Cảnh báo chiêu trò mạo danh bệnh viện để sản xuất, bán thuốc giả

(VietQ.vn) - Bệnh viện Da liễu Trung ương và Bệnh viện Vũng Tàu đồng loạt phát đi cảnh báo về tình trạng mạo danh cơ sở y tế để sản xuất, phân phối thuốc giả và dịch vụ y tế không được cấp phép.
Chuyên gia cảnh báo nguy hiểm từ độc tố chưa có thuốc giải trong quả dừa bị hỏng
Lạm dụng thuốc giảm đau gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe
Tổn thương não do uống thuốc quảng cáo ‘7 ngày giảm 7 cân’ mua trên mạng
Ngộ độc nặng do sử dụng thuốc giảm cân mua trên Tiktok
Ngày 15/4, Bệnh viện Da liễu Trung ương ra thông báo cảnh báo tình trạng mạo danh cơ sở này để sản xuất và tiêu thụ thuốc giả. Đại diện bệnh viện khẳng định, đơn vị hoàn toàn không sản xuất bất kỳ loại thuốc nào và chỉ khám, điều trị, bán thuốc tại một địa chỉ duy nhất: 15A Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo lãnh đạo bệnh viện, hành vi mạo danh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh đơn vị mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn cho sức khỏe người dân khi sử dụng sản phẩm y tế không rõ nguồn gốc. Xét dưới góc độ pháp lý, đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Loại thuốc không rõ nguồn gốc mạo danh Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Tương tự, Bệnh viện Vũng Tàu cũng đang đối mặt với tình trạng một số cá nhân mạo danh bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh để cung cấp dịch vụ chăm sóc mẹ và bé tại nhà, đồng thời chào bán sữa, thực phẩm chức năng, thuốc... Ban Giám đốc Bệnh viện Vũng Tàu khẳng định, không có bất kỳ liên kết, hợp tác nào liên quan đến các hoạt động nói trên.
Bệnh viện khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi cung cấp thông tin cá nhân cho các hội nhóm trên mạng xã hội hoặc đối tượng tự xưng là nhân viên bệnh viện. Đơn vị cũng công khai danh sách 5 số điện thoại chính thức để người dân xác minh khi cần thiết. Mọi cuộc gọi không đến từ các đầu số này đều cần được kiểm tra lại thông tin.
Về tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả, ngày 14/01 tại TP.Hồ Chí Minh, Công an thành phố đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả có quy mô đặc biệt lớn do vợ chồng Ngô Kim Diệu – Nguyễn Thị Ngọc Hương cầm đầu. Theo đó, đối tượng Ngô Kim Diệu - Giám đốc Công ty TNHH Kingpharm và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Hương - Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiến Lâm đã thành lập và sử dụng các pháp nhân này làm bình phong cho hoạt động sản xuất thuốc giả dưới dạng viên nang, với nguyên liệu kết hợp giữa đông y và tân dược, dán nhãn với 33 thương hiệu tự chế, gắn mác nhập khẩu từ Singapore, Malaysia.
Lực lượng chức năng đã khám xét 4 địa điểm, thu giữ hơn 56.000 sản phẩm thuốc giả, 1.600kg nguyên liệu cùng 5 hệ thống máy đóng gói, tổng trị giá ước tính hơn 45 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số nguyên liệu sử dụng để bào chế thuốc uống cho người lại có nguồn gốc từ thức ăn chăn nuôi. Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 22 đối tượng liên quan, tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Các chuyên gia cảnh báo, người dân cần tuyệt đối không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không mua thuốc từ mạng xã hội, đồng thời nên đến cơ sở y tế chính thống để được kê đơn, tư vấn đúng cách. Việc sử dụng thuốc giả không chỉ khiến bệnh tình không thuyên giảm mà còn có thể gây biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giả là sản phẩm được sản xuất với ý đồ lừa đảo, gồm các trường hợp sau: hoàn toàn không có dược chất ghi trên nhãn thuốc; có dược chất nhưng hàm lượng ít hơn, thậm chí rất ít so với hàm lượng được ghi trên nhãn; có dược chất nhưng dược chất hoàn toàn khác so với dược chất ghi trên nhãn, thậm chí có thuốc giả trong đó dược chất là độc chất gây chết người; có dược chất ghi đúng trên nhãn, có bao bì, quy cách đóng gói, tên thuốc giống như thuốc của chính hãng được quyền sở hữu công nghiệp nhưng do một hãng làm giả sản xuất.
Thuốc giả gây tác hại ở 2 phương diện: gây thiệt hại rất trầm trọng đến uy tín của các hãng dược phẩm nổi tiếng làm ăn chân chính. Thuốc bị làm giả người dùng thuốc không phân biệt được đâu là thật hay giả do thuốc giả dùng tên thuốc, nhãn hiệu, thương hiệu, bao bì được làm giả giống y như thuốc thật.
Thuốc giả gây tác hại cho chính người dùng thuốc. Nếu thuốc giả không chứa dược chất hoặc chứa dược chất nhưng không đủ hàm lượng, người bệnh dùng sẽ không chữa được bệnh, làm bệnh nặng thêm và có thể dẫn đến tử vong. Nhưng nguy hiểm hơn có loại thuốc giả chứa độc chất nguy hiểm, người bệnh dùng bị tai biến (như trường hợp thuốc giả mạo là đông dược trộn thuốc corticoid gây các tai biến trầm trọng), hoặc gây chết người.
Duy Trinh (t/h)