Cái Tết dưới đáy biển Hạ Long của thợ lặn chuyên mò xác chết

author 10:37 21/02/2015

(VietQ.vn) - Lịch làm việc của 8 người đàn ông chuyên mò xác chết dưới đáy biển mà người đời vẫn gọi là “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” không có ngày nghỉ. Dĩ nhiên, Tết này vẫn là những ngày trực.

Theo tin tức mới nhất từ báo Thanh Niên, ở Quảng Ninh có một công việc rất khó tuyển nhân viên: mò xác chết dưới đáy biển. Đó cũng là công việc chính của 8 người đàn ông thuộc Trung tâm lặn cứu nạn và thể thao dưới nước (thuộc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Quảng Ninh) bao nhiêu năm qua.

 

Tâm trí của ông Phạm Công Hiếu, 39 tuổi, thuyền trưởng tàu cứu nạn còn nhớ như in ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm 1996, đội thợ lặn của ông Hiếu trực Tết nhận được điện thoại có một nhóm các chiến sĩ công an bị đắm tàu, chìm dưới biển.
Trời lạnh cắt da cắt thịt, ông Hiếu lái tàu, ông Đỗ Bá Sơn (bây giờ là giám đốc) và đội trưởng đội lặn Nguyễn Tiến Bình ngụp xuống nước trong khi ngoài trời đang 8 độ C. Xuống nước 15 phút lại nhảy lên bờ, thở lấy sức. Hàng chục lần ngoi lên ngụp xuống, cuối cùng cũng tìm được những cái xác đã cứng nhắc. Toàn thân những người thợ lặn cũng tưởng như đã hóa băng.
Làm được nghề nguy hiểm này là phải can đảm, không được yếu bóng vía

Làm được nghề mò xác nguy hiểm này là phải can đảm, không được yếu bóng vía. Ảnh: Thanh Niên

Với đội trưởng Nguyễn Tiến Bình (44 tuổi), ông không nhớ nổi những mốc thời gian của những vụ tai nạn trên biển mà mình cứu hộ. Tuy nhiên, những chi tiết của từng vụ việc vẫn đau đáu trong ông.
“Đó là một con tàu chợ đắm trên vịnh Hạ Long. Tôi lặn trong mớ hỗn độn rau củ, gà qué, mắm muối và tưởng tượng đâu là hành lang, buồng lái, bếp. Cuối cùng cũng túm được một mái tóc. Tôi ôm thân thể đã mềm nhũn kia sát vào mình và ngoi lên”, ông Bình kể lại. Vớt được cái xác đã quá trưa, lại ở giữa khơi. Thi thể người đàn ông xấu số được đặt ngay trên tàu, phủ chiếu lên. Những người thợ lặn dọn mấy tô cơm với vài muỗng thức ăn, ăn tạm cầm hơi.

Trải lòng về những vất vả trong nghề lặn cứu nạn, các anh cho hay là anh em trong đội phải thường xuyên túc trực. Nhất là những ngày lễ, tết, hay những đợt mưa bão, cả đội đều phải trực cả ngày.

Cứu nạn ngày thường đã khó khăn, cứu nạn ban đêm, ngày mưa bão, hay mùa đông giá rét còn thách thức bội phần khi con người phải vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt. Những ngày bão, chiếc tàu cứu nạn như chiếc lá giữa biển, hứng chịu đủ sóng to gió lớn. Ngày mùa đông thì nước lạnh thấu xương tuỷ, ngụp lặn mà có người bặm môi đến bật máu.

Gian khổ, khó khăn là thế, nhưng có nhiệm vụ là các anh sẵn sàng đi ngay. Những cuộc gọi đến Trung tâm nhờ tìm người bị nạn, các anh đều tức tốc lên đường làm nhiệm vụ, theo thông tin từ báo Quảng Ninh.

Thái Hà


 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang