Cận Tết Trung thu, đồ chơi bạo lực trẻ em 'hoành hành'

author 10:05 07/09/2022

(VietQ.vn) - Theo lực lượng chức năng, những ngày cận Tết Trung thu là thời điểm rộ lên tình trạng nhập lậu đồ chơi trẻ em gia tăng. Trong số đó phải kể tới đồ chơi bạo lực.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn, Tết Trung thu cận kề, thị trường đồ chơi cho trẻ em nhộn nhịp, sôi động trở lại, các các hộ kinh doanh đã ồ ạt nhập lậu đồ chơi các loại từ bên kia biên giới để phục vụ thị trường, trong đó có cả đồ chơi bạo lực hình súng hay hình dao kiếm, bất chấp những cảnh báo về tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.

Thu giữ lượng lớn đồ chơi bạo lực trẻ em nhập lậu

Cụ thể, thông qua công tác quản lý, nắm bắt địa bàn, đồng thời kết hợp với công tác theo dõi, nắm tình hình hoạt động kinh doanh hàng hóa trên các trang mạng xã hội zalo, Facebook, Tổ Quản lý địa bàn huyện Bình Gia thuộc Đội QLTT số 5- Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn phát hiện 02 tài khoản Zalo, Facebook có tên: Facebook “Luongthiminh ” địa chỉ Khối phố ngã tư, thị Trấn Bình Gia do Lương Thị Vỳ là chủ hộ kinh doanh; Facebook có tên “phunghanh' địa chỉ khối phố 6A, thị trấn Bình Gia do Phùng Thị Hạnh là chủ hộ kinh doanh để quảng cáo bán hàng hoá có dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra lực lượng chức năng còn phát hiện 3 hộ kinh doanh đồ chơi trẻ em do nước ngoài sản xuất có tính bạo lực, không đảm bảo an toàn sử dụng.

Kiểm tra thực tế các hộ kinh doanh nêu trên, Tổ địa bàn huyện Bình Gia Hộ kinh doanh phát hiện tại Hộ kinh doanh Lương Thị Vỳ và Phùng Thị Hạnh bày bán kem dưỡng da VITAMIN E, Sữa tắm HAPPY BAPH và 03 hộ kinh doanh đồ chơi trẻ em có tính bạo lực, không đảm bảo an toàn sử dụng, gồm: Mô hình súng bằng nhựa, dao, kiếm nhựa. Toàn bộ số hàng hoá của các hộ nêu trên do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hàng hoá.

Đội QLTT số 5 đã lập hộ sơ vụ việc, xử phạt 05 hộ kinh doanh nêu trên, buộc các hộ kinh doanh tiêu huỷ toàn bộ hàng hoá vi phạm.

 Đồ chơi bạo lực trẻ em nhập lậu gia tăng trong dịp Tết Trung thu cha mẹ nên thận trọng. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

Tương tự, Đội QLTT số 1- Cục QLTT Lạng Sơn phát hiện 02 hộ kinh doanh Hoàng Yến Hoa: Số 29, đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn và Hoàng Bảo Châu: Số 15, đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn có bày bán một số hàng hoá đồ chơi bạo lực và đồ chơi nhập lậu.

Tang vật vi phạm hành chính gồm: 02 loại hàng hóa là đồ chơi dành cho trẻ em, cụ thể: Súng nhựa dùng pin loại dài 30cm, số lượng: 50 cái, giá bán niêm yết tại cửa hàng là 50.000 đồng/cái; Kiếm nhựa dùng pin loại dài 60cm, số lượng: 40 cái, giá bán niêm yết tại cửa hàng là 50.000 đồng/cái; 55 cái kiếm nhựa đồ chơi trẻ em (loại dài 50cm) giá bán niêm yết tại cửa hàng là 45.000 đồng/1 cái và 20 vỉ đồ chơi bác sỹ trẻ em làm bằng nhựa (loại 10 chi tiết/ 1 vỉ) giá bán niêm yết tại cửa hàng là 80.000 đồng/1 vỉ. 

Tại tỉnh Bắc Ninh, Đội QLTT số 1 Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh kiểm tra đột xuất cửa hàng Dương Linh Kids (địa chỉ số 250, đường Trần Hưng Đạo, phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Lực lượng chức năng phát hiện tại cửa hàng này đang bày bán 101 khẩu súng nhựa và 17 chiếc kiếm nhựa đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực. 

Tại tỉnh Lai Châu, Đội QLTT số 2 cũng phát hiện trên xe ô tô BKS 34C 263.78 có 304 bộ đồ chơi trẻ em có hình dạng súng và kiếm bằng nhựa. Thời điểm kiểm tra, chủ xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của lô hàng. 

Nguy cơ từ đồ chơi bạo lực dành cho trẻ em

Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, PGS.TS.Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục - ĐHQGHN cho rằng, tất cả những đồ chơi mang khuynh hướng bạo lực đều ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của các con. Nó ảnh hưởng thế giới quan cũng như cách thức mà đứa trẻ ứng xử với thế giới. Cũng như các bộ phim bạo lực nếu có nhiều trường hợp anh hùng mà lại được khuyến khích bởi những hành động rất bạo lực thì chúng ta cũng nhìn thấy ảnh hưởng hành vi ứng xử của chính đứa trẻ trong môi trường học đường.

PGS.TS.Trần Thành Nam cho biết, tại sao trong thời gian gần đây có rất nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau sử dụng hung khí. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng nó liên quan đến các biểu tượng nữ anh hùng xuất hiện trên màn ảnh và sử dụng hành động bạo lực để thu hút, trở thành thần tượng của giới trẻ. Khi chúng ta biết các con đang tiếp cận với đồ chơi bạo lực thì chúng ta cần có cách ứng xử phù hợp. Những dạng đồ chơi như thế này các con chỉ sử dụng trong một số hoàn cảnh nhất định chứ không sử dụng trong tình huống thực tế. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cần khuyến cáo các con nếu đưa những đồ chơi này lên mạng thì bản thân sẽ gặp các rắc rối như thế nào. 

Khi đưa trẻ đi mua đồ chơi, các bậc phụ huynh cũng cần thông thái hơn trong việc lựa chọn đồ chơi Trung thu cho con em mình, đừng vì tâm lý "trẻ chơi được vài ngày sẽ chán" mà ham rẻ hoặc chủ quan. Hãy kiểm tra rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm đó đã được kiểm định về an toàn chất lượng chưa, có phù hợp với lứa tuổi, hay ngoài mang tính giải trí nó còn có khả năng giáo dục gì không.

QCVN 3:2019/BKHCN- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em 

Giới hạn về hợp chất hữu cơ độc hại

Chất lỏng trong đồ chơi trẻ em

Chất lỏng có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được có pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 

Formaldehyt trong đồ chơi dành cho trẻ em dưới 3 tuổi

Các chi tiết bằng vải dệt có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg.

Các chi tiết bằng giấy có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg.

Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 80 mg/kg.

 Phtalat trong đồ chơi trẻ em

Đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phtalat di(2-etylhexyl) phtalat (DEHP), dibutyl phtalat (DBP) hoặc butyl benzyl phtalat (BBP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat.

Đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phtalat diisononyl phtalat (DINP), diisodecyl phtalat (DIDP) hoặc di-n-octyl phtalat (DNOP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat.

Amin thơm trong đồ chơi trẻ em

Hàm lượng của các amin thơm (bao gồm cả các dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu đồ chơi hoặc bộ phận của đồ chơi không được vượt quá các mức được quy định.

Quy định về hàm lượng các amin thơm áp dụng đối với các loại vật liệu đồ chơi và bộ phận của đồ chơi được nêu trong Bảng 2.

Yêu cầu an toàn đối với đồ chơi trẻ em sử dụng điện

Đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24 V và không một bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24 V.

Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa các rủi ro về điện.

Yêu cầu ghi nhãn

Đồ chơi trẻ em phải có nhãn hàng hóa theo đúng quy định hiện hành. Nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và phải theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang