Cần có chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với vi phạm sở hữu trí tuệ

author 07:00 29/11/2019

(VietQ.vn) - Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công Nghệ cho biết, hiện các vụ xử lý về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, các vụ việc bị xử lý hình sự còn rất ít, thể hiện các chế tài xử phạt của Việt Nam chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.

Theo Báo cáo đặc biệt 301 của Văn phòng Đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR), năm 2019 Việt Nam vẫn nằm trong Danh sách theo dõi (watching list) về tình trạng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Tình trạng vi phạm bản quyền và bán hàng giả mạo quyền SHTT trên môi trường số còn phổ biến, và có diễn biến phức tạp. Mặc dù các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để đẩy lui tình trạng xâm phạm, nhưng kết quả đạt được vẫn còn hạn chế.

Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe

Trao đổi về vấn đề trên, ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công Nghệ cho biết, hiện nay tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền SHTT là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân. Hàng giả mạo và hàng xâm phạm quyền SHTT xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu như: thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu... Vì lợi nhuận, các đối tượng tham gia sản xuất, buôn bán hàng giả, bất chấp những hậu quả pháp lý.

Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công Nghệ. Ảnh: Ngọc Xen. 

Ông Phan Ngân Sơn cũng nêu ra một số thách thức trong việc thực thi giải quyết vấn đề về SHTT. Đơn cử như việc thực thi các chính sách bảo vệ quyền SHTT sẽ tạo ra một môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài cũng như thúc đẩy kinh tế, khuyến khích phát minh kỹ thuật... để tạo ra nhiều việc làm mới và những cơ hội mới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật mới ngày càng tinh vi hơn theo các quy định riêng.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 12/11/2018, có hiệu lực với Việt Nam ngày 14/01/2019. Hiệp định CPTPP đòi hỏi các chủ thể liên quan sẽ phải chấp hành những quy định khắt khe và nghiêm ngặt về SHTT. Các hành vi xâm phạm SHTT bị xử lý hình sự gồm có nhãn hiệu, quyền tác giả, quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh. Các hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử lý hình sự được mở rộng như: hành vi xuất nhập khẩu, hành vi xâm phạm bí mật thương mại, quay phim trong rạp… Do vậy, nếu các doanh nghiệp trong nước không lưu tâm tới việc bảo đảm an toàn thông tin trong kinh doanh thì rất có khả năng sẽ bị truy tố ngay chính sân nhà.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được hai bên ký kết ngày 30/6/2019. Hiệp định EVFTA đưa ra các yêu cầu về thực thi SHTT theo hướng nghiêm khắc hơn, trao quyền cao hơn cho chủ thể thực thi (đặc biệt tại biên giới) và chủ sở hữu quyền, đồng thời nâng mức trách nhiệm, biện pháp trừng phạt đối với chủ thể có hành vi vi phạm các quyền SHTT. Do vậy, để bảo đảm thực thi có hiệu quả các cam kết trong EVFTA, bên cạnh việc nội luật hoá các cam kết của EVFTA, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi quyền SHTT.

Cùng với đó các vụ xử lý về xâm phạm quyền SHTT vẫn chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, các vụ việc bị xử lý hình sự còn rất ít thể hiện các chế tài xử phạt của Việt Nam chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Hơn nữa, phải tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT mới mong được đối tác đối xử ngược lại như vậy với chúng ta.

Đồng thời, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế chuyển đổi, với xuất phát điểm là nền kinh tế chậm và đang phát triển, trình độ phát triển chưa cao, khoảng cách giữa đòi hỏi của các cam kết quốc tế và năng lực thực tế của Việt Nam là không nhỏ, thực thi quyền SHTT tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam là thách thức lớn. Vấn đề vi phạm quyền SHTT tạo ra tâm lý không yên tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài, ngăn cản thu hút đầu tư nước ngoài, đây là lợi ích dài hạn mà Việt Nam cần nâng cao nhận thức của các tầng lớp trong xã hội trong bảo vệ và nghiêm túc thực thi cam kết về SHTT qua đó sẽ khuyến khích sáng tạo và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Cần nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Trước yêu cầu của các cam kết quốc tế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ông Phan Ngân Sơn cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Chiến lược quốc gia về SHTT và Chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 trong đó đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT, cụ thể, trong 9 Nhóm giải pháp của Chiến lược thì đã có 3 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT.

Cần nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ảnh minh họa.

Với nhóm giải pháp về nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền SHTT cần rà soát, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các biện pháp bảo vệ quyền SHTT để phù hợp với bản chất dân sự, thương mại của quyền SHTT; Giới hạn phạm vi áp dụng các biện pháp hành chính đề từ đó từng bước tinh giản đầu mối cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính; Phân định rõ cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền SHTT và thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan bảo vệ quyền SHTT;

Xây dựng đội ngũ thẩm phán có chuyên môn, nghiệp vụ xét xử các vụ việc về SHTT và nghiên cứu việc thành lập tòa án chuyên trách về SHTT; Mở rộng xã hội hóa đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp về SHTT; Phát triển đội ngũ giám định viên về SHTT;

Các giải pháp về tăng cường nguồn nhân lực cho hoạt động SHTT là nhóm giải pháp gián tiếp để hỗ trợ cho các giải pháp khác đạt được các mục tiêu đã đề ra bởi con người luôn là nền tảng quan trọng của mọi hoạt động, trong đó cần xây dựng kế hoạch tổng thể trong việc phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho hệ thống SHTT; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp hoạt động trong các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ quyền SHTT.

Còn với các giải pháp về xây dựng văn hóa SHTT là nhóm giải pháp cần thiết để lan tỏa ra toàn xã hội thói quen luôn đổi mới sáng tạo và ý thức tự bảo vệ quyền SHTT của mình cũng như tôn trọng quyền SHTT của người khác, trong đó cần tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT trong toàn xã hội và sớm đưa SHTT vào chương trình giáo dục, đào tạo tại các trường từ mầm non đến đại học.

Để triển khai hiệu quả các giải pháp đã đề ra tại Chiến lược, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương triển khai Chiến lược, theo đó các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm triển khai các nội dung của Chiến lược theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của minh.

Hiện, Cục SHTT cũng đang chủ trì xây dựng để trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược của Bộ, trong đó có nhiều hoạt động nhằm tăng cường năng lực thực thi quyền SHTT.

Bảo hộ sở hữu trí tuệ: Tránh tình trạng 'mất bò mới lo làm chuồng'(VietQ.vn) - Trong bối cảnh những vi phạm về sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, phức tạp, doanh nghiệp cần nhanh chóng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu đối với sản phẩm của mình, tránh tình trạng 'mất bò mới lo làm chuồng'.

Thanh Minh 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang