Cần bổ sung danh mục kiểm tra về đo lường khí thải các phương tiện cơ giới

author 08:01 29/06/2022

(VietQ.vn) - Về giải pháp giảm ô nhiễm không khí, PGS. TS. Đoàn Thị Phương Diệp cho rằng, trong thời gian tới, cần bổ sung danh mục kiểm tra về đo lường khí thải các phương tiện cơ giới nhập khẩu.

Theo báo cáo chất lượng không khí toàn cầu của IQAir năm 2022, nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình tại Việt Nam trong năm 2021 là 24,7 μg/m3, có xu hướng giảm so với năm 2020 và 2019. Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5 trên 9 quốc gia; xét trên toàn thế giới Việt Nam xếp thứ 36/117 quốc gia có nồng độ PM2.5 cao nhất…

Theo Báo cáo của Live & Learn, kết quả đo đạc và tính toán cho thấy, nồng độ PM2.5 trung bình năm 2020 và năm 2021 (8 - 35,8 µg/m3) có xu hướng giảm so với năm 2019 (9 - 41 µg/m3).

Trong năm 2020 và 2021, miền Bắc có 10/25 tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gia, bao gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc. Miền Trung và miền Nam không có tỉnh, thành phố nào có nồng độ bụi PM2.5 vượt quy chuẩn quốc gia.

Trên quy mô toàn quốc, theo nghiên cứu của GS. TS Nguyễn Thị Kim Oanh và cộng sự, năm 2018 lượng phát thải PM2.5 từ đốt bỏ phụ phẩm nông nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất (40%), tiếp theo là đun nấu dân sinh (17%), giao thông đường bộ (13%), cháy rừng (12,7%), hoạt động công nghiệp (11%), và nhà máy nhiệt điện (3,3%). Các lĩnh vực còn lại đóng góp chung khoảng 3% tổng lượng phát thải PM2.5 của cả nước.

Mức ô nhiễm đáng báo động tại hai đầu tàu kinh tế

Theo PGS. TS. Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), tổng lượng phát thải khí nhà kính của TP. Hồ Chí Minh năm 2019 là 58.272.149 tấn CO2eq/năm. Chỉ riêng giao thông đường bộ chiếm 13.484.958 tấn CO2eq/năm. Trong đó, xe máy đóng góp cao nhất (63%) phát thải khí nhà kính. Lĩnh vực công nghiệp chiếm 17.612.942 tấn CO2eq/năm.

Mặc dù trong năm 2021 - 2022, chất lượng không khí tại TP. Hồ Chí Minh được cải thiện do các hoạt động sản xuất và giao thông bị đình trệ vì dịch bệnh. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động này gia tăng trở lại khiến vấn đề ô nhiễm không khí tăng cao.

“TP. Hồ Chí Minh có hơn 9 triệu phương tiện cá nhân lưu thông, gồm hơn 8 triệu xe máy và trên 800.000 ô tô. Những phương tiện này phát ra nhiều khí thải đặc biệt vào giờ cao điểm. Trong đó, chất lượng các xe chưa đạt chuẩn do nhiều xe đã cũ khiến khí thải từ động cơ xăng càng độc hại hơn”, PGS.TS. Hồ Quốc Bằng nhận định.

Theo các chuyên gia, hàm lượng các vật chất siêu nhỏ (bụi mịn PM2.5) tại TP. Hồ Chí Minh đang vượt quá tiêu chuẩn khuyến nghị cho sức khỏe. Từ kết quả nghiên cứu cùng các cộng sự của mình vào năm 2019, PGS. TS. Hồ Quốc Bằng chỉ ra rằng, hoạt động công nghiệp đóng góp lượng phát thải PM2.5 cao nhất, khoảng 39,7% tổng lượng PM2.5 tại TP. Hồ Chí Minh.

Đây là “sát thủ thầm lặng” gây các bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư… Mỗi năm, tổng số ca tử vong được phát hiện tại TP. Hồ Chí Minh là hơn 1.300 ca do 3 căn bệnh: ung thư phổi, tim - phổi và IHD (bệnh tim thiếu máu cục bộ) do tiếp xúc với các chất ô nhiễm PM2.5, SO2 và NO2.

Khẳng định ô nhiễm không khí nói chung và phơi nhiễm bụi mịn nói riêng hiện nay là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các rủi ro về sức khỏe, bệnh tật, nhất là bệnh về đường hô hấp, PGS. TS. Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen suyễn, dị ứng và miễn dịch lâm sàng TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, do hệ hô hấp là cơ quan đầu tiên chịu ảnh hưởng và đem chất ô nhiễm đi khắp cơ thể, cộng hưởng với đại dịch Covid-19, bệnh nhân có tiền sử về hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ phải đối mặt với nguy cơ bệnh tình trở nặng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Tại Hà Nội, các nghiên cứu gần đây nhất đều chỉ ra các nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí là hoạt động công nghiệp, giao thông, đốt rơm rạ, đun nấu (dân sinh và thương mại), đốt rác thải, bụi đường. Trong đó, ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 tại Hà Nội bị ảnh hưởng rất lớn từ nguồn bên ngoài, cụ thể chỉ có ⅓ lượng bụi mịn PM2,5 sinh ra trực tiếp từ các nguồn thải tại địa bàn thành phố, và ⅔ lượng bụi còn lại đến từ các tỉnh lân cận, khu vực Đồng bằng sông Hồng, lan truyền từ xa và các nguồn tự nhiên.

Báo cáo Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng tại các quận/huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 - 2021 của Đại học Khoa học Tự nhiên đã chỉ ra: Vụ Đông Xuân năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ đốt rơm rạ trung bình toàn thành phố tăng gấp đôi (từ 22% năm 2020 lên 43,2% năm 2021) và khối lượng bụi PM2,5 phát thải tăng gấp 4 lần (tăng gần 1,5 nghìn tấn).

Hà Nội là thành phố đứng thứ 6 trong xếp hạng các tỉnh, thành phố có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất, mặc dù ô nhiễm bụi PM2.5 năm 2020 và năm 2021 giảm 16% so với năm 2019.

Ảnh minh hoạ

Cần quan trắc thường xuyên chất lượng không khí

Theo PGS. TS. Đoàn Thị Phương Diệp, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), trong thời gian tới, cần bổ sung danh mục kiểm tra về đo lường khí thải các phương tiện cơ giới nhập khẩu. Bà Diệp cho rằng cần triển khai áp dụng nhanh chóng các quy định kỹ thuật về khí thải cho sản xuất cũng như nhập khẩu phương tiện giao thông cơ giới. Bên cạnh đó, thành phố cần có chính sách nâng cao chất lượng giao thông công cộng…

“Nguồn khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đang là nguyên nhân quan trọng dẫn đến ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, một lượng lớn phát thải khí từ nguồn này nằm ngoài danh mục kiểm soát hiện hành. Vì vậy, cần phải có biện pháp giải quyết cụ thể vấn đề này”, TS. Diệp lý giải.

Đồng tình với quan điểm đó, PGS. TS. Hồ Quốc Bằng cho rằng, trường hợp của TP. Hồ Chí Minh cần xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí từ nay đến năm 2025 tầm nhìn 2030 nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Về giải pháp chi tiết, cần kiểm soát được khí thải xe máy, đưa vào quy định kiểm tra khí thải xe máy, nếu xe quá cũ không đạt yêu cầu khí thải phải loại bỏ hoặc yêu cầu người dân phải bảo dưỡng để xe đạt tiêu chuẩn khí thải giống như đang làm với các xe cơ giới.

Được biết, trên phạm vi cả nước, từ năm 2019 đến nay, đã có nhiều văn bản pháp luật ra đời về quản lý chất lượng không khí ở cả cấp trung ương và địa phương. Luật Bảo vệ môi trường 2020, thay thế cho Luật năm 2014, và Nghị định 08/2022-CP đã bổ sung quy định về Kế hoạch Quản lý chất lượng không khí và Trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan.

Tại Hà Nội, một loạt các chỉ thị kiểm soát ô nhiễm không khí đã ra đời và đang là công cụ quản lý để triển khai các giải pháp. Đơn cử, Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về loại bỏ than tổ ong; Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/09/2020 về kiểm soát đốt rơm rạ và chất thải.

Tính đến hết tháng 12/2021, Hà Nội chỉ còn khoảng 316 bếp than tổ ong tại 30 quận huyện trên địa bàn thành phố, giảm 99,42% so với khảo sát năm 2017. Từ năm 2018 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp cùng Live & Learn và 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp kỹ thuật đã thực hiện các can thiệp giảm thiểu đốt rơm rạ, rác thải tại nhiều quận/huyện.

Các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh,... đã thúc đẩy giải pháp xử lý và kiểm soát đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng, sử dụng các loại chế phẩm vi sinh biến rơm rạ thành phân bón, thu cuống rơm rạ để tiếp tục sử dụng vào các mục đích sản xuất nông nghiệp khác.

Năm 2020-2022, Chương trình “Xe sạch – Trời xanh” được Trung tâm Live&Learn phối hợp cùng các cơ quan ban ngành nhà nước thực hiện tại 3 TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, nhằm kiểm soát mức độ phát thải chất gây ô nhiễm không khí của xe mô tô, xe gắn máy. Cùng với đó, Chương trình “Chung tay vì Không khí sạch”, cũng từ nguồn tài trợ của USAID đã thu hút được 194 sáng kiến được gửi về, trong đó có 43 dự án đề xuất nhận được tài trợ để triển khai nhằm giải quyết các vấn đề môi trường ở địa phương.

Năm 2021, trước nguy cơ và tác động sức khỏe do ô nhiễm bụi PM2.5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật Hướng dẫn toàn cầu về Chất lượng không khí nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong đó thắt chặt các ngưỡng khuyến nghị, từ 10 μg/m3 xuống 5 μg/m3 đối với nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm. 

Các nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chỉ ra ô nhiễm không khí là một trong 5 yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật và tử vong sớm, chỉ xếp sau cao huyết áp, hút thuốc, đái tháo đường và nguy cơ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng. Năm 2020, phơi nhiễm với bụi PM2.5 đóng góp số ca tử vong với tỷ suất 38,87 trên 100.000 dân.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang