Các thực phẩm có hại cho tim mạch, nguyên tắc cần ghi nhớ để có trái tim khỏe mạnh

authorNgọc Nga 06:09 20/05/2023

(VietQ.vn) - Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng cho biết, có rất nhiều loại thực phẩm có thể gây hại cho tim.

Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng cho biết, cải thiện chế độ ăn uống sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim theo nhiều cách, bao gồm: Giảm cholesterol máu, giảm huyết áp, giảm lượng đường và tăng hiệu quả của insulin trong máu. Chế độ ăn tốt sẽ giúp ngăn ngừa béo phì và cải thiện chức năng của tim và mạch máu. Tuy nhiên nếu thường xuyên ăn những thực phẩm không tốt cho tim mạch thì nguy cơ mắc các bệnh mạn tính rất cao. Do đó trong chế độ ăn uống hàng ngày cần tránh những thực phẩm dưới đây:

Thức ăn nhanh 

Chất béo bão hòa từ động vật, đặc biệt khi kết hợp với carbohydrate có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của tim. Chính vì thế nên tránh các nhà hàng thức ăn nhanh. Mặt khác, nơi này có xu hướng sử dụng các nguyên liệu chất lượng thấp và sử dụng phương pháp nấu ăn không lành mạnh.

Đường, muối, chất béo

Theo thời gian, một lượng lớn muối, đường, chất béo bão hòa và carbs tinh chế sẽ làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Nếu lo lắng về sức khỏe trái tim của mình nên tránh lạm dụng những thực phẩm có hại cho tim mạch này. Chỉ nên bổ sung chúng qua trái cây và rau quả tốt cho sức khỏe, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và sữa ít béo.

Thịt ba rọi xông khói

Hơn một nửa lượng calo của thịt xông khói đến từ chất béo bão hòa, có thể làm tăng lipoprotein mật độ thấp (LDL-C) - cholesterol xấu, tăng khả năng bị đau tim hoặc đột quỵ. Thịt ba rọi xông khói thường chứa đầy muối, làm tăng huyết áp và khiến tim phải hoạt động mạnh hơn. Lượng natri cao (thành phần chính của muối) có thể dẫn đến đột quỵ, bệnh tim và suy tim. Chất bảo quản sử dụng trong thực phẩm này cũng liên quan đến những vấn đề về tim mạch.

Có rất nhiều loại thực phẩm không tốt cho tim cần hạn chế ăn. Ảnh minh họa 

Thịt đỏ là thực phẩm không tốt cho tim mạch

Ăn quá nhiều thịt bò, thịt cừu và thịt lợn có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim và tiểu đường. Điều này được giải thích là do chúng có nhiều chất béo bão hòa, làm tăng cholesterol.

Thịt chế biến sẵn là thực phẩm không tốt cho tim mạch

Xúc xích và thịt hộp là những thực phẩm chế biến sẵn có hại cho tim mạch. Chúng có lượng muối cao và hầu hết đều có lượng chất béo bão hòa cao. 

Rượu

Uống rượu vừa phải sẽ không gây hại cho tim trừ khi bạn mắc chứng huyết áp cao hoặc triglyceride cao - một loại chất béo trong máu có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, uống nhiều rượu có thể dẫn đến huyết áp cao, suy tim, đột quỵ và tăng cân.

Nước ngọt

Bổ sung một lượng đường nhỏ vào cơ thể sẽ không gây hại nhưng một lon soda luôn luôn chứa nhiều đường hơn lượng đường được khuyên dùng trong cả ngày. Những người uống soda thường xuyên có xu hướng tăng cân nhiều hơn và có nhiều khả năng bị béo phì, bệnh tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao và bệnh tim mạch.

Nguyên tắc về chế độ ăn uống tốt cho tim mạch

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm Anh (TP.HCM), thay đổi thói quen ăn uống không hề dễ dàng, nhất là khi thói quen đó đã theo suốt nhiều năm. Nhưng cần phải thay đổi chế độ ăn của mình. Bởi lẽ, chúng đóng vai trò quan trọng đối với tình trạng bệnh lý sau này.

Kiểm soát khẩu phần ăn: Trong chế độ ăn hàng ngày, bạn ăn bao nhiêu cũng quan trọng như bạn ăn những gì. Ăn quá no vừa tạo gánh nặng cho dạ dày, vừa dễ gây tăng cân, một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tim mạch. Thế nên, hãy ăn chậm, nhai kỹ, chỉ ăn vừa đủ và ngưng khi não phát tín hiệu “dạ dày đã được lấp đầy 70 – 80%”.

Ăn nhiều rau xanh và trái cây: Rau, củ và trái cây là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất dồi dào, lại ít calo, giàu chất xơ. Cần ăn khoảng 500 gam rau củ và trái cây mỗi ngày. Mặt khác nên ăn đa dạng các loại rau củ quả. Ăn tăng rau củ quả cũng sẽ giúp giảm các thực phẩm có hàm lượng calo cao, chẳng hạn như thịt đỏ, thức ăn nhiều dầu mỡ và thức ăn nhanh. Đồng thời, cũng giống như những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật khác, rau và trái cây còn giàu chất chống oxy hóa – thành phần giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.

Rất dễ dàng để bổ sung rau củ quả trong chế độ ăn uống của bạn: nấu canh, làm salad, ăn tươi, xay sinh tố, nước ép… cần ưu tiên các loại rau và trái cây tươi, tránh sử dụng rau đông lạnh, trái cây đóng hộp hoặc sấy khô.

Tăng cường ăn ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan, beta glucan, có tác dụng giảm mức cholesterol, giảm huyết áp. Nên tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt trong thực đơn bằng cách thay thế chúng cho các sản phẩm ngũ cốc tinh chế.

Hạn chế ăn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa: Chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (chất béo dạng Trans) được xếp vào nhóm chất béo xấu, không tốt cho sức khỏe tim mạch. Chất béo bão hòa có nhiều trong thịt mỡ động vật (bò, lợn). Chất béo chuyển hóa có nhiều trong các phẩm chế biến sẵn được chiên rán ở nhiệt độ cao, trong bơ thực vật.

Khi cắt giảm các loại thực phẩm này trong khẩu phần ăn, đồng nghĩa với việc bạn đã góp phần giúp giảm lượng cholesterol xấu (LDL-C) trong máu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch (như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ).

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyên nên cắt hoàn toàn chất béo chuyển hóa và hạn chế ăn chất béo bão hòa, thay thế bằng chất béo không bão hòa có 1 hay nhiều nối đôi (omega 3, 6, 9).

Có những cách đơn giản để cắt giảm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như sau: Chọn loại thịt nạc trắng (ví dụ như thịt lườn gà bỏ da). Chọn ăn dầu ô liu, dầu canola, dầu thực vật, các loại quả hạch (hạnh nhân, óc chó), quả bơ… Tuy nhiên, tất cả các loại chất béo đều có hàm lượng calo cao nên không nên lạm dụng. Chỉ ăn với lượng vừa phải để bảo vệ sức khỏe trái tim. 

Chọn nguồn protein ít chất béo: Cá, thịt gia cầm (bỏ da), thịt nạc, các sản phẩm từ sữa ít béo và trứng là những nguồn cung cấp protein tốt mà nên lựa chọn trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Đặc biệt, trong cá có chứa nhiều axit béo omega-3,có tác dụng bảo vệ tim mạch, giúp giảm Triglyxerit trong máu. Nguồn omega-3 dồi dào nhất đến từ cá hồi, cá thu và cá trích. Bạn nên ăn cá ít nhất 2 lần / một tuần, trong đó 1 lần là cá có dầu. Các loại hạt như hạt lanh, quả óc chó, đậu nành và dầu hạt cải cũng chứa nhiều omega-3.

Protein nguồn gốc thực vật có trong các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu thận, đậu lăng… cũng là những nguồn protein tốt, ít chất béo và không chứa cholesterol. 

Giảm lượng muối trong thức ăn: Ăn quá nhiều muối là nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ quan trong của bệnh tim. Vì thế, cắt giảm muối là một phần quan trọng của chế độ ăn uống tốt cho tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo: Người lớn khỏe mạnh không dùng quá 6 gam muối (Nacl) /ngày. Bệnh nhân tim mạch hoặc có các yếu tố nguy cơ của bệnh không dùng quá 4 gam muối/ngày. 

Uống đủ nước: Cung cấp đủ nước giúp cảm thấy tràn đầy năng lượng và ăn ít hơn. Không chỉ có người bệnh tim mạch, bất kỳ ai cũng cần nạp đủ 1,5 – 2,5 lít nước mỗi ngày. Nên uống nước lọc, nước trái cây nguyên chất không đường, nước canh, súp…

Đặc biệt, không nên uống các loại nước ngọt (nước ngọt có ga, nước tăng lực, nước ép đóng hộp… ). Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo: Không được uống quá 1 lít nước ngọt trong một tuần.

Tránh xa thuốc lá: Khói thuốc lá là một hỗn hợp độc hại của hơn 7.000 chất hóa học. Khi bạn hít thở không khí, phổi sẽ lấy oxy và đưa đến tim. Tim bơm máu giàu oxy này đến phần còn lại của cơ thể thông qua các mạch máu. Nhưng khi hít phải khói thuốc lá, máu đi tới các cơ quan của cơ thể đã bị nhiễm các chất độc trong khói thuốc. Những chất này kích thích tim đập nhanh, làm các mạch máu co lại, gây tổn thương các nội mạc của mạch máu, dẫn tới hình thành các mảng bám (mảng xơ vữa động mạch).

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang