Các nhà khoa học cảnh báo không có hóa chất nào dùng trong nhựa được phân loại là an toàn

author 11:33 04/12/2023

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học Thụy Điển cho biết, vô số nghiên cứu chứng tỏ các hóa chất độc hại có thể tích tụ ngay cả trong các hệ thống tái chế nhựa. Do đó có thể khẳng định không có hóa chất nào dùng trong nhựa được phân loại là an toàn.

Tìm thấy nhiều độc chất trong nhựa tái chế

Khi các nhà khoa học kiểm tra các hạt nhựa tái chế thu thập ở nhiều quốc gia, họ tìm thấy rất nhiều độc chất, bao gồm cả thuốc và dược phẩm. Bởi vì các nhà khoa học xét thấy nhựa tái chế không phù hợp cho phần lớn các mục đích và là trở ngại trong những nỗ lực tạo ra nền kinh tế tuần hoàn. 

“Tái chế nhựa đã quảng cáo như một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa nhưng các độc chất trong nhựa làm phức tạp quá trình tái sử dụng nhựa, thải loại và cản trở việc tái chế”, giáo sư Bethanie Carney Almroth, trường đại học Gothenburg (Thụy Điển).

Trong nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Data in Brief, do Carney Almroth dẫn dắt cho biết, tổng số, 491 hợp chất hữu cơ đã được tìm ra và định lượng trong những các hạt nhựa, được bổ sung 170 hợp chất. Các hợp chất này thuộc về vô số loại khác nhau, bao gồm thuốc trừ sâu, dược phẩm, hóa chất công nghiệp, phụ gia nhựa.

Trong một bài báo dạng letters, phản hồi từ bài báo này và được xuất bản trên tạp chí Science 1, các nhà khoa học từ trường đại học Gothenburg, IPEN, trường đại học Aarhus, và trường đại học Exeter lưu ý “Các hóa chất độc hại đã cho thấy những nguy cơ rủi ro cho công nhân tái chế nhựa và cả người tiêu dùng, cũng như xã hội và môi trường rộng lớn hơn. Trước khi việc tái chế có thể gia cố thêm vào cuộc khủng hoảng về ô nhiễm nhựa, ngành công nghiệp nhựa phải giới hạn các hóa chất độc hại”.

Nhựa tái chế vẫn tiềm ẩn nhiều độc chất gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Hơn 13.000 hóa chất được sử dụng trong quá trình chế tạo nhựa, trong đó 25% được xếp vào loại độc hại. Các nhà khoa học tuyên bố là “không có hóa chất nào dùng trong nhựa có thể được phân loại là an toàn”.

Giáo sư Bethanie Carney Almroth đem đến một thông điệp rõ ràng cho cuộc họp ở Nairobi, “vô số nghiên cứu chứng tỏ các hóa chất độc hại có thể tích tụ ngay cả trong các hệ thống tái chế nhựa điều khiển vòng kín có liên quan. Chúng ta cần loại bỏ các hóa chất trong nhựa có thể là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe con người và môi trường”.

Hiểm hoạ khôn lường từ nhựa tái chế

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, nhựa tái chế là sản phẩm của quá trình sản xuất nhựa từ nguồn nguyên liệu rác thải nhựa thu gom. Sau khi thu gom về, các rác thải nhựa sẽ trải qua quá trình phân loại, rửa sạch, nung chảy và ép khuôn để tạo ra các sản phẩm nhựa mới. Quá trình này giúp giảm lượng lớn rác không phân huỷ do con người tạo ra, bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, không phải loại nhựa nào cũng có thể tái chế, một số loại nhựa đòi hỏi quy trình tái chế phức tạp và tốn kém nhiều chi phí.

Mỗi loại nhựa tái chế sẽ có những đặc điểm và tính ứng dụng khác nhau. Các loại nhựa tái chế có tính an toàn và được sản xuất phổ biến hiện nay là PET, HDPE và PP. PVC, LDPE, PS và PC là những loại nhựa có nguy cơ thôi nhiễm hóa chất lớn, gây độc hại cho sức khỏe con người khi sử dụng nên ít được sản xuất tái chế, nếu có thường ứng dụng trong các ngành công nghiệp, không ứng dụng để sản xuất đồ gia dụng.

Đặc biệt, cần lưu ý với các sản phẩm thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dùng như bao bì, hộp đựng ưu tiên sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa PP và HDPE tái chế, sản phẩm làm nhựa PET tái chế an toàn nhất khi sử dụng một lần. Ngoài ra việc hạn chế để các sản phẩm nhựa tái chế tiếp xúc với nhiệt sẽ đảm bảo tính an toàn sử dụng cao hơn.

Trên toàn cầu, cứ mỗi giây lại có khoảng 160.000 túi nhựa được làm ra, với mỗi phút lại có gần một triệu chai nhựa được bán và lượng chất thải nhựa tương đương sức chứa của hai xe tải được đổ vào đại dương… Riêng ở Việt Nam, mỗi năm có từ 2,8-3,1 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra.

Theo các nhà nghiên cứu, túi nilon, ống hút, cốc nhựa dùng một lần, hộp xốp, nước đóng chai nhựa… chủ yếu được tái chế từ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, một số hóa chất có trong các sản phẩm nhựa này như chất hóa dẻo, phẩm màu, chì, cadimi… sẽ thôi nhiễm vào thức ăn, sau đó hấp thụ vào cơ thể người qua quá trình sử dụng. Các hóa chất này tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ ở trẻ, làm thay đổi mô, biến đổi nhiễm sắc thể, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ luỵ khác cho sức khỏe con người.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, người tiêu dùng rất khó phân biệt giữa túi nilon, đồ dùng được làm từ nhựa nguyên khai và túi nilon, đồ dùng được làm từ nhựa tái chế. Chính vì vậy, Nhà nước cần có quy định cụ thể về việc những hạt nhựa tái chế được dùng vào việc gì. Chẳng hạn, có thể dùng để sản xuất ghế ngồi, thùng đựng rác, sọt vận chuyển hàng hóa, các đồ dùng không tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Ông Nguyễn Duy Thịnh đề xuất, có thể tính đến phương án tăng thuế cho sản phẩm túi nilon, hộp nhựa dùng một lần. Giá cao thì người dùng sẽ phải tính toán hơn.

“Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là biện pháp quản lý từ khâu định hướng sản xuất để đảm bảo hài hòa nhu cầu của các bên. Các cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng cho người dân để họ vừa đảm bảo sinh kế, vừa giúp ích cho xã hội, bảo vệ môi trường, vừa làm được các mặt hàng tiêu dùng không gây hại cho cộng đồng. Cần quy định rõ không được sử dụng hạt nhựa tái chế bẩn để làm ra các loại đồ dùng đựng thực phẩm như túi nilon, cốc nhựa, bát nhựa, ống hút”, chuyên gia này nói.

ISO 17088:2021 nhựa – Tái chế hữu cơ – Thông số kỹ thuật cho nhựa có thể phân hủy

Tiêu chuẩn ISO 17088:2021 là tiêu chuẩn quốc tế về Nhựa – Tái chế hữu cơ – Thông số kỹ thuật cho nhựa có thể phân hủy. Tiêu chuẩn ra đời nhằm mục đích xác định chính xác nhựa có thể phân hủy và các sản phẩm có thể phân hủy được làm từ nhựa, có thể được phục hồi bằng cách tái chế hữu cơ sẽ không để lại bất kỳ dư lượng dai dẳng hoặc nguy hiểm nào.

Tiêu chuẩn ISO 17088:2021 quy định các quy trình và yêu cầu đối với nhựa và các sản phẩm làm từ nhựa phù hợp để thu hồi thông qua tái chế hữu cơ. Theo đó 4 khía cạnh sau đây sẽ được giải quyết: Sự phân hủy trong quá trình ủ phân; Phân hủy sinh học hiếu khí cuối cùng; Không có tác dụng phụ của phân hữu cơ đối với các sinh vật trên cạn; Kiểm soát các thành phần. Bốn khía cạnh này phù hợp để đánh giá tác động đối với quá trình ủ phân cong nghiệp.

Tiêu chuẩn này nhằm mục đích sử dụng làm cơ sở cho các hệ thống ghi nhãn và công bố đối với các vật liệu và sản phẩm nhựa có thể phân hủy được.

Tiêu chuẩn này không cung cấp thông tin về các yêu cầu đối với khả năng phân hủy sinh học của nhựa mà cuối cùng sẽ thải ra môi trường dưới dạng rác thải. Tiêu chuẩn này cũng không áp dụng cho xử lý sinh học do các hộ gia đình thực hiện trong các cơ sở lắp đặt nhỏ.

Lưu ý 1: Việc thu hồi nhựa có thể phân hủy được thông qua quá trình ủ phân có thể được thực hiện trong các điều kiện được tìm thấy trong các quy trình ủ phân công nghiệp được quản lý tốt, trong đó nhiệt độ, hàm lượng nước, điều kiện hiếu khí, tỷ lệ cacbon/nitơ và điều kiện xử lý được tối ưu hóa. Những điều kiện như vậy thường thu được trong các nhà máy ủ phân công nghiệp và đô thị. Trong những điều kiện này, nhựa có thể phân hủy được sẽ phân hủy và phân hủy sinh học với tốc độ tương đương với túi giấy kraft và thức ăn thừa.

Lưu ý 2: “Có thể ủ phân” hoặc “có thể ủ phân tại các cơ sở ủ phân công nghiệp và đô thị” là những cách diễn đạt được coi là tương đương với khả năng tái chế hữu cơ cho các mục đích của tiêu chuẩn này.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang