Cảnh báo gia tăng đối tượng làm giả giấy test nhanh COVID-19 âm tính để bán và trục lợi

author 13:32 23/08/2021

(VietQ.vn) - Công an tỉnh Bình Dương cho biết, do lợi dụng nhu cầu di chuyển trong những ngày giãn cách do dịch COVID-19, một số đối tượng đã làm giả giấy test nhanh COVID-19 âm tính để bán và trục lợi.

Gia tăng đối tượng làm giả giấy test nhanh COVID-19

Báo Lao Động đưa tin, Công an tỉnh Bình Dương cho biết thời gian gần đây, lực lượng tuần tra và bảo vệ chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố Dĩ An đã phát hiện nhiều mẫu phiếu kết quả xét nghiệm vi sinh có nội dung là test nhanh COVID-19 âm tính bị làm giả.

Các đối tượng làm giả mẫu giấy của Trung tâm y tế và phòng khám trên địa bàn thành phố để bán cho người cần sử dụng lưu thông qua chốt kiểm soát COVID-19. Trước tình hình trên, Trưởng Công an thành phố Dĩ An đã chỉ đạo Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế-ma túy lập chuyên án truy xét.

Qua làm việc với 2 người dân sử dụng phiếu kết quả xét nghiệm giả để lưu thông qua các chốt kiểm soát, công an xác định được Lê Đức Anh (sinh năm 1990) và Lê Đức Hào (sinh năm 1992 cùng tạm trú tại khu phố Thắng Lợi 2, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An) là người cung cấp các giấy test nhanh COVID-19 âm tính giả.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Lê Đức Hào và Lê Đức Anh, công an phát hiện thu giữ 21 phiếu xét nghiệm COVID-19 giả, 2 mộc dấu giả.

Ngoài ra, Lê Đức Hào khai nhận còn cung cấp cho Đoàn Thanh Tâm (sinh năm 1984) là chủ cơ sở kinh doanh gas cùng 7 người khác 19 phiếu kết quả xét nghiệm giả để qua các chốt kiểm soát.

Hiện Cơ quan điều tra Công an thành phố Dĩ An đã tạm giữ Lê Đức Hào, Lê Đức Anh và Đoàn Thanh Tâm để làm rõ, xử lý hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

 Dấu mộc giả công an thành phố Dĩ An bị thu giữ. Ảnh: Công an cung cấp/Lao Động

Vụ việc tương tự trước đó cũng xảy ra tại Quảng Ninh. Theo đó, Công an thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Tùng Lâm (SN 1988, trú tại số 29/44 Quang Trung, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) để điều tra, làm rõ hành vi làm giả giấy tờ cơ quan, tổ chức.

Cụ thể, Công an thị xã Quảng Yên nhận được thông báo của chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại trạm BOT cầu Bạch Đằng phát hiện 1 xe ôtô cứu thương chở 5 người đi qua chốt nhưng không khai báo y tế theo quy định.

Nhóm này tường trình được Nguyễn Tùng Lâm, cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hải Dương (CDC Hải Dương) xét nghiệm COVID-19 và cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính để sử dụng đi qua các chốt kiểm dịch.

Tại cơ quan công an, Nguyễn Tùng Lâm khai nhận đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho những người có nhu cầu, sau đó tự làm giả chữ ký (bắn chữ ký) của lãnh đạo để cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với giá 200.000 - 700.000 đồng/người. Bước đầu đối tượng đã cấp giấy cho gần 40 trường hợp, thu lời bất chính gần 10 triệu đồng.

Làm giả giấy xét nghiệm COVID-19 cần có chế tài nghiêm khắc

Trao đổi với báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Lê Thị Thu Nga (Công ty Luật TNHH Trường Sơn) cho biết, nhìn nhận từ góc độ pháp lý đối với các cá nhân vi phạm ở sự việc trên thì hành vi giả mạo chữ ký lãnh đạo, đóng dấu cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 có thể bị xử lý kỷ luật mang tính nội bộ được quy định tại Điều 7 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức như khiển trách, cảnh cáo… nếu có đủ căn cứ thì có thể bị truy tố hình sự.

Trong trường hợp, việc cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì người làm giả giấy tờ có thể bị truy cứu về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Theo điều 240 BLHS, người phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất là 12 năm; bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm.

Luật gia Lê Thị Thu Nga khẳng định đây là thời điểm quan trọng cho việc kiểm soát dịch bệnh nhằm đưa đất nước hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”. Do đó, các cán bộ, nhân viên trong tuyến đầu chống dịch nói riêng và cộng đồng nói chung cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm bản thân, đặc biệt cần phải xử lý nghiêm minh các hành vi trái pháp luật trong phòng, chống dịch.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang