Cà Mau: Phấn đấu đưa KHCN, ĐMST đóng vai trò then chốt trong phát triển nhanh, bền vững

author 06:25 10/10/2023

(VietQ.vn) - UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Kế hoạch khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau đến năm 2025.

Theo đó, mục tiêu kế hoạch duy trì mức chi của Nhà nước cho khoa học và công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm, nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và tiên tiến, khai thác hiệu quả và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững tỉnh Cà Mau và hội nhập quốc tế.

Phát triển đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương chính sách phát triển của tỉnh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, đầu tư phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ của tỉnh đạt trình độ trung bình chung của cả nước. Phấn đấu đóng góp tỷ lệ của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt mức 50%. 100% tổ chức khoa học, công nghệ công lập được chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo lộ trình Chính phủ quy định; trong các tổ chức này có ít nhất 20% số cán bộ có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

 Ảnh minh họa.

Chuyển giao và làm chủ tối thiểu 15 công nghệ để ứng dụng vào sản xuất và đời sống; 100% dự án đầu tư mới vào địa bàn tỉnh thuộc danh mục thẩm định công nghệ phải được thẩm định theo quy định. Hỗ trợ để hình thành và phát triển từ 06 doanh nghiệp khoa học, công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở lên. Hỗ trợ từ 10 dự án trở lên về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện Chương trình khoa học, công nghệ cấp tỉnh từ 30 nhiệm vụ trở lên. Đồng thời, thực hiện ít nhất 35 nhiệm vụ thuộc 03 Chương trình khoa học công nghệ gồm: Ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP; ứng dụng nhân rộng kết quả nghiên cứu thử nghiệm vào sản xuất và đời sống; xây dựng bảo hộ và quản lý phát triển cho các sản phẩm đặc thù và đặc sản ở địa phương. Bảo hộ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước từ 15 đối tượng trở lên đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù và sản phẩm làng nghề mang địa danh của địa phương.

Triển khai xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với ứng dụng công nghệ Blockchain cho ít nhất 50 sản phẩm; trong đó, có từ 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ thể OCOP trở lên tham gia truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Hỗ trợ chuyển đổi số cho ít nhất 05 doanh nghiệp, cơ quan quản lý để thiết lập, tối ưu hóa, hiện đại hóa hệ thống quản lý và quản trị doanh nghiệp. Tối thiểu 30% doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Xây dựng, ban hành ít nhất 03 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật địa phương.

Hỗ trợ ít nhất 30 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia/tiêu chuẩn quốc tế, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn cơ sở tập trung vào các sản phẩm, hàng hóa chủ lực; xây dựng, áp dụng và chứng nhận từ 01 đến 03 hệ thống quản lý chất lượng hoặc công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến cho 20 - 25 lượt doanh nghiệp, chủ thể OCOP tham gia. Hỗ trợ ít nhất 20 lượt doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang