Cẩn trọng với những lời 'kêu cứu ảo' trên ứng dụng cứu trợ

author 07:24 25/08/2021

(VietQ.vn) - Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, Zalo đã cập nhật tính năng mới Zalo Connect trên ứng dụng điện thoại để kết nối các nhà hảo tâm với người gặp khó khăn. Tuy nhiên, những lời "kêu cứu ảo" đã khiến người muốn giúp đỡ qua ứng dụng gặp phiền phức.

Trong thời gian gần đây, nhiều phần mềm “Make in VietNam” đã được các tổ chức, doanh nghiệp triển khai nhằm hỗ trợ cộng đồng trong công tác phòng, chống Covid-19. Trong đó, nổi bật và thu hút được lượng người tham gia lớn có thể kể đến Zalo Connect, ứng dụng tìm kiếm sự trợ giúp từ cộng đồng dành cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch.

Trên thực tế, Zalo Connect đã có thể sử dụng ở hơn 20 tỉnh/thành đang thực hiện giãn cách như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai … Thông qua ứng dụng này, người dùng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp từ cộng đồng về lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm cũng như sự giúp đỡ của bác sĩ tư vấn y khoa. 
 
Tính năng nổi bật nhất của Zalo Connect là cho phép các cá nhân, tổ chức thiện nguyện dễ dàng tiếp cận được những trường hợp thực sự gặp khó khăn đang ở gần khu vực sinh sống của mình và thực hiện các hoạt động tương trợ một cách kịp thời. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, việc kết nối cộng đồng như vậy là vô cùng cần thiết và hữu ích.
 
Tính năng Zalo Connect kết nối cộng đồng người dùng Zalo có thể giúp đỡ lẫn nhau qua mùa dịch. Ảnh: Diệu Hương
 
Theo thống kê từ Zalo Connect, có đến 93% yêu cầu hỗ trợ của người dân thời gian qua liên quan đến vấn đề lương thực. Ngoài ra, 24% số yêu cầu đề cập tới nhu yếu phẩm, 8% cần thuốc men và 7% cần bác sĩ tư vấn về sức khỏe.
 
Bên cạnh đó, đã có những cá nhân lợi dụng việc sử dụng ứng dụng Zalo Connect để trục lợi cho bản thân. Cụ thể, trường hợp của chị H.L (Hà Nội). Chị H.L cho biết, mỗi ngày chị truy cập vài lần để tìm đến những người cần hỗ trợ và gửi nhu yếu phẩm cho họ. Sau vài ngày, chị đã kết nối và giúp được hơn chục người qua các ứng dụng. Tuy nhiên, song song với sự tiện lợi mà giải pháp mang lại, không ít những yêu cầu "ảo" xuất hiện gây khó dễ cho những người muốn giúp đỡ.

Chị H.L chia sẻ, chị nhận được thông tin của người cần được giúp đỡ với nội dung ban đầu là họ cần nhu yếu phẩm. Thế nhưng, sau khi trao đổi, họ lại bảo không muốn nhận đồ mà muốn nhận tiền, thậm chí số tiền khá lớn. Trong 10 trường hợp chị liên hệ gần đây, có hai trường hợp như vậy. 

Trong cùng diễn biến, chị H.Y (Cầu Giấy) cũng là một "nạn nhân" của những lời "kêu cứu ảo" trên Zalo Connect. Chị H.Y nhận được yêu cầu của 1 cá nhân với mong muốn được hỗ trợ nhu yếu phẩm. Khi chị đóng gói đầy đủ hàng và đem đến nơi thì đối phương nói rằng họ không cần nữa và không có nhu cầu lấy đồ. Chị H.Y bức xúc vì việc vận chuyển đồ trong bối cảnh Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 17 rất khó khăn mà lại chịu cảnh bị "bom hàng" khi giúp người khác. 

Mặc dù những giải pháp giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như Zalo Connect, SOSMap được đánh giá là kênh hiệu quả giữa người có nhu cầu nhận và cho nhu yếu phẩm, lương thực, thiết bị y tế...Thực thế lại cho thấy, một số người lại truy cập vào các ứng dụng này để đùa cợt, như đăng yêu cầu cần hỗ trợ bia rượu, đồ nhậu, món ăn đắt tiền... Thậm chí, có người còn tận dụng công cụ này để quảng cáo. 
 
Một số người sử dụng những ứng dụng này cho rằng, những yêu cầu ảo như vậy làm tốn thời gian và công sức của người muốn làm việc tốt, trong khi người thực sự cần hỗ trợ có thể bị ảnh hưởng. 
 
Hiện các nền tảng kết nối đã đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng nàyĐơn vị phát triển bản đồ SOSMap nhận định, khi xây dựng nền tảng, họ cũng phải xây dựng một đội tổng đài viên để tiếp nhận cũng như xác minh thông tin của người cần cho và nhận. Hầu hết yêu cầu gửi lên hệ thống đều là từ người cần hỗ trợ thực sự.
 
Zalo Connect cũng có giải pháp lọc nội dung, cũng như bổ sung tính năng Báo cáo. Khi phát hiện người đăng tin hỗ trợ nhưng không đúng mục đích, chẳng hạn quảng cáo, lừa đảo hay làm phiền, người dùng có thể báo cáo để hệ thống xử lý.
 
Tại tọa đàm trực tuyến CTO Talk sáng 24/8, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ghi nhận có tình trạng này, nhưng số lượng không nhiều. Ước tính, những hành vi lợi dụng các nền tảng kết nối cho mục đích khác chỉ chiếm khoảng dưới 3% và không có dấu hiệu gia tăng hay có khả năng trở thành xu hướng phổ biến. Nền tảng, ứng dụng hay bất cứ thứ gì khác trong xã hội của chúng ta, bên cạnh các mặt tốt cũng có thể bị lợi dụng. Bộ Thông tin và Truyền thông từ góc độ cơ quan chức năng, khi phát hiện ra đều sẽ phân loại để có hướng xử lý phù hợp, qua đó nâng cao niềm tin của mọi người khi tham gia vào nền tảng này. 
 
Ông Nguyễn Đình Quân, kỹ sư quản lý dự án đang làm việc tại Đức cho hay, tình trạng trên không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà cũng xuất hiện cả trên thế giới. Để tránh việc lợi dụng ứng dụng kết nối cho mục đích xấu, cần có quy định rõ ràng của pháp luật, đồng thời ràng buộc các nhà phát triển phải chịu trách nhiệm về các nội dung xuất hiện trên nền tảng của mình. Các nhà phát triển cũng cần cung cấp công cụ để người dùng báo cáo, qua đó, họ có thể nắm được và phản ứng ngay với những thông tin như vậy. 
 
Diệu Hương (T/h)
 
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang