Các FTA thế hệ mới bổ trợ nhau về thị trường xuất khẩu hàng hóa

author 06:57 03/01/2021

(VietQ.vn) - Theo nhận định từ các chuyên gia, cùng với các Hiệp định CPTPP và EVFTA, Hiệp định RCEP là một FTA lớn của Việt Nam và các hiệp định này bổ trợ lẫn nhau…

Ngày 15/11/2020, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước thành viên, sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết, mở ra thêm cho doanh nghiệp và người dân những cơ hội và cả thách thức mới. Đồng thời cũng đánh dấu một bước tiến mới của nền kinh tế chúng ta hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới. Thời gian để RCEP chính thức có hiệu lực không còn dài (60 ngày kể từ ngày được thông qua), chúng ta cần hết sức khẩn trương, chủ động để nắm bắt những thuận lợi mà hiệp định mang lại, đồng thời khắc phục những "lỗ hổng", yếu kém.

Các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP và RCEP... bổ trợ nhau về thị trường xuất khẩu hàng hóa. Ảnh minh họa.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, cũng như với các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, để khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định RCEP mang lại, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình.

“Có hai mảng chính chúng ta cần quan tâm: Một là, về mặt xuất khẩu hàng hóa đi, chúng ta cần quan tâm đến lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và các nước tham gia Hiệp định, quy tắc xuất xứ của Hiệp định, các quy định về vệ sinh kiểm dịch, rào cản kỹ thuật.

Hai là, chúng ta cần xem việc cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại. Để khai thác hiệu quả Hiệp định này, chúng ta không chỉ quan tâm riêng cam kết của Việt Nam mà còn phải xem chúng ta cam kết gì với 14 đối tác còn lại”, ông Minh Anh nói.

Việc ký kết hiệp định lớn có hai mặt. Một mặt là hàng hóa của chúng ta có khả năng xuất khẩu sang nước khác, dịch vụ vươn ra được thị trường thế giới, nhưng thị trường Việt Nam cũng sẽ phải đón nhận hàng hóa từ nước ngoài, nên chúng ta phải có mức độ mở cửa thị trường tương đối. 

Do đó, doanh nghiệp phải có hai chiến lược. Về ngắn hạn, các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho mình chiến lược phòng thủ. Theo đó, doanh nghiệp cần củng cố thị trường trong nước, nâng cao chất lượng mặt hàng, nhận diện thương hiệu của mình chuẩn xác. Với chiến lược tấn công, doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch mở cửa thị trường, thậm chí thị trường quen với mặt hàng có lợi thế. Đồng thời, doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị trước về các tác động bất lợi mà Hiệp định RCEP gây ra, nhất là việc gia tăng cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương cũng cho biết, cùng với các Hiệp định CPTPP và EVFTA, Hiệp định RCEP là một FTA lớn của Việt Nam và bổ trợ quan trọng cho các hiệp định trên. Đơn cử, về quy mô thị trường, với dân số trong khu vực lên tới hơn 2,2 tỷ người, RCEP có phần nhỉnh hơn so với các Hiệp định CPTPP và EVFTA. Đây sẽ là sự bổ sung đáng kể về mặt thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, bên cạnh các thị trường được mở ra từ việc ký kết các Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Ngoài ra, việc tham gia thêm Hiệp định RCEP giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm nguồn nguyên liệu đa dạng hơn để khai thác, tối ưu hóa sản xuất của mình, tăng thêm cơ hội tham gia sâu các chuỗi cung ứng mới. Điều quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt cơ hội, xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn để khai thác triệt để lợi ích từ tất cả các FTA mà Việt Nam đã tham gia.    

Hiệp định UKVFTA chính thức có hiệu lực từ 23 giờ ngày 31/12/2020(VietQ.vn) - Vào 21h tối ngày 29/12/2020 theo giờ Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (Hiệp định UKVFTA) đã được đại diện ủy quyền (đại sứ) của Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh chính thức ký kết tại Luân Đôn, Vương quốc Anh.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang