Cảnh báo có thể mù mắt nếu đeo kính áp tròng đi tắm

author 05:52 19/10/2022

(VietQ.vn) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo, tắm vòi sen trong khi đeo kính áp tròng hoặc làm sạch kính áp tròng bằng nước máy dễ khiến viêm giác mạc Acanthamoeba.

Bệnh nhân Marie Mason được chẩn đoán mắc bệnh viêm giác mạc Acanthamoeba - một dạng nhiễm trùng hiếm gặp, nghiêm trọng, do sinh vật cực nhỏ xâm nhiễm vào giác mạc mắt. Bệnh chủ yếu xảy ra ở người đeo kính áp tròng, song nhìn chung ai cũng có thể mắc phải.

Mason tin rằng ký sinh trùng đã xâm nhập vào mắt khi bà tắm mà không tháo kính áp tròng, sau đó làm tổn thương vùng mắt. Những tổn thương đầu tiên xuất hiện vào năm 2015.

Theo chia sẻ của Marie Mason: "Khi ấy, tôi cảm giác có dị vật trong mắt, giống như cát hoặc sạn. Tuy nhiên với cát bụi thông thường, cảm giác sẽ biến mất khi bạn chà xát, còn tôi lúc nào cũng thấy khó chịu".

Bà điều trị bằng nhiều loại thuốc uống, thuốc nhỏ mắt và trải qua ba lần ghép giác mạc, song đều không thành công. Sau 5 năm, bà quyết định bỏ mắt trái và thay bằng nhãn cầu giả. Bà gặp khó khăn vì tầm nhìn bên trái hoàn toàn biến mất, mỗi lần đi bộ, xuống phố là một thử thách. Tuy nhiên, Mason đã vượt qua và làm quen với thị lực mới.

 Đeo kính áp tròng khi tắm có thể gây mù. Ảnh minh họa

Mason không phải là người đầu tiên mất thị lực vì bệnh Acanthamoeba. Năm 2019, một bệnh nhân 41 tuổi mù mắt trái do nhiễm ký sinh trùng, xuất phát từ thói quen đeo kính áp tròng khi bơi lội và tắm vòi hoa sen.

Tiếp đến, sau một lần tắm quên tháo kính áp tròng, Nick Humphreys, 29 tuổi, Mỹ, bị nhiễm ký sinh trùng làm mù mắt. Nick Humphreys bị cận từ năm 4 tuổi và bắt đầu sử dụng kính áp tròng vào năm 2013. Từ đó, anh có sở thích đeo kính áp tròng bất kể nơi đâu, kể cả khi ra sân chơi thể thao.

Một buổi sáng năm 2018, sau khi đến phòng tập, Nick tắm và quên không tháo kính áp tròng khi tắm. "Tôi không thấy bất cứ cảnh báo nào liên quan đến việc không được sử dụng kính áp tròng khi tắm. Các bác sĩ khoa mắt cũng không cảnh báo tôi những điều này", anh cho biết.

Vài ngày sau đó, Nick nhận thấy mắt phải đã xuất hiện một vết xước, thoạt đầu nghĩ do kính áp tròng của mình bị trầy. Một tuần tiếp theo, anh hạn chế sử dụng điện thoại và máy tính, giảm độ sáng màn hình thấp nhất có thể và thường xuyên nhỏ thuốc mắt nhưng tình hình nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ khám kết luận anh đã bị loét mắt, chuyển đến Bệnh viện Royal Shrewsbury để điều trị. Ở đây, các chuyên gia xét nghiệm và xác định anh mắc hội chứng viêm nhiễm giác mạc liên quan đến ký sinh trùng hiếm gặp (Acanthamoeba keratitis - AK) ở mắt phải.

Sau khi sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt để khử trùng trong ba tuần, tình hình có vẻ khả quan hơn. Thế nhưng chỉ hai tháng sau, mắt phải anh mất thị lực hoàn toàn.

Các triệu chứng của viêm giác mạc Acanthamoeba gồm đau mắt, mờ mắt, nhạy cảm với ánh sáng và cảm giác có vật gì đó trong mắt. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo mọi người nên đến bác sĩ nếu có bất kỳ biểu hiện nào tương tự.

Theo CDC, tắm vòi sen trong khi đeo kính áp tròng hoặc làm sạch kính áp tròng bằng nước máy dễ khiến viêm giác mạc Acanthamoeba. Bệnh gây đau dữ dội, thậm chí dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị.

John Dart, giáo sư danh dự tại Viện Nhãn khoa UCL Anh cho biết, có khoảng 150 đến 200 người Anh mắc bệnh này mỗi năm. Rất ít người phải phẫu thuật bỏ mắt nhưng khoảng một nửa số bệnh nhân sẽ mất đáng kể thị lực.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang