Nhiều nghiên cứu thuốc hứa hẹn điều trị các loại vi rút gây bệnh do biến đổi khí hậu gây ra

authorVân Thảo 15:39 08/05/2024

(VietQ.vn) - Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy, việc biến đổi khí hậu làm nóng lên toàn cầu sẽ làm gia tăng các loại vi rút gây bệnh mà khoa học chưa biết tới.

Biến đổi khí hậu làm gia tăng muỗi truyền nhiễm

Giáo sư Rachel Lowe, người đứng đầu nhóm phục hồi sức khỏe toàn cầu tại Barcelona, Tây Ban Nha, đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh do muỗi truyền sẽ lan rộng khắp nơi, ngay cả những khu vực không bị ảnh hưởng như Bắc Âu, Châu Á, Bắc Mỹ và Australia trong vài thập kỷ tới, thế giới cần chuẩn bị cho sự gia tăng mạnh mẽ của các căn bệnh này.

Muỗi làm lây truyền các bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết, tỷ lệ lưu hành bệnh đã gia tăng lên rất nhiều trong 80 năm qua do hiện tượng ấm lên toàn cầu kết hợp khí hậu ẩm ướt tạo điều kiện cho muỗi phát triển mạnh. Ngoài ra, hạn hán và lũ lụt liên quan đến biến đổi khí hậu có thể dẫn đến sự lây truyền virus nhiều hơn, với lượng nước tích trữ sẽ tạo thêm nơi sinh sản cho muỗi.

Sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu đồng nghĩa với việc các vectơ gây bệnh sốt rét và sốt xuất huyết có thể tìm thấy nơi cư trú ở nhiều khu vực hơn, với các đợt bùng phát dịch xảy ra ở những nơi mà người dân có khả năng miễn dịch kém, hệ thống y tế công cộng và công tác dự phòng chưa tốt.

 Biến đổi khí hậu sẽ làm cho nhiều loại vi rút hồi sinh. Ảnh minh họa

Các chủng SARS-CoV-2 khác nhau

Theo nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Communications, các chủng SARS-CoV-2 khác nhau có những dạng thức ổn định khác nhau trong không khí. Vì vậy, mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận mối quan hệ giữa CO2 và các loại vi rút khác, nhưng các nhà nghiên cứu nghi ngờ sự khác biệt này có thể giải thích tại sao nhiều loại vi rút đường hô hấp có tính chất theo mùa.

Khi thời tiết lạnh hơn, mọi người có xu hướng dành nhiều thời gian hơn trong nhà và tiếp xúc nhiều hơn với không khí có nồng độ CO2 cao hơn. Lượng CO2 trong không khí ngoài trời cũng đang tăng lên do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Những dự báo gần đây dự đoán nồng độ có thể vượt quá 700 ppm vào cuối thế kỷ này.

"Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu net zero trên toàn cầu, khi chỉ ra rằng ngay cả với mức CO2 tăng nhẹ, và vốn đang tăng do tình trạng biến đổi khí hậu, có thể cải thiện đáng kể tỉ lệ sống sót của vi rút và tăng nguy cơ vi rút lan rộng", Haddrell cho biết thêm.

Nhà hóa học vật lý Jonathan Reid, đến từ Đại học Bristol (Anh), kết luận: "Những phát hiện này có thể đóng vai trò là cơ sở khoa học cho việc thiết kế các chiến lược giảm thiểu rủi ro, nhằm cứu sống mọi người trong bất kỳ đại dịch nào trong tương lai". 

Theo nhà hóa học Allen Haddrell từ Đại học Bristol (Anh), việc mở cửa sổ có thể có những tác dụng đáng kể hơn mọi người vẫn nghĩ, đặc biệt là trong những căn phòng đông người và thông gió kém. Không khí trong lành sẽ có nồng độ CO2 thấp hơn, làm cho vi rút bị bất hoạt nhanh hơn nhiều.

Biến đổi khí hậu sẽ làm vi rút thây ma cổ đại hồi sinh?

Nhà sinh học Jean-Michel Claverie, Đại học Aix-Marseille (Pháp) cảnh báo: "Trái Đất đang ấm lên, làm các khối băng vĩnh cửu tiếp tục tan nhanh. Điều này sẽ giải phóng các loại vi rút, vi khuẩn đã tồn tại hàng triệu năm trong băng và chúng tiềm ẩn nguy cơ lây lan các mầm bệnh mà khoa học chưa được biết đến".

Cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ nghiên cứu các loại virus trong băng vĩnh cửu lây nhiễm với các sinh vật đơn bào được gọi là amip do chúng vô hại với con người và các động vật khác.

Claverie giải thích: "Chúng tôi sẽ không bao giờ mạo hiểm và thế giới không thể chấp nhận rủi ro khi nghiên cứu những loại vi rút thây ma trên các loài động vật có vú hiện đại".

Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện ra khoảng hơn 10 loại vi rút trong lớp băng vĩnh cửu, chúng trú ẩn từ những đám lông voi ma mút cho đến trong ruột hóa đá của một con sói Siberia.

Việc con người lạm dụng và sử dụng quá mức nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ) đang đẩy nhanh vấn đề nóng lên toàn cầu. Biến đổi khí hậu ngày càng tác động xấu đến đời sống con người, động vật. Và ngày nay nhân loại còn đang phải đối mặt với những dịch bệnh mới từ những loại vi rút cổ đại ở Bắc Cực.

Nhiều loại thuốc kháng vi rút đang được nghiên cứu và thử nghiệm

Mặc dù khó thực hiện, nhưng một số loại thuốc kháng vi rút cũng đã được nghiên cứu thành công để đặc trị những bệnh nhiễm trùng như HIV, herpes và cúm. Các cơ chế phổ biến bao gồm ngăn chặn  vi rút trước khi nó có thể xâm nhập vào tế bào, nhắm mục tiêu vào vỏ  vi rút hoặc phá vỡ chu kỳ sao chép của nó.

Một trong những loại thuốc kháng vi rút sớm nhất được phát triển là acyclovir, hoạt động như một chất bắt chước một trong những khối cấu tạo protein của virus - một nucleoside. Vi rút kết hợp acyclovir vào chuỗi DNA đang phát triển của nó trong quá trình sao chép, và vì acyclovir không thể hình thành các liên kết chính xác, nên nó sẽ kết thúc chuỗi DNA trước khi hoàn chỉnh.

Mới đây nhất, một nghiên cứu, được tiến hành với sự hợp tác giữa các trường Đại học Cambridge, Đại học Oxford (Anh) và Viện Công nghệ California (Mỹ), được công bố trên tạp chí Nature Nanotechnology đưa tin các nhà khoa học vừa tạo ra một vắc xin hứa hẹn khả năng bảo vệ con người trước nhiều chủng virus Corona, kể cả những chủng hiện chưa biết đến.

Mũi tiêm thử nghiệm đã được thử nghiệm trên chuột, đánh dấu sự thay đổi trong chiến lược hướng tới "vắc xin đón đầu", trong đó vắc xin được thiết kế và sẵn sàng sản xuất trước khi một loại virus có khả năng gây đại dịch xuất hiện.

Vắc xin này được tạo ra bằng cách gắn các protein vô hại từ các loại vi rút Corona khác nhau vào các hạt nano cực nhỏ, sau đó được tiêm vào để tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể nhằm chống lại nếu vi rút xâm nhập. Vì vắc xin huấn luyện hệ thống miễn dịch nhắm vào các protein giống nhau ở nhiều loại vi rút Corona khác nhau nên khả năng bảo vệ là vô cùng rộng, khiến vắc xin có hiệu quả chống lại các loại vi rút đã biết và chưa biết trong cùng một họ.

Về thuốc tiêu diệt vi rút gây sốt xuất huyết, các nhà khoa học tại Trường Đại học quốc gia Singapore cũng đã nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng loại thuốc "siêu mạnh" tiêu diệt vi rút gây sốt xuất huyết có thể được triển khai trong 18-24 tháng tới.

Các nhà nghiên cứu hy vọng nếu như loại thuốc này được thử nghiệm thành công và đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gianvi rút tồn tại trong cơ thể người bệnh, việc lây nhiễm vi rút gây sốt xuất huyết sang cho các thành viên khác trong gia đình sẽ bị ngăn chặn vì muỗi Aedes aegypti không mang theo mầm bệnh. 

Vân Thảo (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang