Các nhà khoa học nói về 'nghi án' PepsiCo lừa dối khách hàng?

author 18:51 23/01/2016

Trước khi Công ty PepsiCo Việt Nam đem ra quảng bá thì cơ quan chức năng căn cứ vào đâu mà cho rằng trà Ô long TEA+ Plus có chứa hoạt chất hóa học OTPP?

Không hề có hoạt chất nào tên là OTPP!

Khi tung ra sản phẩm “Trà Ô long TEA+ Plus”, Công ty PepsiCo Việt Nam đã cho rằng OTPP - thành phần tự nhiên chiết xuất từ trà Ô Long - có tác dụng giúp hạn chế hấp thu chất béo, đem lại cảm giác nhẹ nhàng.

Theo khẳng định của các nhà khoa học trong nghiên cứu sinh hóa phẩm thì trong trà không hề có chứa chất nào tên OTPP

Tuy nhiên, theo khẳng định của các nhà khoa học, trong nghiên cứu sinh hóa phẩm thì trong trà không hề có chứa chất nào tên OTPP. Việc công ty PepsiCo Việt Nam khuếch đại công dụng của trà Ô long TEA+ Plus là “qua mặt” cơ quan chức năng và lừa dối người tiêu dùng.

Sốc với “chất lạ”

Để làm rõ “nghi án” gian dối trong kinh doanh này, PV đã có buổi trò chuyện với PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội). Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh thì ông đã “sốc” trước kiểu quảng cáo lạ lùng của PepsiCo Việt Nam về sản phẩm trà Ô long TEA+ Plus.

“Các nhà khoa học nói chung và cá nhân tôi đã phát hoảng khi nghe quảng cáo sản phẩm trà Ô Long TEA+ Plus. Nhiều năm làm khoa học, nghiên cứu, tôi chưa bao giờ nghe một loại trà nào mà có chứa công thức hóa học mang hoạt chất OTPP.

Nếu như quảng cáo trà có chứa OTPP thì chỉ là bịa ra, vì trong thành phần hóa học không hề có chất này. Khi quảng cáo họ đặt tên kiểu “giật gân” như vậy thôi”, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định.

Theo lý giải của PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, cụm từ “OTPP” là kiểu ghép đơn giản từ những “thành phần” sau: O, tức là “Ô long”, tên của một loại trà được lên men bán phần từ trà xanh, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Còn chữ T là chữ đầu tiên của từ tiếng Anh- Tea. Hai từ PP còn lại viết tắt từ hoạt chất hóa học Polymerized Polyphenols. Tuy nhiên, trong bất kỳ loại trà nào thì cũng đều có chứa chất Polyphenols, đây là chất chống oxy hóa.

“Về nguyên tắc, bất cứ một chất nào khi đưa ra đều phải có tên, có công thức hóa học, và có thể định tính, định lượng hay nói cách khác chất đó tính chất hóa học là gì, tính chất vật lí như thế nào và phản ứng với các thành phần hóa học ra sao?

Tôi không hiểu trước khi Công ty PepsiCo Việt Nam đem ra quảng bá thì cơ quan chức năng đã căn cứ vào đâu mà cho rằng trà Ô long TEA+ Plus của công ty này có chứa hoạt chất hóa học OTPP? Để đảm bảo tính khoa học cũng như vì lợi ích người tiêu dùng, tôi hi vọng cơ quan báo chí đến gặp và lắng nghe thông tin chính thức từ cơ quan chức năng để họ lý giải việc này”, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Không biết Pepsico đăng kí hàm lượng OTPP là bao nhiêu hay chỉ đăng ký hàm lượng Polyphenol?

Sản phẩm của sự… tưởng tượng

Làm rõ nghi vấn hoạt chất OTPP không hề tồn tại, PV có buổi làm việc với Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế).

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS  Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã vô cùng bất ngờ trước chuyện “trà Ô long TEA+ Plus có chứa hoạt chất hóa học OTPP”.

Để có thông tin chính xác, PGS.TS  Lê Thị Hồng Hảo đã chỉ đạo cho cán bộ chuyên môn kiểm tra kỹ công thức hóa học xem có chất nào là “OTPP” như Công ty PepsiCo Việt Nam đã quảng cáo cho trà Ô long TEA+ Plus hay không? Và, ngay sau khi kiểm tra, những cán bộ chuyên môn này cũng đã khẳng định không hề tồn tại chất nào là OTPP có tác dụng cho sức khỏe con người.

Theo lãnh đạo Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, từ trước đến nay viện chưa hề xác nhận, thẩm định “hoạt chất OTPP” cho bất cứ sản phẩm nào của cácdoanh nghiệp bởi thành phần này không hề tồn tại. Trong “cái gọi là OTPP” có chăng chỉ chất Polyphenols, chất này không chỉ tồn tại duy nhất trong trà Ô long mà nó còn tồn tại ở nhiều loại trà khác như trà xanh, trà đen.

Cơ quan chức năng bị… qua mặt?

Theo PGS-TS Lê Thị Hồng Hảo, để Cty PepsiCo Việt Nam đăng tải thông tin quảng bá rộng rãi về “hoạt chất lạ” trong trà Ô long TEA+ Plus thì trách nhiệm thuộc về Cục vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Cục Quản lý thị trường, những cơ quan quản lý về chất lượng mặt hàng này.

Như vậy, có thể nói thời gian qua dư luận phản ứng gay gắt về nghi vấn Công ty PepsiCo Việt Nam lừa dối người tiêu dùng bằng việc khẳng định trong Trà Ô Long TEA+ Plus có chứa hoạt chất “OTPP” là hoàn toàn có cơ sở.

Qua sự việc này dư luận đang đặt ra câu hỏi, liệu có hay không sự tiếp tay của cơ quan chuyên trách đã cố tình hay vô ý “làm ngơ” cho doanh nghiệp vi phạm, vì lợi nhuận mà bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng?

Chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc thông tin liên quan đến nghi vấn lừa dối khách hàng này.

Theo An ninh tiền tệ


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang