Cách mạng công nghiệp 4.0: Việt Nam có thể đi đầu và bắt kịp công nghệ tiên tiến

author 06:11 08/04/2017

(VietQ.vn) - Tại diễn đàn CEO 2017 với chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - được và mất”, nhiều chuyên gia kinh tế uy tín và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đã chia sẻ góc nhìn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Doanh nghiệp quan tâm đến cách mạng công nghiệp 4.0

Phát biểu tại diễn đàn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn nhìn nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể có tác động to lớn về kinh tế, xã hội, môi trường toàn cầu, khu vực, trong từng quốc gia, đến từng doanh nghiệp.

Ranh giới giữa các ngành công nghiệp truyền thống, ranh giới giữa các ứng dụng công nghiệp và phi công nghiệp có thể bị xoá nhoà. Không chỉ sản phẩm mà các dịch vụ cũng sẽ được tạo ra hàng loạt bàng phương pháp công nghiệp.

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Ngô Văn Tuấn phát biểu tại diễn đàn

Theo TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương), cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ chắp cánh cho 3 cuộc cách mạng trước đó dựa vào máy móc, máy tính.

Cuộc cách mạng này sẽ kết nối máy móc với điều kiện tự động, tạo ra người máy có trí thông minh nhân tạo, các hàng hóa, dây chuyền sản xuất sẽ tự động, tạo năng suất lao động lớn chưa từng có. Chu kỳ sản phẩm sẽ được rút ngắn. Người dân sẽ thấy người máy nhiều hơn trong cuộc sống như bệnh viện, tòa án. Ông ví cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như một cơn bão mà không nước nào trên thế giới có thể đứng ngoài.

Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch, Tổng thư ký hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội - tỷ lệ người quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo khảo sát chiếm rất cao, số người cho rằng tác động đến Việt Nam chiếm trên 50%. Số lượng cho thấy không tác động nhiều đến Việt Nam chỉ chiếm rất nhỏ (khoảng dưới 10%).

Cụ thể, một khảo sát được thực hiện với 2.000 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho thấy, trong 85% doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó có 55% doanh nghiệp đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá không tác động lắm và 10% đánh giá không tác động; 6% không biết.

Nhưng về chiến lược, có đến 79% doanh nghiệp trong số này trả lời rằng họ... chưa làm gì để đón sóng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 55% doanh nghiệp cũng cho biết đang tìm hiểu, nghiên cứu, 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, và chỉ có 12% doanh nghiệp đang triển khai. 

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới

Tại diễn đàn CEO 2017, các chuyên gia nhận định Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ mở ra kỷ nguyên mới của đầu tư, năng suất và mức sống gia tăng. So với các cuộc CMCN trước đó thì cuộc cách mạng này có khác biệt rất lớn về tốc độ phát triển, phạm vi và mức độ tác động; phát triển với cấp độ số nhân, làm biến đổi hầu hết nền công nghiệp ở mọi quốc gia về cả bề rộng và chiều sâu, trong cả hệ thống sản xuất và quản trị.

Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng cho rằng cách mạng 4.0 là giao thoa giữa khoa học công nghệ, ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo.

"Bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hội tụ của nền kinh tế vật lý, kinh tế số, sinh học, dựa trên nền tảng trí tuệ thông minh nhân tạo. Trong tương lai, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc và cơ cấu nhiều ngành công nghiệp" - Ông Dũng nhấn mạnh.

Tổng giám đốc TPBank Nguyễn Hưng đưa ra dẫn chứng trong ngành ngân hàng, 2/3 số giao dịch hiện tại đang được thực hiện trên kênh online thay thế cho cách giao dịch truyền thống có sự tham gia của con người. Việc ứng dụng Fintech trong lĩnh vực ngân hàng là điều tất yếu.

Toàn cảnh Diễn đàn CEO 2017

 

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, tất cả các cuộc cách mạng đều được dẫn dắt bởi khoa học công nghệ. Cuộc CMCN đầu tiên là máy có sức khỏe hơn cơ bắp con người và ngựa, voi. Tiếp theo cuộc CMCN lần 2, chúng ta có ánh sáng từ điện, có động cơ và tốc độ phát triển đã tăng lên một bậc mới.

Đến cuộc CMCN lần 3, chúng ta có máy tính tính toán nhanh, với nhiều ứng dụng công nghệ. Còn ở lần thứ 4 này, biểu tượng sẽ là robot có thể có trí tuệ toàn cầu, lấy kiến thức của tất cả các con robot để ứng xử với con người, vượt xa năng lực con người. Con robot này sẽ chế ra các con robot khác.

"Tôi cho rằng, đây sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất so với các cuộc cách mạng khác. Với cuộc cách mạng này, không chỉ máy móc mà tất cả các sự vật thế giới xung quanh chúng ta đều trở nên có nhân tính, đều có tính toán, tối ưu. Thế giới xung quanh ta không chỉ trở thành thế giới sống mà biến thành thế giới có nhân tính. Khi đó, các ô tô sẽ tự tránh nhau, hàng hóa sẽ tự đến nhà. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất mà cuộc CMCN lần thứ 4 sẽ xảy ra. Theo tôi, rất khó để ước lượng quy mô, tầm cỡ của cuộc cách mạng này sẽ biến đổi đến mức độ nào", ông Bình nhấn mạnh.

Nói về lợi thế của Việt Nam, ông Bình cho rằng lúc này khi cuộc cách mạng mới bắt đầu, không phải Chính phủ nào cũng nói về cuộc cách mạng này nhiều như ở Việt Nam. Thứ hai, từ khi ngành CNTT đặt mục tiêu vươn ra thế giới thì tiềm lực ngành cũng vượt trội so với năng lực kinh tế Việt Nam. Thứ ba là cuộc cách mạng này không chỉ là cuộc cách mạng của các đại gia mà là cuộc cách mạng của mọi người. Trong đó có thể có những nhóm rất bé, chỉ có vài người nhưng những nhóm nhỏ đó sẽ thay đổi tương lai, diện mạo của các ngành kinh tế.

Đánh giá về việc Việt Nam có thể làm được và bắt kịp thế giới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay không. Ông Trương Gia Bình cho rằng Chính phủ phải có sự thay đổi rất lớn để tạo bước ngoặt cho phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, ông Bình lạc quan cho rằng nếu làm thành công cuộc cách mạng này, đất nước hoàn toàn có thể “nhảy vọt” trên bản đồ phát triển thế giới.

CEO Viettel - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - cũng rất lạc quan về việc đất nước hoàn toàn có thể thành công với cuộc cách mạng 4.0 này. Ông Hùng cho biết bản chất của cách mạng là thay đổi từ cái A thành cái B. Thế giới đang có một nền công nghiệp phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn khi thay đổi các nhà máy, dây chuyền để đạt được “nền kinh tế 4.0”.  Đây cũng là cơ hội cho Việt Nam - một đất nước chưa có gì trong cuộc cách mạng này, trong khi các nước khác đã rất khó để bỏ đi hàng triệu tỷ USD đã đầu tư.

Theo nhiều chuyên gia tại diễn đàn, Việt Nam có cơ hội lớn, nhưng cách tiếp cận, nhìn nhận công nghiệp 4.0 như thế nào. Việt Nam hoàn toàn có thể đi trước trong việc sáng tạo và bắt kịp được công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Tuy nhiên, hi vọng Chính phủ sẽ có hành động cụ thể chứ không phải chỉ kêu gọi, có chính sách làm sao thúc đẩy, hỗ trợ để doanh nghiệp nhận thức tốt hơn về công nghiệp 4.0 và tạo ra nhiều doanh nghiệp sáng tạo mạnh hơn. Doanh nghiệp nào nhận thức được sự sáng tạo, chuyển mình về công nghệ trong sản xuất thì sẽ có lợi thế phát triển hơn. 

Hùng Cường

 

 

ạng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang