Vì sao Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo định hướng đổi mới sáng tạo?

author 07:16 15/09/2021

(VietQ.vn) - Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong chuyển đổi kinh tế với những thách thức chưa từng có tiền lệ. Thực trạng này đặt ra nhu cầu bức thiết là cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong chương trình nghị sự phát triển quốc gia.

Theo định nghĩa được đưa ra trong Báo cáo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam”, đổi mới sáng tạo (ĐMST) được hiểu là việc giới thiệu và áp dụng các sản phẩm, công nghệ, quy trình kinh doanh, mô hình kinh doanh và ý tưởng mới trên thị trường, cũng như việc phát minh ra ý tưởng mới.

Theo quan điểm truyền thống, ĐMST được nhìn nhận qua lăng kính hẹp của khoa học, nghiên cứu và triển khai (R&D), và phát minh sáng chế thuần tuý. Báo cáo này nhìn nhận ĐMST ở phạm vi rộng hơn, khi doanh nghiệp ứng dụng các tri thức/công nghệ tiên tiến sẵn có và trí thức mới nhằm thúc đẩy năng suất và tăng trưởng. Áp dụng và phổ biến tri thức, công nghệ mới mang lại rất nhiều lợi ích tiềm năng, tuy nhiên, các Chính phủ, bao gồm cả Việt Nam, vẫn chưa nỗ lực đầu tư tương xứng để hiện thực hoá những lợi ích này.

Sự cần thiết của mô hình tăng trưởng theo định hướng đổi mới sáng tạo và năng suất 

Theo Báo cáo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam”, Việt Nam đã đạt được các thành tựu phát triển ấn tượng trong 30 năm qua. Tăng trưởng duy trì ở mức cao, bình quân 7% kể từ năm 1988 đã dẫn tới thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp năm lần, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Nhờ mở cửa thương mại và đầu tư, Việt Nam đã thu hút được lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và tạo ra nhiều việc làm trong phân khúc thâm dụng lao động theo định hướng xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC).

Ngày nay, Việt Nam là nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, sản xuất hơn 40% sản phẩm điện thoại của Samsung trên toàn cầu - thể hiện rõ thành công của chiến lược tăng trưởng. Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới trong chuyển đổi kinh tế với những thách thức chưa từng có tiền lệ trên thế giới và trong nước, đặt ra nhu cầu bức thiết cần thúc đẩy ĐMST trong chương trình nghị sự phát triển quốc gia.

Để đối phó với những thách thức trong tương lai, Việt Nam cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong chương trình nghị sự phát triển quốc gia. Ảnh minh họa

Trên đà các thành tựu đạt được, Việt Nam có khát vọng tham gia nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, và theo đuổi hình mẫu phát triển như Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản. Những thách thức về suy giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, tốc độ phát triển nhanh chóng về công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 cùng khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19 mang lại khiến Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nhất là trong các chuỗi giá trị sản xuất và du lịch.

Các quy định hạn chế về đi lại và yêu cầu giãn cách xã hội là một yếu tố khác gây sức ép lên kinh tế trong nước, khiến số lượng lớn doanh nghiệp có nguy cơ phá sản và nhiều người lao động mất việc làm, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, bán lẻ, dịch vụ cá nhân, dịch vụ lưu trú và thực phẩm.

Việc ứng dụng và truyền bá các công nghệ mới, công nghệ kỹ thuật số cùng với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang đến cơ hội nâng cao năng suất và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng. Sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, đặc biệt là làn sóng mới về số hoá, tự động hóa, và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tinh vi sẽ định hình lại chiến lược định hướng xuất khẩu dựa trên thâm dụng lao động với chi phí thấp của Việt Nam. Các đột phá công nghệ trong quá trình sản xuất và phân phối sẽ tác động đến các ngành sản xuất ở mức độ khác nhau, đồng thời mang lại cơ hội mới cho các ngành dịch vụ như một nhân tố bổ trợ cần thiết thúc đẩy thành công của các ngành sản xuất.

Các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng kỹ thuật số và các công ty “siêu ứng dụng” như ZaloPay, Momo mang lại nhiều triển vọng hứa hẹn. Nhìn rõ hơn, có thể thấy các doanh nghiệp dựa trên nền tảng số thường bắt đầu bằng cách cung cấp một dịch vụ và sau đó bổ sung dần dần một hệ sinh thái dịch vụ cho người dùng - do đó được gọi là “siêu ứng dụng”. Ví dụ, ZaloPay là một ứng dụng thanh toán di động ra mắt vào năm 2017 nhưng được xây dựng trên nền tảng Zalo, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam, ra mắt vào năm 2012. Còn Momo là một công ty khởi nghiệp Fintech và cho phép khách hàng thực hiện chuyển tiền, thanh toán hóa đơn và giải quyết các khoản vay cá nhân và đã phát triển sang dịch vụ mua hàng, tức là thương mại điện tử.

Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư mạo hiểm, đầu tư vốn cổ phần tư nhân (VCPE). Cụ thể, góp vốn từ các quỹ Đầu tư Mạo hiểm (VC) tăng gấp bốn lần từ 205 triệu USD năm 2016 lên 889 triệu USD với 92 giao dịch năm 2018.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát càng cho thấy nhu cầu phải đẩy nhanh tốc độ ứng dụng, phổ biến công nghệ, mô hình kinh doanh mới và giải pháp kỹ thuật số để hỗ trợ tăng trưởng và tính linh hoạt của doanh nghiệp. Có thể lấy ví dụ, kể từ khi trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam, trang thương mại điện tử hàng đầu Tiki đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ về số lượng đơn đặt hàng và các nhà bán lẻ hàng đầu cũng ghi nhận doanh số bán hàng trực tuyến tăng mạnh.

Nhiều dư địa cho tăng cường đổi mới sáng tạo và số hóa trong doanh nghiệp

Báo cáo cũng nhận định, Việt Nam hiện còn nhiều dư địa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và chiếm 1/2 lực lượng lao động.

Khoảng 20% hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ tinh vi về kinh doanh để có thể tăng năng suất và mở rộng thị trường. Có rất nhiều cơ hội để cải thiện năng suất doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng và phổ biến công nghệ tại Việt Nam.

Về công nghệ kỹ thuật số, kết quả khảo sát mới đây về áp dụng công nghệ (2020) cho thấy, với các loại hình kinh doanh khác nhau, trung bình chỉ có 20% doanh nghiệp sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh chung (GBF) tại Việt Nam - bao gồm tiếp thị, thanh toán, lập kế hoạch sản xuất để hỗ trợ bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng. 

Chỉ số sẵn sàng về công nghệ số thể hiện mức độ số hóa các hoạt động kinh doanh khác nhau của một doanh nghiệp. Một công ty có thể áp dụng công nghệ số trong một số nhiệm vụ. Ví dụ, doanh nghiệp có thể thực hiện bán hàng trực tuyến và đồng thời quản lý chuỗi cung ứng bằng các công nghệ số. Chỉ số này có giá trị nằm trong khoảng từ 0 đến 1, trong đó chỉ số đạt giá trị 1 với hoạt động bán hàng khi tất cả hoạt động bán hàng được thực hiện trên nền tảng trực tuyến hoặc website riêng.

Tình hình số hóa các hoạt động kinh doanh tổng thể trong doanh nghiệp tại Việt Nam. Nguồn: Cirera, Comin, Cruz và Lee (2020).

Có rất nhiều dư địa để tăng cường số hóa trong hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ, trong khi hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể thực hiện bán hàng trực tuyến, chỉ có 1% doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng sử dụng một số phương thức bán hàng kỹ thuật số thường xuyên hơn các phương pháp khác, hoặc thông qua nền tảng xã hội hoặc (thông thường) trên website của riêng họ.

Điều này được thể hiện trong chỉ số kỹ thuật số ở mức 0,1 với hoạt động bán hàng. Một phần nguyên nhân dẫn đến mức độ ứng dụng thấp là do hầu hết giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam đều được thực hiện bằng tiền mặt (90%) so với tỷ lệ 51% tại Indonesia và 48% tại Malaysia. Tiềm năng thanh toán điện tử cần được khai thác bằng cách đẩy mạnh việc xây dựng quy định cho phép các tổ chức phi ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam.

Mặt khác, có 51% doanh nghiệp sử dụng các công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động tiếp thị và quảng cáo. Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức hiện hữu song hành cùng cú sốc của đại dịch COVID-19.

Báo cáo Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam là sản phẩm của Chương trình Hỗ trợ Phân tích và Tư vấn (ASA) của Ngân hàng Thế giới về nâng cao đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, được xây dựng theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam - thông qua Bộ Khoa học và Công nghệ và được tài trợ bởi Chương trình Quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Chính phủ Úc và Nhóm Ngân hàng Thế giới giai đoạn II (ABP2).

Báo cáo cung cấp các phân tích hỗ trợ quan trọng cho xây dựng Chiến lược Khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo và Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam.

Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mới kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, hướng tới tăng trưởng cao và bền vững cho Việt Nam.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang