Các địa phương cần nhanh chóng tiến hành kiểm kê khí nhà kính kể từ năm 2024

author 15:59 16/04/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay, công tác kiểm kê khí nhà kính hướng đến thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng mà Việt Nam đã cam kết được các bộ, ngành quan tâm triển khai nghiêm túc.

Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON

Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, từ năm 2024, cơ sở có mức phát thải khí nhà kính 3.000 tấn CO2/năm tương đương trở lên; nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp, tòa nhà thương mại có tổng lượng tiêu thụ năng lượng 1.000 tấn dầu tương đương (TOE)/năm trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hoá có tổng tiêu thụ nhiên liệu 1.000 TOE/năm và cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động 65.000 tấn/năm trở lên phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Thực hiện chủ trương này, một số tỉnh, thành đang gấp rút triển khai.

Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg cũng quy định 6 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm: Công Thương (công nghiệp sản xuất năng lượng, tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng, khai thác than, khai thác dầu và khí tự nhiên); Giao thông vận tải (tiêu thụ năng lượng trong vận hành, sử dụng các phương tiện giao thông vận tải); Xây dựng (tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng, các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng); Quá trình công nghiệp (sản xuất hóa chất, luyện kim, công nghiệp điện tử, sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác); Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và sử dụng đất (chăn nuôi, lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất, trồng trọt, tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp); Chất thải (gồm bãi chôn lấp rác thải rắn, xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải, xử lý và xả nước thải).

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong thời gian qua, các hoạt động kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg đã được triển khai và đạt được một số kết quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Thỏa thuận Paris yêu cầu chi tiết hóa số liệu kiểm kê các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp; các quốc gia dần kiểm soát ít nhất 85% tổng phát thải quốc gia từ các nguồn, cơ sở phát thải khí nhà kính trên phạm vi toàn quốc và thuộc các lĩnh vực nêu trên. Quyết định 01/2022/QĐ-TTg được ban hành đã góp phần kiểm soát 23% tổng phát thải khí nhà kính quốc gia.

Việc xác định danh mục các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cung cấp căn cứ cho các bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp để rà soát và cải thiện hệ thống cơ sở dữ liệu hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu kiểm kê khí nhà kính theo lĩnh vực, nguồn phát thải. Các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là một số doanh nghiệp đã và đang xây dựng cơ chế cung cấp số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính.

Ảnh minh họa

Các địa phương đã hoàn thiện tổ chức quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng cường sự kết nối giữa cơ quan quản lý trung ương, địa phương, cơ sở trong thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính. Cơ sở thuộc danh mục cơ sơ phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và một số doanh nghiệp lớn trong nước, doanh nghiệp nước ngoài đã tăng cường nhận thức, tích cực triển khai các hoạt động kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính. Các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tăng cường năng lực được phổ biến rộng rãi đến các cán bộ phụ trách công tác quản lý nhà nước về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, doanh nghiệp và người dân.

Việc thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính được xem là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp tự xác định số liệu phát thải của mình, từ đó làm cơ sở để nhà quản trị hoạch định chiến lược giảm phát thải bền vững. Hiện nay, công tác kiểm kê khí nhà kính hướng đến thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng mà Việt Nam đã cam kết được các bộ, ngành quan tâm triển khai nghiêm túc.

Ngành Xây dựng đến năm 2030 phải giảm 74,3 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 13% so với tổng lượng giảm phát thải, đối với quá trình công nghiệp và sử dụng năng lượng trong sản xuất vật liệu xây dựng, tòa nhà. Theo Bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định 2022 (NDC) thì lượng đóng góp giảm phát thải khí nhà kính của ngành Xây dựng sẽ tăng cao hơn. Theo số liệu thống kê mới đây, trong năm 2022, chỉ riêng sản xuất vật liệu xây dựng phát thải 101,89 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó phát thải lớn nhất là sản xuất xi măng với tỷ trọng chiếm gần 90%.

Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030 của Bộ Xây dựng đã đưa ra các nhiệm vụ ưu tiên về kiểm kê khí nhà kính. Bộ cũng đã xây dựng dự thảo hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối sản xuất vật liệu xây dựng, dự kiến sắp ban hành. Đồng thời, Bộ cũng đang nghiên cứu xây dựng Kế hoạch thực hiện giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực quản lý của ngành Xây dựng, dự kiến ban hành trong năm 2024. Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng đã nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình sản xuất để xanh hóa ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng, ngành công nghiệp xây dựng nói chung, là giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính toàn ngành.

Còn Bộ Công Thương cũng đang tích cực hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương, cũng như triển khai các hoạt động kiểm kê, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về khí nhà kính của ngành và cơ sở.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư quy định chi tiết kiểm kê khí nhà kính và đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính lĩnh vực chất thải.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methanol của ngành Giao thông vận tải; xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện cho cấp quốc gia và thành phố; thực hiện nâng cao năng lực quản lý và giảm phát thải khí nhà kính...

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang