Buôn lậu thuốc lá ngày càng liều lĩnh, manh động gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng

author 06:41 12/03/2025

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, vài năm trở lại đây tình hình buôn lậu thuốc lá ở Việt Nam vẫn diễn ra khá phức tạp, gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Tại hội thảo "Dập tắt thuốc lá lậu" được tổ chức tại tỉnh Buriram (Thái Lan) mới đây, ông Rodney Van Dooren, Trưởng Bộ phận Phòng chống buôn lậu Tập đoàn Philip Morris International (PMI) cho biết, thuốc lá lậu chiếm khoảng 15% tổng lượng tiêu thụ thuốc lá tại ASEAN. Trong đó 4 quốc gia gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam đã chiếm khoảng 95% sản lượng sản phẩm lậu được tiêu thụ vào năm 2017". Và theo dữ liệu gần đây nhất, mức tổn thất thuế trên khắp các nước ASEAN đã tăng lên khoảng 3,7 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam thất thu thuế khoảng hơn 200 triệu USD, Indonesia thất thu thuế khoảng 1 tỷ USD, Thái Lan thất thu gần 200 triệu USD...

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, riêng giai đoạn 2019-2023, hơn 59.600 vụ thuốc lá lậu bị bắt giữ, 37,5 triệu bao thuốc lá lậu bị tịch thu và 22,1 triệu bao bị tiêu hủy. Theo đó, Nhà nước đã bị thất thu thuế khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng/năm. Trong 10 tháng năm 2024, lực lượng chức năng của cả nước bắt giữ 7.523 vụ, tịch thu 3,1 triệu bao thuốc lá nhập lậu, tiêu hủy 1,4 triệu bao thuốc lá giả.

Đề cập tới vấn đề này, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường nay là Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận đường biên giới phức tạp, phương thức vận chuyển của các đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi. Đối tượng vi phạm ngày càng liều lĩnh, manh động. Bên cạnh đó, nhận thức và tác động của nguồn thu bất hợp pháp... khiến công tác quản lý mặt hàng thuốc lá nhập lậu vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nhập lậu thuốc lá gia tăng cần có phương án ngăn chặn động bộ và nghiêm khắc hơn. Ảnh: Quỳnh Hoa

Thượng tá Lê Thiện Thành, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn điều tra (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) đánh giá, buôn lậu, nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ vào Việt Nam vẫn là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội. Điều này gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp, gây thất thu ngân sách Nhà nước.

Thượng tá Lê Thiện Thành kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 98/2020/NĐ-CP để ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu. Đặc biệt, củng cố cơ sở pháp lý trong công tác phòng, chống buôn lậu, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hợp pháp tồn tại.

Còn theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cần xem xét thấu đáo quan hệ giữa việc tăng thuế "sốc" với việc tăng "sốc" thuốc lá nhập lậu, đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong vấn đề này. Thực tiễn các quốc gia đã chứng minh, khi mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng sẽ làm gia tăng hàng nhập lậu đối với hầu hết các loại hàng hóa. Tùy vào điều kiện cụ thể của mỗi nước mà mức gia tăng hàng nhập lậu có sự khác nhau.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thuốc lá nhập lậu ở Việt Nam là vấn đề nhức nhối trong nhiều thập kỷ qua, xuất phát từ đặc thù phức tạp về cư trú và địa hình với đường biên giới dài, nhiều sản phẩm thuốc lá lậu rất dễ mua và được người tiêu dùng quen sử dụng. Do vậy cần có lộ trình, chính sách thuế hợp lý, phù hợp thực tiễn, trong đó chủ động thực hiện hài hòa các mục tiêu của Chính phủ đặt ra cũng như hạn chế người dùng và hạn chế được nguy cơ thẩm lậu gây thiệt hại ngân sách Nhà nước do chênh lệch về giá quá cao.

Liên quan tới nguyên nhân khiến tình trạng nhập lậu thuốc lá tại các nước ASEAN gia tăng, bà Liyana Othman, Giám đốc Vận động chiến dịch cấp cao, Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN, cho rằng do sự chênh lệch lớn về giá thành và thuế suất giữa các nước ASEAN chính là "miếng mồi" thu hút tội phạm buôn lậu thuốc lá. Chẳng hạn, thuế của các sản phẩm thuốc lá ở các nước như Singapore, Malaysia và Thái Lan nằm ở mức cao, kích thích nhu cầu mua thuốc lá lậu với mức giá rẻ hơn.

Bên cạnh đó một trong những động lực thúc đẩy hoạt động buôn lậu thuốc lá do an ninh biên giới của các quốc gia khu vực ASEAN còn yếu. Ngoài ra, còn do nạn tham nhũng, lạm dụng các khu thương mại tự do và các loại thuốc lá "trắng" (thuốc lá được sản xuất hợp pháp theo quy định trong nước nhưng nhằm mục đích buôn lậu trái phép qua các quốc gia khác).

Theo bà Liyana Othman, điều quan trọng nhất để giảm tình trạng buôn lậu thuốc lá là cần tăng cường hợp tác xuyên biên giới. Các quốc gia cần tích cực đàm phán và cải thiện mối quan hệ hợp tác xuyên biên giới nhằm chống lại các vấn đề như buôn lậu. Bên cạnh đó, các chính phủ trong khu vực ASEAN cần phải đảm bảo áp dụng một chính sách thuế hài hòa, cân nhắc trong việc đưa ra quyết định. Việc tăng thuế quá cao cùng các quy định khắt khe có thể tiếp tay thúc đẩy hoạt động buôn lậu thuốc lá trái phép khi các sản phẩm hợp pháp có giá quá cao.

Ngoài ra, cần tăng tính răn đe trong xử lý tội phạm, chuẩn hóa các khung hình phạt tối thiểu ở mức hình sự bao gồm cả phạt tù. Hành vi buôn lậu trái phép hiện chưa đủ tính răn đe. Đồng thời, cần áp dụng công nghệ thông tin, cải thiện khả năng theo dõi và giám sát chuỗi cung ứng và để ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá lậu xâm nhập vào thị trường. Và yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử cũng như các trang mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trong bối cảnh kinh doanh thuốc lá lậu trên không gian mạng ngày càng tăng.

Đề cao tính hợp tác song phương hoặc đa phương. Hiện đã có nhiều nền tảng hợp tác liên quốc gia đối với vấn đề này, nhưng cần có nền tảng mang tính ASEAN như các cơ quan hải quan, nhóm làm việc, ủy ban hải quan liên quốc gia... Bên cạnh đó chìa khóa giải quyết nạn buôn lậu thuốc lá nằm ở việc thực thi pháp luật. Chẳng hạn, tỷ lệ thuốc lá lậu của Singapore rất thấp (chỉ 3%) là do luật của Singapore quy định mức phạt rất cao đối với hành vi vi phạm và việc thực thi pháp luật rất chặt chẽ.

Tuân thủ các quy định của thị trường nhập khẩu, hài hòa hóa các quy định của quốc gia trung chuyển, tận dụng các hiệp định thương mại quốc tế và mở rộng hợp tác vượt trên phạm vi của các cơ quan hải quan...

Theo ông, ASEAN nên áp dụng các quy định hài hòa, cân bằng, thông qua việc yêu cầu các nhà sản xuất và xuất khẩu tuân thủ luật pháp của quốc gia nhập khẩu, đồng thời điều chỉnh các luật lệ, quy định liên quan theo hướng có thể thực thi chặt chẽ. Đồng thời kiểm tra các lô hàng thuốc lá nghi ngờ khi quá cảnh; yêu cầu lập danh sách cho phép tất cả nhà sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu và các nhãn hiệu liên quan, như Cục Thuế Nội địa (BIR) của Philippines đang áp dụng và đã được chứng minh là một biện pháp có hiệu quả cao.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang