Cần tìm hiểu kỹ cơ sở thẩm mỹ khi làm đẹp để tránh "tiền mất, tật mang"

author 09:30 22/07/2022

(VietQ.vn) - Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế vừa xử phạt spa Daisy Spa 35 triệu đồng về hành vi quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động. Sự việc một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh với người dân khi lựa chọn cơ sở làm đẹp.

Cụ thể, ông Trần Đình Oanh - Chánh Thanh tra Sở Y tế Thừa Thiên Huế vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cơ sở Daisy Spa (địa chỉ tại 49 Bến Nghé, phường Phú Hội, TP.Huế) số tiền 35 triệu đồng vì có hành vi vi phạm hành chính quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh.

Theo quyết định, Cơ sở Daisy Spa phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc tháo dỡ, xóa quảng cáo thông tin có liên quan đến hoạt động thẩm mỹ của cơ sở.

 Cơ sở Daisy Spa bị Thanh tra Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt.

Sự việc trên thêm lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh với người dân. Hiện nay, nắm bắt nhu cầu làm đẹp bùng nổ, nhiều cơ sở dù chưa được cấp phép hoạt động vẫn quảng cáo, thực hiện nhiều dịch vụ dẫn đến hệ lụy nặng nề. Điển hình là 2 vụ tử vong thương tâm gần đây do tai biến thẩm mỹ. Trường hợp mới nhất là cô gái 22 tuổi thực hiện phẫu thuật nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ H.M.P. (Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) từ tháng 1/2022, bị biến chứng và tử vong sau 2 tháng hôn mê; người thực hiện được cho là hành nghề không phép.

Trước đó không lâu, một phụ nữ cũng tử vong trong quá trình nâng ngực tại Bệnh viện 1A (TP.Hồ Chí Minh) gây chấn động dư luận. Chưa hết, một vài trường hợp nguy cơ mù mắt vì tiêm filler nâng mũi tại spa không đảm bảo tiêu chí để thẩm mỹ… dẫn đến tiền mất, tật mang.

Tuy nhiên, bất chấp tai biến đã xảy ra, tình trạng cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện vẫn hoạt động đang diễn ra ở nhiều nơi. Theo tìm hiểu của PV, sở dĩ những cơ sở thẩm mỹ hành nghề trái phép nhưng vẫn thu hút khách hàng là bởi họ đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại với đủ chiêu trò quảng cáo. Ví dụ như dịch vụ nhấn mí tại các bệnh viện thẩm mỹ hay cơ sở thẩm mỹ được cấp phép đang thực hiện với giá 5 triệu đồng thì ở các spa chỉ mất 1,5 đến 2 triệu đồng… Hay như với dịch vụ tiêm filler, trong khi các viện thẩm mỹ, các bệnh viện đang thực hiện với giá từ 5 đến 10 triệu đồng tùy vùng tiêm thì nhiều spa chỉ lấy phí dịch vụ số tiền 2 - 3 triệu đồng.

Theo quy định, một bác sĩ muốn hành nghề tạo hình - thẩm mỹ phải qua lớp đào tạo định hướng chuyên khoa về phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ từ 8 - 24 tháng. Muốn được cấp chứng chỉ hành nghề, bác sĩ phải qua thực hành 18 tháng nữa và thực hiện tối thiểu 30 ca. Sở Y tế sẽ thẩm tra, xác minh trong trường hợp nghi ngờ người hành nghề báo cáo sai sự thật, không đủ số ca thực hành và thời gian thực hiện.

Một bác sĩ muốn mở phòng khám chuyên khoa hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ, ngoài giấy phép kinh doanh còn phải có bằng định hướng chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, chứng chỉ hành nghề, có thời gian thực hành khám, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ 54 tháng. Ngoài ra, phòng khám phải có điều dưỡng đã được đào tạo chuyên môn, có phòng khám bệnh, phòng tiểu phẫu, phòng lưu, thuốc cấp cứu...

Trước thực trạng nở rộ các cơ sở làm đẹp, trong đó có nhiều cơ sở hoạt động "chui", các bác sĩ khuyến cáo khi làm đẹp cần tìm hiểu thật kỹ về cơ sở thực hiện, chọn các cơ sở lớn có uy tín hoặc các bệnh viện, tránh tâm lý vội vàng gấp gáp dễ xảy ra biến chứng. Hiện nay, chúng ta có rất nhiều kênh thông tin quảng cáo tuy nhiên chỉ có tính chất tham khảo, quan trọng nhất vẫn cần phải tìm hiểu thực tế.

Đặc biệt, khách hàng cần kiểm tra thông tin của bác sĩ, phòng khám trên cơ sở dữ liệu của Sở Y tế địa phương. Để lựa chọn cơ sở làm đẹp thì cần hội đủ hai yếu tố. Thứ nhất, người đủ điều kiện để thực hiện các phẫu thuật và thủ thuật có xâm lấn, nhẹ nhất là tiêm filler, rồi làm mí, mũi… thì chỉ có các bác sĩ đã được đào tạo về chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Các cơ sở được phép thực hiện những dịch vụ trên phải được cấp phép của Sở Y tế địa phương hoặc tại các bệnh viện có khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

Theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 9 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP, thẩm mỹ viện hoạt động không phép có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.

Trường hợp người trực tiếp thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ làm chết người, tùy theo tính chất vụ việc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 117 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), mức hình phạt nhẹ nhất từ 01-05 năm tù, nặng nhất là 15 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang