Cách thức bón phân giúp tăng chất lượng cây cà phê

author 16:02 05/05/2015

(VietQ.vn) - Để khắc phục tình trạng rụng quả cà phê hàng loạt nhằm tăng sản lượng, người trồng cần bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cây theo cách thức bón phân dưới đây.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam, nguyên nhân cà phê rụng trái có nhiều, song chủ yếu là do cây thiếu dinh dưỡng. Một số vườn còn bị thiếu nước vào cuối mùa khô. Cà phê rụng trái không xảy ra trên cả vườn mà chỉ rụng ở những cây kém phát triển, trái nhỏ, rụng ở các chùm trái gần gốc trước, đầu cành sau, lá già nhiều, chùm trái phát triển không đều. Hiện tượng này là do bón phân không đầy đủ hoặc không kịp thời.

Tiến sỹ Hoàng Thanh Tiệm, Viện Trưởng viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, Qua khảo sát tại các vườn cà phê trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc, nguyên nhân rụng quả chủ yếu là do thiếu chất dinh dưỡng, bón phân không cân đối. Thực tế, do giá vật tư phân bón tăng cao, nhiều hộ trồng cà phê đã không bón phân, hoặc bón phân không cân đối, chủ yếu là bón phân đạm, thiếu phân lân, kali, các vi lượng khác, không đủ chất dinh dưỡng nuôi quả, nên quả rụng hàng loạt.

Cần kịp thời bón phân cho cây đang mang trái, nếu đã bón đợt thúc lần đầu vào mùa mưa rồi thì đợt 2 cần dùng NPK 16-8-16+TE Đầu Trâu hay NPK 16-8-16-6S+TE Đầu Trâu với lượng 600 - 800 kg/ha, tùy theo mức độ tốt hay xấu của vườn và số trái trên cây. Phun ngay phân bón lá Đầu Trâu 009 với lượng 200 gram/200 lít nước, liều phun 800 - 1.000 lít/ha, phun 2 - 3 lần cách nhau 7 - 10 ngày/lần nhằm cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây. Ngoài ra, cần tỉa bớt các chồi vượt, cành dưới tán, cành tăm, cành thưa để tập trung dinh dưỡng nuôi trái.

Người trồng có thể khắc phục tình trạng rụng quả cà phê bằng cách bón phân cân bằng

Người trồng có thể khắc phục tình trạng rụng quả cà phê bằng cách bón phân cân bằng

Để cà phê cho trái lớn, nhân to nhằm bù lại phần năng suất mất đi do những trái đã rụng, cần bón tiếp lần 3 cũng bằng phân NPK 16-8-16+TE Đầu Trâu hoặc 16-16-13+TE Đầu Trâu với lượng cũng khoảng 600 - 800 kg/ha vào cuối mùa mưa.

Ngoài nguyên nhân rụng trái do bón phân không cân đối thì bệnh khô cành, khô qủa do nấm Collectotrichum coffeanum, gỉ sắt (Hemileia vastatrix), nấm hồng (Corticium salmonicolor) cũng là nguyên nhân cần chú ý. Phun một trong các loại thuốc trừ nấm như Tilt super, Anvil antracol, carbendazim, copper oxycloride, propinneb theo đúng hướng dẫn trên nhãn chai. Các loại tuyến trùng, rệp sáp (Pseudococus. Spp), mọt đục cành (Xyleborus mortati), mọt đục trái (Stephanoderes lampei), sâu đục trái (Prays endolemma), sâu đục thân (Xylotrechus quadripe) cũng cần được chú ý phòng trị.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khuyến cáo người trồng cần tập trung sử dụng phân bón phun sương qua lá với loại đặc chủng như HCR hoặc Dinh Dưỡng, với kỹ thuật phun sương ướt đều chùm trái, tán cây một tháng, một lần. Vào cuối mùa mưa, lại tiếp tục bón phân cân đối vào gốc cà phê như giữa mùa mưa. Đồng thời, sử dụng phân bón đặc hiệu như phân bón loại Food-MX4 phun sương ướt đều chùm trái, tán cây từ 1 đến 2 lần/ tháng để vừa chống rụng vừa tạo điều kiện có đủ dinh dưỡng nuôi nhân hạt cà phê chắc nặng, tăng năng suất, chất lượng, quả chín tập trung dễ thu hoạch, đáp ứng đủ tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang