Buôn lậu qua loại hình vận chuyển độc lập gia tăng, cần siết chặt quản lý
Tăng cường kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu xăng dầu, than
Bộ Y tế cảnh báo tình trạng buôn lậu thuốc điều trị Covid-19
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại đầu năm 2022 phức tạp, tinh vi
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trước hành vi lợi dụng loại hình vận chuyển độc lập để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa có văn bản cảnh báo gửi các cục hải quan địa phương.
Theo nhận định của lực lượng Hải quan, năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
Đặc biệt, tình hình lợi dụng loại hình vận chuyển độc lập (chủ yếu là quá cảnh) trong năm 2021 và những năm trước đây trên trên địa bàn các tỉnh miền Trung luôn diễn biến phức tạp. Các thủ đoạn vi phạm chủ yếu như doanh nghiệp làm thủ tục quả cảnh thường khai sai tên hàng hoặc khai tên hàng không đầy đủ, vận chuyển lô hàng qua nhiều cảng biển của nhiều quốc gia trước khi vận chuyển nhập khẩu về Việt Nam nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Ngoài ra, đối tượng chủ mưu đứng sau chỉ đạo điều hành (thuê, mượn) người khác đứng tên thành lập doanh nghiệp, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký (công ty “ma”) để làm thủ tục nhập quá cảnh các mặt hàng bách hóa, tiêu dùng là hàng cấm, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng có thuế suất cao từ châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... vào cảng Đà Nẵng làm thủ tục quá cảnh đi Lào, sau đó lợi dụng lực lượng kiểm soát mỏng, tuyến đường vận chuyển quá cảnh dài để trên đường vận chuyển đến các cửa khẩu xuất thì tổ chức rút ruột, đánh tráo hàng nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Thực hiện quy trình thủ tục quá cảnh hàng hóa đúng quy định, nhưng sau khi hàng thực xuất sang các cửa khẩu đường bộ như Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị) sẽ tập kết bên kia biên giới và lợi dụng đường mòn, lối mở qua lại biên giới đề tuồn hàng lậu vào Việt Nam tiêu thụ trái phép.
Xác định nguy cơ cao về hoạt động buôn lậu từ việc lợi dụng loại hình này, trong năm 2021, Đội 2 thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Tổng cục Hải quan và Cục Điều tra chống buôn lậu về tăng cường kiểm soát đối với hoạt động lợi dụng loại hình quá cảnh, trung chuyển, tạm nhập tái xuất, xuất kho ngoại quan để buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường thu thập thông tin, phân tích đánh giá rủi ro xác định các lỗ hàng trọng điểm để tập trung kiểm soát và phối hợp kiểm tra, khám xét, xử lý theo quy định. Qua đây cũng đạt được một số kết quả nhất định.
Cụ thể, vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Cục Điều tra chống buôn lậu đã khởi tố vụ án hình sự đối với 2 vụ việc vi phạm liên quan đến loại hình vận chuyển độc lập. Trong đó, 1 vụ khởi tố về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, 1 vụ khởi tố về tội buôn lậu.
Qua công tác xác minh các vụ việc trên, Cục Điều tra chống buôn lậu nhận thấy, các đối tượng đã lợi dụng loại hình vận chuyển độc lập để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và buôn lậu.
Cụ thể, đối với vụ khởi tố về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong quá trình vận chuyển đến cửa khẩu xuất, các đối tượng đã phá niêm phong hải quan, bốc dỡ hàng hóa để vận chuyển trái phép hàng hóa bằng đường mòn, lối mở qua biên giới.
Đối với vụ khởi tố về tội buôn lậu, các đối tượng đã có hành vi mua bán trái phép hàng hóa (có nguồn gốc nhập kho ngoại quan) đang chịu sự giám sát của hải quan tại địa điểm tập kết của cửa khẩu xuất, sau đó khai báo thay đổi cửa khẩu xuất, trên đường vận chuyển thì phá niêm phong hải quan, tiêu thụ hàng hóa vào nội địa.
An Dương