Cải thiện năng suất lao động: Đầu tư cho giáo dục là yếu tố then chốt

author 09:08 18/07/2022

(VietQ.vn) - Theo bà Bùi Kim Thùy, Đại diện Cấp cao tại Việt Nam - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC); thành viên hội đồng cố vấn Harvard – Asia Pacific, để Việt Nam cải thiện năng suất lao động thì nền móng vẫn là giáo dục.

Năng suất lao động nước ta vẫn thấp

Thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam đã từng bước cải thiện, tăng đều qua các năm. Cụ thể, thống kê cho thấy, giai đoạn 2016-2020, năng suất lao động của Việt Nam ước tính tăng 26,2%; trong đó, năng suất lao động nội ngành tăng 16,6%; năng suất do chuyển dịch cơ cấu ngành tăng 9,4% và do chuyển dịch lao động tăng 0,2%.

Theo giá so sánh, bình quân năm trong giai đoạn 2016-2019, năng suất lao động toàn nền kinh tế tăng 6,01%, cao hơn tốc độ tăng 4,27% của giai đoạn 2011-2015. Cũng theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020).

Tuy nhiên, xét về thực tế, năng suất lao động của nước ta hiện đang rất thấp, xét về giá trị tuyệt đối, số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, năng suất lao động theo sức mua tương đương (tính theo PPP 2011) năm 2019 của Việt Nam chỉ bằng 7,64% mức năng suất của Singapore; 19,53% của Malaysia; 37,92% của Thái Lan; 45,56% của Indonesia; 56,88% của Philippines; 88,05% của Lào. 

Nhìn chung năng suất lao động của nước ta vẫn còn thấp và có khoảng cách xa với các nước khu vực ASEAN-6. 

Trao đổi với báo chí về nguyên nhân chủ yếu khiến năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước ASEAN-6, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ, quá trình chuyển dịch kinh tế còn chậm.

Với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong thời gian qua là thành tựu đáng ghi nhận nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về mức năng suất lao động so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu lao động tuy diễn ra khá nhanh nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn, đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp.

Nguyên nhân thứ hai là máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu. Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh có trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thấp, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới.

Thứ ba, tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng còn ở mức thấp cho thấy trình độ phát triển khoa học công nghệ, ý thức tổ chức và quản lý trong sản xuất kinh doanh của lao động Việt Nam còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế. Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn. Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo đang làm việc trong nền kinh tế tăng dần qua các năm nhưng đến năm 2019 chỉ đạt 22,8%. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện năng suất lao động...

Đầu tư cho giáo dục

Nâng cao chất lượng nguồn lao động là cơ sở để tăng năng suất. 

Vì vậy, để tăng năng suất lao động, các chuyên gia cho rằng nâng cao chất lượng nguồn lao động là cơ sở để tăng năng suất. Cụ thể, cần giảm nhanh số lao động giản đơn, gia tăng số lao động có trình độ, tay nghề phù hợp bằng cách đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, dạy nghề theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp; Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn để chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn...

TS. Hà Minh Hiệp - Phó tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận định, tại Việt Nam, ngành khoa học công nghệ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Chính phủ và đã có đóng góp rất nhiều cho năng suất chất lượng. Sau nhiều năm nỗ lực, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam đã đứng trong top 10 Đông Nam Á, tuy nhiên, thời gian gần đây đang có xu hướng chững lại do các yếu tố như lao động, vốn và TFP.

Có thể kể đến điểm nghẽn như: thứ nhất, chiến lược năng suất tích hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, ở các doanh nghiệp, tập đoàn tại Việt Nam hiện vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc tích hợp này. Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho người lao động tham gia khóa đào tạo về năng suất, tuy nhiên để áp dụng vào thực tiễn vẫn chưa biết cách. Do đó, theo TS Hiệp, việc đào tạo không đơn thuần chỉ là lý thuyết mà cần gắn chặt với thực tiễn, đào tạo đội ngũ có chất lượng, kỹ năng. 

Ở một góc nhìn khác, theo bà Bùi Kim Thùy, Đại diện Cấp cao tại Việt Nam - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC); thành viên hội đồng cố vấn Harvard – Asia Pacific phân tích, nếu so sánh với các nước khu vực Đông Nam Á thì ta rất khó để so với Singapore. Bởi từ những năm 1970 khi ta còn chiến tranh họ đã phát triển. Từ những năm 1980 khi ta còn bao cấp chưa mở cửa họ đã phát triển rồi. Đến những năm 1995 khi ta mới gia nhập ASEAN thì họ đã gia nhập từ những năm 1967 với tư cách là 1 trong 5 thành viên đầu tiên của ASEAN... Nhiều điểm, nhiều việc mình cũng đi trễ so với họ nên rất khó để so sánh.

Vì vậy, để Việt Nam cải thiện năng suất lao động nền móng vẫn là giáo dục, tức là đưa bài học giáo dục vào những cấp học thấp nhất có thể, không phải đợi đến khi học sinh lên cấp ba hoặc vào đại học, trường nghề mới hiểu, ý thức được thế nào là năng suất và làm cách nào để nâng cao năng suất. Hãy nói vấn đề này thông qua các bài giảng dạy hết sức dễ hiểu cho các bạn nhỏ từ cấp một trở đi.

Theo đó, cần có những chương trình thiết kế phù hợp giúp trẻ em dễ tiếp cận để hiểu thế nào là nâng cao năng suất lao động. Trong đó, năng suất lao động bao gồm cả lao động tay chân và lao động trí óc. Các bài học cần dễ hiểu, thú vị thì trẻ em học một hiểu mười, kể cả đó là học lịch sử. Nếu bảo học sinh cầm cuốn sách dày cộp thì rất khó để ngồi đọc và nhớ, thế nhưng có những phần mềm đồ họa, thiết kế công phu như tóm tắt lịch sử Việt Nam chỉ trong chưa đầy 30 phút giúp học sinh tiếp thu dễ hơn. Vấn đề ở đây là phương pháp giảng dạy.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang