Bức tranh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và kỳ vọng từ người đứng đầu Chính phủ

author 14:14 01/02/2022

(VietQ.vn) - Vượt qua những khó khăn từ dịch COVID-19, năm qua, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần vào việc ổn định đời sống xã hội trong điều kiện “bình thường mới.

Nhiều điểm sáng từ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Trong bối cảnh của cách mạng 4.0, nền kinh tế chia sẻ và đại dịch COVID-19 hiện nay, việc xây dựng và phát triển một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở đang là nhu cầu cần thiết chứ không còn chỉ là một sự lựa chọn.

Như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng thì đại dịch COVID-19 cũng chính là một áp lực cho sự đổi mới, sáng tạo, là cơ hội cho ứng dụng khoa học công nghệ (KH&CN) và đổi mới sáng tạo. Giữa đại dịch, nhu cầu cấp thiết về đổi mới sáng tạo, liên kết hợp tác và ứng dụng KH&CN không chỉ là phương thức, công cụ phát triển mới mà trên hết là một cách tiếp cận mới, tư duy mới, triết lý mới cho sự phát triển.

Và trong năm 2021, mặc dù bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy trước đó. Hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, cao nhất từ trước tới nay.

Trong hệ sinh thái, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng tham gia tích cực vào hoạt động này. Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt:

Bộ Khoa học và Công nghệ tin tưởng rằng, quy mô và
hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng
tạo quốc gia của Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng và
nâng cao; thu hút ngày càng nhiều các nguồn lực trong
và ngoài nước; đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho
các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 

Bày tỏ sự phấn khởi về những bước tiến mạnh mẽ của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, một trong những điểm nổi bật của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam là đã từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước. Bộ trưởng cho rằng, đây là thời điểm để tăng tốc, đẩy mạnh liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển. Hệ sinh thái không chỉ là môi trường, mà phải trở thành bệ đỡ cho sự phát triển của các thành phần, là nơi kết nối nguồn cung và nguồn cầu về đổi mới sáng tạo.

Trăn trở của người đứng đầu Chính phủ

Không chỉ có lãnh đạo các Bộ, ngành hay các doanh nghiệp đánh giá cao kết quả mà cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã bày tỏ ấn tượng và ghi nhận sự cố gắng, vươn lên của các chủ thể đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

Thủ tướng thăm gian triển lãm về đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ của một số doanh nghiệp. Ảnh VGP 

Mặc dù vui mừng với những kết quả đã đạt được nhưng Thủ tướng cũng bày tỏ trăn trở khi kết quả kể trên vẫn còn khiêm tốn, chưa được như mong muốn bởi Việt Nam cần một phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, sâu rộng hơn nữa.

 
Đổi mới sáng tạo phải phục vụ dân giàu, nước
mạnh, mọi người dân được ấm no, hạnh phúc, đất
nước được yên bình, góp phần hòa bình, ổn định,
hợp tác và phát triển trên thế giới.
                                 (Thủ tướng Phạm Minh Chính)
 

Thủ tướng nêu rõ, những kết quả đạt được là nhờ bám sát đường lối, chủ trương của Đảng được cụ thể hóa bằng chính sách, pháp luật của Nhà nước; sự nỗ lực, cố gắng, phấn đấu vươn lên của các chủ thể đổi mới sáng tạo; sự phối hợp, liên kết trong nước và ngoài nước.

Vấn đề thứ hai được Thủ tướng chia sẻ là vai trò quan trọng của đổi mới sáng tạo trong quá trình vận động và phát triển. Thủ tướng nêu rõ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan của sự phát triển với bất cứ quốc gia nào, bất cứ lĩnh vực nào, bất cứ giai đoạn nào, bất cứ con người nào, không có đổi mới sáng tạo thì không phát triển được.

Về các mục tiêu cơ bản của đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo phải phục vụ hiệu quả các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra; góp phần làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc, không để ai bị bỏ lại phía sau; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cuộc sống bình yên của nhân dân; góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.

Về quan điểm, cách tiếp cận để đổi mới sáng tạo có hiệu ứng lan tỏa, nhân lên giá trị, mang lại hiệu quả thiết thực, Thủ tướng cho rằng, đổi mới sáng tạo là sự nghiệp của toàn dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân. Đổi mới sáng tạo phải triển khai đồng bộ, tổng thể, liên thông, toàn diện, bao trùm ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; đổi mới sáng tạo phải trở thành phong trào, truyền cảm hứng, thu hút sự tham gia của tất cả mọi người, không phân biệt độ tuổi, vùng miền, giới tính... Đổi mới sáng tạo phải có sự kết nối giữa các cá nhân với tập thể, với cả nước và toàn cầu, hài hòa giữa lợi ích cá nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích chung của nhân loại.

Trong bối cảnh nguồn lực và thời gian có hạn, Thủ tướng cho rằng, việc triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới cần có trọng tâm, trọng điểm. Đổi mới sáng tạo phải đi thẳng vào, góp phần giải quyết các vấn đề đang nổi lên như biến đổi khí hậu (trong bối cảnh thiên tai đang diễn ra cực đoan, phức tạp, gay gắt, không theo quy luật); cạn kiệt tài nguyên (trong khi trí tuệ và sức sáng tạo của con người là vô hạn); già hóa dân số (để giải quyết hài hòa các vấn đề trước mắt và lâu dài, đáp ứng các nhu cầu của hiện tại nhưng không ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai); phát triển xanh, năng lượng sạch; chuyển đổi số…

Phải có mong muốn, khát vọng đổi mới sáng tạo

Không chỉ chia sẻ về những trăn trở đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, Thủ tướng còn nhấn mạnh tới những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này trong tương lai. Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo phải dựa trên nền tảng dữ liệu tốt thì mới sát thực tế, đi thẳng vào những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.

Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, cần tập trung vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để phát huy tối đa nguồn lực con người Việt Nam. Con người phải có mong muốn, khát vọng đổi mới sáng tạo và có tố chất, nền tảng để đổi mới sáng tạo.

Cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để phát hiện kịp thời các vấn đề thực tiễn đặt ra, không ngừng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, “giải quyết bài toán để mọi người tham gia vào đổi mới sáng tạo”.

Các giải pháp quan trọng khác là hình thành thị trường khoa học, thị trường đổi mới sáng tạo để kết nối cung cầu, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh; đầu tư thích đáng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế để tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở cùng có lợi… Bày tỏ cảm ơn những góp ý về cơ chế, chính sách, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ lắng nghe, tiếp thu, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu cao nhất là đất nước hùng cường, thịnh vượng, mọi người dân được ấm no, hạnh phúc, không ai bị bỏ lại phía sau và đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế.

Hán Hiển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang