Cần quyết tâm đẩy nhanh cải cách, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo

author 06:50 17/09/2021

(VietQ.vn) - Việc hiện thực hóa các cơ hội tiềm tàng phụ thuộc vào quyết tâm của Việt Nam trong việc sẵn sàng vượt qua thử thách cũng như đẩy nhanh tốc độ cải cách nhằm đổi mới thể chế và tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Hạn chế về áp dụng công nghệ kỹ thuật số vẫn tồn tại

Theo Báo cáo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam”, Việt Nam đã đạt được các thành tựu phát triển ấn tượng trong 30 năm qua. Tăng trưởng duy trì ở mức cao, bình quân 7% kể từ năm 1988 dẫn tới thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp năm lần, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Nhờ mở cửa thương mại và đầu tư, Việt Nam đã thu hút lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và tạo ra nhiều việc làm trong phân khúc thâm dụng lao động theo định hướng xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).

Ngày nay, Việt Nam là nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, sản xuất hơn 40% sản phẩm điện thoại của Samsung trên toàn cầu - thể hiện rõ thành công của chiến lược tăng trưởng. Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong chuyển đổi kinh tế với những thách thức chưa từng có tiền lệ trên thế giới và trong nước, đặt ra nhu cầu bức thiết cần thúc đẩy ĐMST trong chương trình nghị sự phát triển quốc gia. Trên đà các thành tựu đạt được, Việt Nam có khát vọng tham gia nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, và theo đuổi hình mẫu phát triển như Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản.

Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư vốn cổ phần tư nhân (VCPE). Cụ thể, góp vốn từ các quỹ Đầu tư Mạo hiểm (VC) tăng gấp bốn lần từ 205 triệu USD năm 2016 lên 889 triệu USD với 92 giao dịch năm 2018.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát càng cho thấy nhu cầu phải đẩy nhanh tốc độ ứng dụng, phổ biến công nghệ, mô hình kinh doanh mới và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ tăng trưởng và tính linh hoạt của doanh nghiệp.

Có thể lấy ví dụ, kể từ khi trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam, trang thương mại điện tử hàng đầu Tiki đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ về số lượng đơn đặt hàng và các nhà bán lẻ hàng đầu cũng ghi nhận doanh số bán hàng trực tuyến tăng mạnh.

Mặc dù đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên, theo Báo cáo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam”, nước ta vẫn đang có những hạn chế về áp dụng công nghệ kỹ thuật số vẫn tồn tại trong tự động hóa các ngành sản xuất. Có lẽ do chi phí lao động còn thấp, số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam có sử dụng các công nghệ Công nghiệp 4.0 như in 3-D, robot còn rất ít. 

Hình 2 minh họa theo chiều rộng các công nghệ đang được sử dụng (Bảng a) và theo chiều sâu - các công nghệ chính yếu, được sử dụng nhiều nhất (Bảng b).

 

Việc chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của Công nghiệp 3.0 - và chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả là vấn đề đáng quan ngại. Kết quả cho thấy vẫn còn khoảng cách đáng kể để bắt kịp mức độ phát triển công nghệ cao nhất và khó có cơ hội lớn thu hẹp khoảng cách và phát triển nhảy vọt. Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tích lũy năng lực đổi mới, trước hết thông qua chuyển đổi quy trình sang sử dụng các công nghệ kỹ thuật số sau đó tiến tới các công nghệ công nghiệp 4.0 phức tạp hơn. Lợi ích mang lại từ hoạt động này có thể rất lớn.

Cần tăng cường hội nhập khu vực và đa dạng hóa

Báo cáo nhận định, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại và thương mại toàn cầu vẫn có nhiều ảnh hưởng, Việt Nam có cơ hội thực hiện những con đường tăng trưởng mới. Là một trong những nền kinh tế mở nhất trên thế giới với mức độ thâm nhập đa dạng vào các chuỗi giá trị toàn cầu, kinh tế Việt Nam dễ bị tổn thương trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn.

Về mặt tích cực, Việt Nam sẽ thu được nhiều kết quả khi quyết định tăng cường hội nhập khu vực thông qua nhiều hiệp định thương mại mới - CPTPP, EVFTA, ASEAN và RCEP - đây chính là con đường tăng trưởng mới thông qua đa dạng hóa dòng chảy thương mại, thị trường và sản phẩm. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã tạo cơ hội để Việt Nam thu hút các công ty nước ngoài muốn chuyển địa điểm hoạt động từ Trung Quốc sang các nước lân cận như Việt Nam để tiếp cận thị trường Mỹ và toàn cầu.

Những thay đổi trong thương mại (bao gồm cả gia tăng nhu cầu về dịch vụ) và công nghệ mang đến những cơ hội khác cho Việt Nam ngoài sản xuất, đặc biệt là công nghệ thông tin (CNTT) và các dịch vụ khác.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 cho thấy thương mại toàn cầu phụ thuộc ngày càng lớn vào các chuỗi cung ứng có nguồn cung đầu vào từ Trung Quốc. Với mức độ hội nhập sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng khi các chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Việt Nam là một nền kinh tế “nhập khẩu để xuất khẩu”, và doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị toàn cầu thường chỉ đảm bảo lưu kho vừa đủ.

Trong ngắn hạn, sự gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào từ Trung Quốc như những tháng đầu năm 2020 chính là yếu tố ảnh hưởng đối với nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, đây có thể là cơ hội để Việt Nam giảm thiểu rủi ro phụ thuộc nguồn cung vào các nhà máy tại Trung Quốc cho các chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách định vị Việt Nam là một địa điểm tiềm năng cho đầu tư FDI cho các nhà cung ứng đầu vào tương tự. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải chuyển từ sản xuất lắp ráp sử dụng lao động tay nghề thấp như hiện nay sang sản xuất có giá trị gia tăng nội địa cao hơn, sử dụng lao động có tay nghề cao hơn.

Việc hiện thực hóa các cơ hội tiềm tàng phụ thuộc vào quyết tâm của Việt Nam trong việc sẵn sàng vượt qua thử thách cũng như đẩy nhanh tốc độ các cải cách chưa hoàn thành trong đổi mới thể chế và tạo môi trường thuận lợi cho ĐMST. Báo cáo Việt Nam 2035 (2016) đưa ra chiến lược hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam và khung chính sách KH, CN và ĐMST để chuyển dịch sang mô hình tăng trưởng theo định hướng năng suất và đổi mới sáng tạo.

Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ cải cách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa

Cụ thể, Báo cáo Việt Nam 2035 (2016) nhấn mạnh rằng để đạt được mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và năng suất, doanh nghiệp phải được đặt ở trung tâm của các chính sách ĐMST với tư cách là chủ thể chính sử dụng tri thức, thay vì chỉ chú trọng khu vực hàn lâm thực hiện hoạt động R&D. 

Trong bối cảnh hệ thống ĐMST quốc gia của Việt Nam còn yếu và đang hoàn thiện, cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp “đường biên công nghệ” - thông qua việc tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia, thay vì cố gắng thúc ép ra công nghệ mới thông qua hoạt động phát minh sáng chế. Đổi mới sáng tạo từng bước tăng dần có tiềm năng tạo ra hiệu quả tăng năng suất lớn nhất cho Việt Nam.

Để tháo gỡ các điểm yếu về cung cầu của hệ thống ĐMST quốc gia tại Việt Nam, cần tiến hành cải cách trong bốn lĩnh vực cụ thể: (1) Khắc phục những điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh, bao gồm các quy định hạn chế không cần thiết, giới hạn cạnh tranh, can thiệp về kinh tế, hạn chế về đổi mới sáng tạo và tài chính cho khởi nghiệp; (2) Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trước hết thông qua tiếp nhận, ứng dụng công nghệ sau đó tiến tới tạo ra công nghệ; (3) Cải thiện số lượng, chất lượng và sự phù hợp của lực lượng lao động; (4) Nâng cao chất lượng và sự phù hợp của chất lượng R&D và tạo ra tri thức.

Báo cáo Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam là sản phẩm của Chương trình Hỗ trợ Phân tích và Tư vấn (ASA) của Ngân hàng Thế giới về nâng cao đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, được xây dựng theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam - thông qua Bộ Khoa học và Công nghệ và được tài trợ bởi Chương trình Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Chính phủ Úc và Nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn II (ABP2).

Báo cáo cung cấp các phân tích hỗ trợ quan trọng cho xây dựng Chiến lược Khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo và Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam. Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mới kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, hướng tới tăng trưởng cao và bền vững cho Việt Nam.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang