Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công thương

author 06:17 20/06/2019

(VietQ.vn) - Hà Nội đang quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công thương.

Doanh nghiệp gặp khó trong mở rộng quy mô sản xuất

Ngày 19/6, Sở Công Thương Hà Nội và Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công thương”, nhằm thảo luận những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thành phố Hà Nội.

Đây cũng là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Công Thương Hà Nội đặt ra từ nay đến hết năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Cần sự vào cuộc của các Sở, ngành chức năng trong việc tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2019, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,72% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 7,14%, tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải về ngành công nghiệp tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, bà Trần Thị Phương Lan- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trong bối cảnh năng lực sản xuất tăng thêm ngành công nghiệp chưa có những đột biến nhưng một số nhà máy thực hiện di dời khởi Thành phố hoặc cắt giảm sản lượng như: Công ty TNHH General Motors Việt Nam chuyển toàn bộ dây chuyền lắp ráp xe ô tô cho Tập đoàn Vinfast tại Hải Phòng; Yamaha Motor có chính sách giảm dần sản lượng;…

Khó khăn của thị trường khiến các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất hoặc đầu tư xây dựng mới… Do đó, tình hình thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Về thương mại, trong bối cảnh những năm gần đây, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tập chung vào các mặt hàng thiết yếu, tốc độ tăng tổng mức bán ra và tổng mức bán lẻ có xu hướng chững lại.

Đánh giá về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực Công Thương của Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) cho rằng, hiện Hà Nội có gần 300.000 doanh nghiệp trong đó khoảng 97% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hiện nay đang phải đối diện với nhiều sự cạnh tranh gay gắt về: giá cả, chất lượng; tính chuyên nghiệp, quy mô, công nghệ; quản trị rủi ro, chiến lược phát triển… Do đó, rất cần sự vào cuộc của các Sở, ngành chức năng trong việc tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Tại buổi Tọa đàm, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cũng đã đưa ra các kiến nghị đối với Sở Công Thương, các Sở, ban ngành và Thành phố. Theo đó, Thành phố cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, vì hiện nay số doanh nghiệp gia nhập thị trường chủ yếu là kinh doanh dịch vụ, rất ít các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu.

Cùng với đó, cần nghiên cứu đồng bộ hóa cơ chế chính sách và giải quyết các bất cập trong cơ sở pháp lý, thống nhất việc hướng dẫn thực hiện của các cơ quan nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới tác phong phục vụ doanh nghiệp.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cho rằng, Thành phố cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp mới trong việc định hướng chiến lược, tầm nhìn dài hạn, khuyến khích doanh ngiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ giá trị gia tăng cao, hướng đến mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ghi nhận giải pháp kiến nghị của các doanh nghiệp tại Tọa đàm, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng khẳng định, Sở sẽ tham mưu cho UBND TP. Hà Nội để có các giải pháp quyết liệt, điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.

Thực tế, thời gian qua, Sở Công Thương đã quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính. Sở đã thực hiện rà soát 100% các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Công Thương, trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt 53 quy trình nội bộ giải quyết 124 thủ tục hành chính. Sở cũng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai hoạt động truyền thông, quảng bá cho các DN có sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố 2018. Phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai 5 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập năm 2018 và 3 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập trong tháng 4/2019; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Nhận định Hà Nội đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, liên tục trong nhiều năm qua, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, năm 2018, thành phố Hà Nội đã vươn lên thứ 9 (tăng 4 bậc so với năm ngoái) và lần đầu tiên đứng trong Top 10 bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Bà Trần Thị Phương Lan cho hay, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm của ngành Công Thương Hà Nội là hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, trọng tâm là cải thiện các chỉ số cạnh tranh còn thấp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang