Hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành và tài chính chương trình quốc gia Năng suất chất lượng giai đoạn 2021-2030

author 10:29 29/10/2021

(VietQ.vn) - Chương trình quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu chính hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thông tin tổng quan và bối cảnh hiện nay

Với mục tiêu ban hành chính sách nhằm tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nâng cao NSCL sản phẩm hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ngày 31/8/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu chính là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành và tài chính chương trình quốc gia Năng suất chất lượng giai đoạn 2021-2030

 Hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành và tài chính chương trình quốc gia Năng suất chất lượng giai đoạn 2021-2030.

Để thực hiện mục tiêu của Chương trình 1322, với vai trò cơ quan chủ trì quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó cần tập trung vào nội dung quản lý hoạt động và quản lý tài chính thực hiện Chương trình 1322.

Đối với cơ chế quản lý điều hành:

Trong thực tế triển khai các hoạt động quản lý nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia Năng suất chất lượng giai đoạn đến năm 2020 (được phê duyệt tại Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), một số tồn tại, vướng mắc thường gặp phải như: Hệ thống biểu mẫu chưa phù hợp với đặc thù nội hàm nhiệm vụ thuộc Chương trình 712 là tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp; hoạt động Ban Điều hành chưa phát huy tối đa hiệu quả, trong khi đó Chương trình 712 không có Ban Chủ nhiệm để tham mưu cơ quan quản lý trong công tác định hướng chuyên môn trọng tâm trong từng năm, từng giai đoạn, tham gia công tác đề xuất đặt hàng; sự tham gia của doanh nghiệp trong các hoạt động của Chương trình còn hạn chế; Chương trình có nhiều dự án thành phần được giao cho nhiều bộ ngành, địa phương chủ trì thực hiện, cách thức triển khai có sự khác nhau, công tác điều phối, thống nhất của cơ quan thường trực Chương trình 712 gặp nhiều khó khăn;…

Xuất phát từ cấu trúc vận hành, kết quả và những tồn tại phát sinh trên, Chương trình NSCL giai đoạn 2021-2030 cần quy định rõ về vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức tham gia thực hiện; cụ thể hóa quy trình, thủ tục triển khai các nhiệm vụ để phù hợp với cấu trúc vận hành mới của Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.

Đối với cơ chế quản lý tài chính: Bên cạnh kết quả đạt được, một số tồn tại về cơ chế quản lý tài chính, từ nội dung chi, định mức chi, quy định về lập dự toán, thẩm định kinh phí, chấp hành dự toán, chuyển số dư kinh phí cuối năm đến quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia NSCL giai đoạn mới cũng cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn triển khai, góp phần đảm bảo việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được tiết kiệm và hiệu quả.

Đề xuất một số giải pháp hoàn thiện quản lý cơ chế tài chính thực hiện Chương trình quốc gia Năng suất chất lượng giai đoạn 2021-2030

Về cơ chế quản lý hoạt động Chương trình

Đảm bảo trách nhiệm và quyền hạn của bộ ngành, địa phương về phạm vi quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá đã được quy định tại Khoản 2 Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ chủ trì (KH&CN) với các Bộ, địa phương từ công tác xác định nhiệm vụ, phê duyệt, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ theo hướng đề cao tính chủ động của các bộ, địa phương cũng như nâng cao vai trò chủ trì điều hành hoạt động của Bộ KH&CN. Cơ quan nào phê duyệt nhiệm vụ thì có thẩm quyền kiểm tra, điều chỉnh và đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ.

Đề xuất các mức độ quản lý, điều hành của Bộ KH&CN đối với các nhiệm vụ do các bộ ngành, địa phương thực hiện: Quy định cụ thể về các loại nhiệm vụ thuộc Chương trình nhằm giúp việc quản lý, triển khai thực hiện Chương trình phù hợp với tính chất của từng nhiệm vụ; đặc thù từng ngành, địa phương; qua đó khuyến khích huy động được nhiều nguồn kinh phí khác nhau thực hiện nhiệm vụ.

Nên xác định 02 loại hình nhiệm vụ gồm: nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình gồm nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp Bộ và cấp tỉnh và nhiệm vụ gắn với chức năng chuyên môn là các nhiệm vụ đào tạo, tập huấn, tuyên truyền và hoạt động quản lý chung của Chương trình. Riêng đối với nhiệm vụ KH&CN, Bộ KH&CN sẽ chủ trì quản lý, triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, các bộ ngành, địa phương chủ trì quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh.

Nội dung quy định về quản lý nhiệm vụ cần thiết lập hệ thống các biểu mẫu phù hợp, giảm thiểu thủ tục, quy trình và đảm bảo tính công bằng, minh bạch, chấp nhận hồ sơ điện tử, tăng cường khâu hậu kiểm; hình thành bộ phận tham mưu chuyên môn là Ban Chủ nhiệm.

Hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành và tài chính chương trình quốc gia Năng suất chất lượng giai đoạn 2021-2030

 Chương trình quốc gia Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu chính hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Về cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình

Đối với kinh phí ngân sách trung ương: Nhóm này bao gồm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do các cơ quan trung ương quản lý.Trên cơ sở quyết định của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tổ chức chủ trì và kinh phí thực hiện nhiệm vụ, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tổng hợp vào dự toán NSNN năm kế hoạch để gửi Bộ Tài chính, Bộ KH&CN xem xét, phân bổ theo đúng quy định. Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để giao kinh phí dự toán NSNN thực hiện nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành, địa phương thông qua tài khoản dự toán tại Kho bạc Nhà nước.

Việc kiểm soát chi và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ sẽ do từng Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm thực hiện, được tổng hợp trong báo cáo tài chính của từng Bộ, ngành, địa phương.

Với vai trò là cơ quan chủ trì quản lý, điều hành, bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, Bộ KH&CN cũng sẽ kiểm tra, giám sát việc quản lý, chi tiêu kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định tài chính hiện hành (xác định cụ thể tùy theo mức độ can thiệp ở trên).

Đối với kinh phí ngân sách địa phương: Thẩm quyền phê duyệt tổ chức chủ trì và kinh phí thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh, vì vậy công tác lập dự toán, phân bổ dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ cũng sẽ do UBND tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện.

Nguyễn Kim Thanh - Phạm Công Túc

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang