý thị trường, Thông tin và Truyền thông…) để tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm quảng cáo và công bố công khai để người dân biết.

Cục An toàn thực phẩm khẳng định: Không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được hay kháng COVID-19; Không có bất kỳ thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”; Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần liên hệ ngay với cơ quan Y tế để được hướng dẫn khám, điều trị kịp thời.

Hiện tại, việc điều trị COVID-19 tại Việt Nam đã có hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Việc áp dụng các phác đồ điều trị bệnh nói chung, và COVID-19 nói riêng cần có sự tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia y tế. Việc người dân tự tìm hiểu các thông tin, kiến thức liên quan đến dịch bệnh là đáng khuyến khích, tuy nhiên không nên tùy tiện áp dụng. Đặc biệt không nên thu gom, tích trữ thuốc tại nhà dẫn đến thiếu hụt thuốc tại các cơ sở y tế để điều trị cho các bệnh khác. 

PVĐT

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang